ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1920/QĐ-UBND
|
Thanh Hóa, ngày
07 tháng 6 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH “QUY CHẾ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH THANH HÓA”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Khoa học và Công
nghệ ngày 18/6/2013;
Căn cứ Nghị định số
08/2014/NĐ-CP ngày 27/01/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Quyết định số
695/QĐ-UBND ngày 02/3/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thành lập Hội
đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2021-2026;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 678/TTr-SKHCN ngày 25/5/2021 (kèm theo ý
kiến của Sở Tư pháp tại Công văn số 877/STP-XDVB ngày 21/5/2021).
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế tổ chức và hoạt
động của Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa”.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quyết
định số 3766/QĐ-UBND ngày 29/9/2015 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc ban hành Quy
chế tổ chức và hoạt động của Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám
đốc Sở Khoa học và Công nghệ, các thành viên Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh
và Thủ trưởng các ngành, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 2 Quyết định;
- TTr Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (để báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (để b/c);
- Lưu: VT, Pg NN.
|
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Đức Giang
|
QUY CHẾ
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH
THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1920/QĐ-UBND ngày 07/06/2021 của Chủ tịch
UBND tỉnh Thanh Hóa)
Chương I
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ VÀ
QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH THANH HÓA
Điều 1.
Chức năng của Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh Thanh Hóa
Hội đồng Khoa học và Công nghệ
tỉnh Thanh Hóa (sau đây viết tắt là Hội đồng) là tổ chức tư vấn của Ủy ban nhân
dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về công tác khoa học và công nghệ của tỉnh
Thanh Hóa.
Điều 2.
Nhiệm vụ của Hội đồng
1. Hội đồng có nhiệm vụ đóng
góp ý kiến, đề xuất về các vấn đề:
a) Báo cáo kết quả hoạt động
khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (KHCN&ĐMST) hàng năm trên địa bàn tỉnh;
b) Kế hoạch khoa học và công
nghệ (KH&CN) 05 năm và hàng năm của tỉnh;
c) Tư vấn xác định nhiệm vụ
KH&CN trên cơ sở tổng hợp của cơ quan Thường trực Hội đồng;
d) Đề án hoặc chiến lược phát
triển KH&CN của tỉnh các giai đoạn;
đ) Các dự thảo văn bản quy phạm
pháp luật cụ thể hóa các chế độ, chính sách của Nhà nước về khoa học và công
nghệ trên địa bàn tỉnh;
e) Nội dung và biện pháp với
các tổ chức, lực lượng KH&CN trong và ngoài tỉnh để đẩy mạnh hoạt động
nghiên cứu, chuyển giao các thành tựu KH&CN vào sản xuất và đời sống;
f) Đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh khen thưởng các tổ chức, cá nhân đạt giải thưởng KH&CN Thanh Hóa.
2. Thực hiện các nhiệm vụ khác do
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giao, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội
của tỉnh trong từng giai đoạn.
Điều 3. Quyền
hạn, trách nhiệm của Hội đồng
1. Được cung cấp các tài liệu
và đến các cơ sở của tỉnh nghiên cứu tình hình thực tế có liên quan trực tiếp đến
việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ quy định tại Điều 1, 2 của Quy chế này.
2. Được đảm bảo các điều kiện cần
thiết và chế độ theo quy định để thực hiện tốt nhiệm vụ của Hội đồng.
3. Chịu trách nhiệm trước Ủy
ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh về các ý kiến tư vấn và kiến
nghị của Hội đồng.
Chương II
TỔ CHỨC CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 4.
Thành phần của Hội đồng
Thành phần Hội đồng gồm có:
- Chủ tịch Hội đồng;
- Các Phó Chủ tịch Hội đồng;
- Các ủy viên Hội đồng;
- Thư ký Hội đồng.
Điều 5. Thường
trực Hội đồng
1. Thường trực của Hội đồng gồm:
Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội
đồng và 02 Ủy viên Thường trực là Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ.
2. Nhiệm vụ của Thường trực Hội
đồng
a) Quyết định nội dung và
chương trình làm việc tại các kỳ họp Hội đồng;
b) Quyết định danh sách đại biểu
mời tham gia các kỳ họp, hoạt động của Hội đồng;
c) Giải quyết các công việc giữa
hai kỳ họp Hội đồng.
Điều 6. Chủ
tịch Hội đồng
1. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân
tỉnh phụ trách công tác KH&CN giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng. Chủ tịch Hội
đồng được sử dụng con dấu của UBND tỉnh trong hoạt động của Hội đồng.
2. Nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng:
a) Chỉ đạo, điều hành hoạt động
của Hội đồng theo các quy định hiện hành của pháp luật và quy định tại quy chế
này;
b) Chỉ đạo Thường trực Hội đồng
chuẩn bị nội dung, các vấn đề cần thiết đưa ra thảo luận tại các kỳ họp Hội đồng;
c) Triệu tập và chủ trì các kỳ
họp của Thường trực và toàn thể Hội đồng;
d) Duyệt các báo cáo tư vấn của
Hội đồng;
đ) Chủ tịch Hội đồng có thể ủy quyền
cho Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng giải quyết các công việc của Hội đồng khi
Chủ tịch Hội đồng vắng mặt.
Điều 7. Phó
Chủ tịch Thường trực Hội đồng
1. Giám đốc Sở Khoa học và Công
nghệ giữ cương vị Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng. Phó Chủ tịch Thường trực Hội
đồng được sử dụng con dấu của Sở Khoa học và Công nghệ trong hoạt động của Hội
đồng.
2. Nhiệm vụ của Phó Chủ tịch
Thường trực Hội đồng:
a) Chỉ đạo chuẩn bị nội dung,
chương trình, tài liệu và điều kiện tổ chức các kỳ họp của Thường trực Hội đồng
và Hội đồng;
b) Sử dụng bộ máy của cơ quan Sở
Khoa học và Công nghệ để tham mưu, phục vụ cho hoạt động của Hội đồng;
c) Thay mặt Chủ tịch Hội đồng
giải quyết các công việc của Hội đồng khi được Chủ tịch Hội đồng ủy quyền.
Điều 8. Ủy
viên Hội đồng
1. Ủy viên Hội đồng gồm lãnh đạo
một số sở, ban, ngành cấp tỉnh, Liên Hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh
Hóa và một số cơ sở đào tạo trong tỉnh.
2. Nhiệm vụ của Ủy viên Hội đồng:
a) Tham gia đầy đủ các kỳ họp
và các hoạt động của Hội đồng;
b) Nghiên cứu tài liệu, tham
gia ý kiến về những vấn đề đưa ra thảo luận ở Hội đồng;
c) Quản lý tài liệu theo quy định
về bảo mật của Nhà nước;
d) Chủ trì hoặc tham gia các Hội
đồng KH&CN tư vấn chuyên ngành (Hội đồng tư vấn xác định nhiệm vụ
KH&CN; Hội đồng tư vấn, tuyển chọn, giao trực tiếp nhiệm vụ KH&CN; Hội
đồng đánh giá nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN) thuộc lĩnh vực mình quản lý, phụ
trách.
3. Quyền hạn của Ủy viên Hội đồng:
a) Được cung cấp thông tin cần
thiết về những vấn đề có liên quan tới các kỳ họp và hoạt động của Hội đồng;
b) Kiến nghị, thảo luận những vấn
đề thuộc nhiệm vụ của Hội đồng;
c) Được dành một lượng thời
gian hành chính để thực hiện những nhiệm vụ của Hội đồng giao. Việc hoàn thành
công việc của Hội đồng được ghi nhận như việc hoàn thành phần kế hoạch công tác
cá nhân do đơn vị phân công;
d) Được hưởng các chế độ, phụ cấp
theo quy định hiện hành của pháp luật.
Điều 9. Thư
ký Hội đồng
1. Thư ký Hội đồng gồm: Một
công chức thuộc Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh phụ trách theo dõi lĩnh vực
KH&CN và Trưởng phòng Quản lý Khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ.
2. Nhiệm vụ của thư ký Hội đồng:
a) Ghi biên bản các phiên họp Hội
đồng và hoàn chỉnh hồ sơ phiên họp.
b) Chuẩn bị tài liệu phục vụ
cho các phiên họp của Thường trực Hội đồng và Hội đồng.
Điều 10.
Cơ quan Thường trực của Hội đồng
1. Cơ quan thường trực của Hội
đồng là Sở Khoa học và Công nghệ.
2. Nhiệm vụ của cơ quan Thường
trực của Hội đồng:
a) Đảm bảo các điều kiện cho hoạt
động của Hội đồng theo quy định.
b) Xây dựng kế hoạch; chuẩn bị nội
dung chương trình, tài liệu và điều kiện cần thiết cho tổ chức các kỳ họp của
Thường trực Hội đồng và Hội đồng.
c) Lưu trữ, bảo mật hồ sơ theo
quy định.
Điều 11.
Nhiệm kỳ công tác của Hội đồng
Nhiệm kỳ công tác của Hội đồng
là 05 năm. Việc bổ nhiệm, thay đổi thành viên Hội đồng do Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh quyết định trên cơ sở đề nghị của Sở Khoa học và Công nghệ - Cơ quan
Thường trực của Hội đồng.
Chương
III
PHƯƠNG THỨC VÀ NGUYÊN TẮC
LÀM VIỆC CỦA HỘI ĐỒNG
Điều 12.
Hoạt động của thành viên Hội đồng
Các thành viên của Hội đồng hoạt
động theo chế độ kiêm nhiệm, chịu trách nhiệm cá nhân trước Hội đồng về nhiệm vụ
được giao.
Điều 13.
Tài liệu của Hội đồng
Cơ quan Thường trực Hội đồng có
nhiệm vụ chuẩn bị tài liệu về những vấn đề sẽ đưa ra thảo luận ở Hội đồng và
chuyển đến các thành viên Hội đồng chậm nhất là 05 ngày trước kỳ họp. Tài liệu
cho kỳ họp bất thường phải chuyển đến thành viên Hội đồng chậm nhất là 02 ngày
trước ngày họp.
Điều 14.
Các kỳ họp của Hội đồng
1. Hội đồng họp 02 kỳ trong một
năm:
a) Kỳ họp thứ nhất: Tổng kết hoạt
động KHCN&ĐMST, đóng góp ý kiến và đề xuất các vấn đề về hoạt động
KHCN&ĐMST;
b) Kỳ họp thứ hai: Tư vấn xác định
nhiệm vụ KH&CN hàng năm, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định đặt
hàng. Kỳ họp thứ hai có 02 phiên họp:
- Phiên họp thứ nhất: Tư vấn, lựa
chọn các đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN trên cơ sở kết quả tổng hợp của Sở
Khoa học và Công nghệ để đưa ra các Hội đồng tư vấn chuyên ngành xác định nhiệm
vụ KH&CN theo các lĩnh vực.
- Phiên họp thứ hai: Tư vấn, lựa
chọn các đề xuất đặt hàng nhiệm vụ KH&CN trên cơ sở kết quả của các Hội đồng
tư vấn chuyên ngành xác định nhiệm vụ KH&CN theo các lĩnh vực.
2. Các phiên họp thường kỳ của
Hội đồng phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên của Hội đồng tham dự. Các phiên
họp bất thường phải có trên 50% số thành viên của Hội đồng tham dự.
3. Khi cần thiết, Chủ tịch Hội
đồng có thể tổ chức họp mở rộng với sự tham gia của các chuyên gia đại diện một
số ngành, đại biểu của các cơ quan, đơn vị của Trung ương, đại biểu đại diện
cho các doanh nghiệp đóng trên địa bàn và một số nhà khoa học có uy tín. Các đại
biểu mời (không phải là thành viên Hội đồng) không tham gia biểu quyết về những
vấn đề của Hội đồng.
Điều 15.
Nguyên tắc làm việc của Hội đồng
Hội đồng làm việc theo nguyên tắc
tập trung dân chủ, thảo luận công khai và quyết định theo đa số bằng biểu quyết
hoặc bỏ phiếu kín. Kết quả biểu quyết phải có ít nhất 2/3 tổng số thành viên Hội
đồng có mặt đồng ý thực hiện thì được đề nghị thực hiện; ý kiến bằng văn bản của
các thành viên Hội đồng vắng mặt chỉ có giá trị tham khảo. Mọi ý kiến và kiến
nghị của từng thành viên Hội đồng phải ghi đầy đủ trong biên bản có chữ ký của
người chủ trì và của Thư ký Hội đồng. Biên bản họp Hội đồng được gửi cho Chủ tịch
Hội đồng, Phó Chủ tịch Hội đồng và lưu tại cơ quan thường trực Hội đồng.
Trong một số trường hợp ý kiến
tư vấn, góp ý của Hội đồng có thể thông qua hình thức gửi văn bản lấy ý kiến.
Điều 16.
Kinh phí hoạt động của Hội đồng
1. Kinh phí hoạt động của Hội đồng
được bố trí từ nguồn kinh phí sự nghiệp KH&CN của tỉnh được giao trong dự
toán chi ngân sách hàng năm của Sở Khoa học và Công nghệ. Nội dung chi cho hoạt
động của Hội đồng gồm:
a) Chi cho các phiên họp toàn
thể của Hội đồng, hội thảo, tọa đàm, lấy ý kiến đóng góp bằng văn bản của các
thành viên Hội đồng, thường trực Hội đồng;
b) Chi cho việc chuẩn bị tài liệu,
tư liệu, in ấn tài liệu, văn phòng phẩm phục vụ hoạt động của Hội đồng;
c) Chi phụ cấp cho các thành
viên Hội đồng; lưu trú, công tác phí và thuê phương tiện đi lại cho các thành
viên Hội đồng, chuyên gia khi thực hiện khảo sát thực tế theo nội dung, kế hoạch
hoạt động được Thường trực Hội đồng chấp nhận; chi cho khách mời tham dự phiên
họp Hội đồng;
d) Chi cho nghiên cứu tài liệu,
chuẩn bị bài tham luận, phản biện khoa học;
đ) Các chi phí khác có liên
quan đến hoạt động của Hội đồng.
2. Các nội dung chi thực hiện
theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, Bộ Khoa học và Công nghệ và các quy định hiện
hành của pháp luật.
Điều 17.
Khen thưởng
Các thành viên Hội đồng có
thành tích trong các hoạt động của Hội đồng được đề nghị khen thưởng và thực hiện
theo các quy định của Luật Thi đua Khen thưởng.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 18.
Điều khoản thi hành và việc bổ sung, sửa đổi quy chế
Các thành viên Hội đồng Khoa học
và Công nghệ tỉnh, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thực hiện
Quy chế này.
Khi cần thiết phải sửa đổi, bổ
sung, điều chỉnh Quy chế cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của
địa phương trong từng giai đoạn hoặc thay đổi theo quy định hiện hành của pháp
luật, Cơ quan thường trực tổng hợp, tham mưu đề xuất Hội đồng xem xét, trình Chủ
tịch UBND tỉnh quyết định./.