Quyết định 1919/QĐ-UBND năm 2024 phê duyệt Đề án phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Số hiệu 1919/QĐ-UBND
Ngày ban hành 01/07/2024
Ngày có hiệu lực 01/07/2024
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Ninh
Người ký Vũ Văn Diện
Lĩnh vực Doanh nghiệp

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1919/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 01 tháng 7 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN DOANH NGHIỆP, KHỞI NGHIỆP SÁNG TẠO VÀ PHÁT TRIỂN SẢN PHẨM CHỦ LỰC, XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU CỦA TỈNH QUẢNG NINH ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ số 07/VBHN-VPQH ngày 25/5/2019; Luật Khoa học và công nghệ số 29/2013/QH13 ngày 18/6/2013; Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/6/2014; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa số 04/2017/QH13 ngày 12/6/2017;

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: Số 80/QĐ-TTg ngày 11/02/2023 phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; số 879/QĐ-TTg ngày 09/6/2014 phê duyệt Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035; số 844/QĐ-TTg ngày 18/5/2016 về phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025”; số 1362/QĐ-TTg ngày 11/10/2019 về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển bền vững doanh nghiệp khu vực tư nhân đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030; số 100/QĐ-TTg ngày 19/01/2019 về việc Phê duyệt Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc; số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 phê duyệt Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030; số 38/2020/QĐ-TTg ngày 30/12/2020 về việc phê duyệt Danh mục công nghệ cao được ưu tiên đầu tư phát triển và Danh mục sản phẩm công nghệ cao được khuyến khích phát triển; số 167/QĐ-TTg ngày 8/02/2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp khu vực tư nhân kinh doanh bền vững giai đoạn 2022-2025; số 569/QĐ-TTg ngày 11/5/2022 về việc Ban hành Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2030;

Căn cứ Chương trình hành động số 16-CTr/TU ngày 08/11/2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 03/6/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa;

Căn cứ Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2025;

Căn cứ Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 27/6/2024 của Ban Thương vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh;

Căn cứ Thông báo Kết luận số 1042-TB/TU ngày 16/10/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về Đề án Phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Thông báo số 772-TB/BCSĐ ngày 17/10/2023 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh;

Căn cứ Nghị quyết 155/NQ-HĐND ngày 12/07/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh về một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh và phát triển bền vững đến năm 2025;

Theo đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại văn bản số 2404/KHĐT-ĐKKD ngày 11/6/2024 và ý kiến thống nhất của các thành viên UBND tỉnh.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đề án phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (sau đây gọi tắt là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau:

I. QUAN ĐIỂM

1. Phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị, cả hệ thống chính trị, của toàn dân; là chìa khóa mở ra cánh cửa phát triển đột phá cho doanh nghiệp và động lực quan trọng phát triển nhanh và bền vững của tỉnh; khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo là cốt lõi làm cơ sở để nghiên cứu chủ trương, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo động lực thúc đẩy phát triển doanh nghiệp gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tiếp tục giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI.

2. Phát triển sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu phải bền vững, có chọn lọc, tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế và thúc đẩy liên kết vùng trên cơ sở phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có, khác biệt, nổi trội của tỉnh. Phát triển thương hiệu phải gắn với xây dựng đạo đức, văn hóa doanh nghiệp, nâng cao ý thức, trách nhiệm của các doanh nhân, giữ gìn uy tín, thương hiệu doanh nghiệp.

II. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

- Tạo mọi điều kiện thuận lợi về môi trường đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp, phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, ngày càng thực sự trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh; hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo xây dựng, hướng tới phát triển Quảng Ninh trở thành một trong những địa phương điển hình về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

- Xây dựng và phát triển sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao, có sức lan tỏa, phát triển bền vững và có khả năng mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu góp phần đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại; phát triển thương hiệu của tỉnh Quảng Ninh trở thành thương hiệu mạnh, có giá trị khu vực và quốc tế.

2. Yêu cầu

- Phải bám sát theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch cấp quốc gia, Quy hoạch vùng và Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chương trình hành động số 41-CTr/TU ngày 27/6/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 10/10/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết 13-NQ/TU ngày 28/4/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đến năm 2025; Nghị quyết số 17-NQ/TU ngày 30/10/2023 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, trong đó trọng tâm về “phát triển văn hóa doanh nghiệp, văn hóa kinh doanh và văn hóa doanh nhân”; Nghị quyết 155/NQ-HĐND ngày 12/7/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh về giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nâng cao hiệu quả hoạt động và phát triển bền vững đến năm 2025; Nghị quyết của Tỉnh ủy, Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các kế hoạch của UBND tỉnh triển khai thực hiện Đề án 06 gắn với chuyển đổi số toàn diện trên địa bàn tỉnh; và các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh có liên quan để làm căn cứ tổ chức triển khai theo các mục tiêu đã đề ra.

- Phải gắn với thực hiện đồng bộ, hiệu quả 3 khâu đột phá đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV xác định: (i1) Tiếp tục đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng du lịch, dịch vụ, y tế, giáo dục... (i2) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của tỉnh. (i3) Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phát triển doanh nghiệp cả về số lượng và chất lượng để tạo động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội của tỉnh nhanh và bền vững; khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo là cốt lõi làm cơ sở để nghiên cứu chủ trương, xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ và thúc đẩy doanh nghiệp phát triển gắn với với những sản phẩm chủ lực có sức cạnh tranh cao, có sức lan tỏa, phát triển bền vững và có khả năng mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu; phát triển thương hiệu Hạ Long trở thành thương hiệu mạnh, có giá trị khu vực và quốc tế; xây dựng và phát triển các thương hiệu kế thừa và phát triển giá trị sẵn có, trong đó cải trong thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là then chốt.

2. Mục tiêu cụ thể

[...]