Quyết định 1822/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch bến thủy nội địa, bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Số hiệu 1822/QĐ-UBND
Ngày ban hành 05/12/2014
Ngày có hiệu lực 05/12/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Dương Tiến Dũng
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị,Giao thông - Vận tải

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1822/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 05 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BẾN THỦY NỘI ĐỊA, BẾN KHÁCH NGANG SÔNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CÀ MAU ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân năm 2003;

Căn cứ Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 15/6/2004;

Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa ngày 17/6/2014;

Căn cứ Nghị định số 21/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa;

Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11/01/2008 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07/9/2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Thông tư số 05/2013/TT-BKHĐT ngày 31/10/2013 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh và công bố quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BGTVT-BKHĐT ngày 17/01/2012 của liên Bộ: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư về việc hướng dẫn nội dung, trình tự lập quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải cấp tỉnh;

Căn cứ Quyết định số 1108/QĐ-BGTVT ngày 26/4/2013 của Bộ Giao thông vận tải về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng đường thủy nội địa khu vực phía Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Quyết định số 818/QĐ-UBND ngày 03/6/2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 140/TTr- SGTVT ngày 08/10/2014 và ý kiến đề xuất của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số 1693/SKHĐT-TH ngày 27/10/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bến thủy nội địa, bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Quan điểm phát triển

- Phát triển hệ thống bến thủy nội địa, bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa Việt Nam, Quy hoạch chi tiết hệ thống cảng đường thủy nội địa khu vực phía Nam, Quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải tỉnh Cà Mau; đáp ứng yêu cầu vận chuyển hàng hóa, hành khách của tỉnh trong từng thời kỳ quy hoạch.

- Phát triển hệ thống bến thủy nội địa đảm bảo kết nối vận tải đường thủy nội địa với các phương thức vận tải khác; hệ thống bến khách ngang sông đáp ứng được nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân an toàn, nhanh chóng và thuận lợi; đầu tư đồng bộ giữa cảng, bến, luồng tàu, đội tàu, công nghệ quản lý và bốc xếp; xây dựng hệ thống bến thủy nội địa, bến khách ngang sông hiện đại, bền vững gắn với an ninh, quốc phòng và bảo vệ môi trường.

- Huy động mọi nguồn lực từ các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác theo các hình thức đầu tư phù hợp và cho thuê công trình hạ tầng hiện có.

- Bên cạnh việc đầu tư xây dựng mới, phải chú trọng công tác bảo trì công trình để tăng tuổi thọ công trình, đảm bảo an toàn trong khai thác và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư.

2. Mục tiêu quy hoạch

2.1. Mục tiêu tổng quát

- Xây dựng đồng bộ các cảng, bến thủy nội địa và bến khách ngang sông trên địa bàn tỉnh gắn với phát triển dịch vụ liên vận đường bộ - đường thủy hành khách, hàng hóa từ các tỉnh khác về tỉnh Cà Mau và ngược lại; kết hợp với phát triển vận tải khách du lịch bằng đường thủy trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức khoa học mạng lưới vận tải đường bộ, đường thủy trong tỉnh để tạo thành một mạng lưới vận tải thông suốt và cơ động; phối hợp chặt chẽ giữa các loại hình và lực lượng tham gia vận tải; đáp ứng nhu cầu vận tải phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng.

- Từng bước hiện đại hóa hệ thống cảng, bến thủy nội địa, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ, đáp ứng yêu cầu kết nối với vận tải đường bộ, đường biển và từng bước đáp ứng yêu cầu của dịch vụ logistics.

2.2. Mục tiêu cụ thể

- Đến năm 2015, duy trì hoạt động của các bến thủy nội địa, bến khách ngang sông đã được cấp phép phục vụ nhu cầu đi lại và vận chuyển hàng hóa của người dân; tiến hành cấp phép hoạt động đối với các bến không phép theo các tiêu chuẩn, quy định hiện hành.

[...]