Quyết định 1816/2009/QĐ-UBND về ủy quyền, phân cấp quản lý cán bộ Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng

Số hiệu 1816/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/09/2009
Ngày có hiệu lực 24/09/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Trịnh Quang Sử
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1816/2009/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 14 tháng 9 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ỦY QUYỀN, PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÁN BỘ ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Thực hiện Quyết định số 717-QĐ/TU ngày 18/3/2008 của Ban Thư­ờng vụ Thành ủy Hải Phòng ban hành Quy định phân cấp quản lý cán bộ;

Xét Tờ trình số 695/TTr-SNV ngày 08/6/2009, số 1014/TTr-SNV ngày 7/8/2009 và Công văn số 1171/SNV-TCBM ngày 09/9/2009 của Sở Nội vụ; Báo cáo thẩm định số 41/STP-KTVB ngày 27/8/2009 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phạm vi, đối tượng điều chỉnh:

1. Phạm vi: áp dụng đối với các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp, Hội chữ thập đỏ, Hội Nhà báo, Hội Luật gia, Ban đại diện Hội người cao tuổi, Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật Hải Phòng, Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị, Hội liên hiệp thanh niên, các tổ chức phi Chính phủ, các Ban quản lý dự án xây dựng công trình do Ủy ban nhân dân thành phố quyết định thành lập.

2. Đối tượng điều chỉnh: Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị nêu tại khoản 1, điều này.

Điều 2. Nội dung quản lý cán bộ, bao gồm các nội dung chính sau đây:

1. Tuyển chọn, bố trí, phân công, điều động, luân chuyển cán bộ, phân cấp quản lý cán bộ.

2. Đánh giá cán bộ.

3. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

4. Bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ.

5. Khen thưởng, kỷ luật cán bộ.

6. Thực hiện chế độ, chính sách cán bộ.

7. Quản lý hồ sơ cán bộ.

8. Kiểm tra, giám sát công tác cán bộ, giải quyết khiếu nại tố cáo về cán bộ.

Điều 3. Nguyên tắc quản lý cán bộ

1. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ, đi đôi với việc phát huy trách nhiệm của các tổ chức và người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị về công tác cán bộ.

2. Bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ.

Điều 4. Quyền hạn và trách nhiệm của Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố:

1. Cùng Người đứng đầu các cơ quan liên quan chuẩn bị nhân sự đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân thành phố, là các chức danh lãnh đạo thuộc các tổ chức nhà nước ở địa phương, trình cấp có thẩm quyền xem xét đưa ra bầu cử tại địa phương.

2. Xét duyệt quy hoạch cán bộ đối với các chức danh được ủy quyền, phân cấp quản lý, quyết định.

3. Đề xuất về công tác cán bộ đối với các chức danh do cấp trên quyết định đang công tác tại tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố; cho ý kiến về nhân sự Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện.

4. Ra quyết định thể chế hóa về mặt nhà nước các quyết định của Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy, về công tác cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy quản lý đang công tác tại tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước thuộc Ủy ban nhân dân thành phố (bao gồm bổ nhiệm Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân quận, huyện khi thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân quận, huyện).

- Cho ý kiến và ký quyết định đối với cán bộ các tổ chức, cơ quan quản lý nhà nước, đơn vị sự nghiệp nhà nước diện Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy quản lý đi công tác nước ngoài không sử dụng ngân sách thành phố.

5. Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố trực tiếp ký Quyết định về các nội dung quản lý cán bộ các chức danh thuộc Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực Thành ủy quản lý và các chức danh thuộc Ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân thành phố quản lý sau đây:

[...]