Quyết định 18-HĐBT năm 1990 về việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

Số hiệu 18-HĐBT
Ngày ban hành 16/01/1990
Ngày có hiệu lực 16/01/1990
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Hội đồng Bộ trưởng
Người ký Võ Văn Kiệt
Lĩnh vực Thương mại

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 18-HĐBT

Hà Nội, ngày 16 tháng 1 năm 1990

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC KÝ KẾT VÀ THỰC HIỆN HỢP ĐỒNG KINH TẾ THEO CHỈ TIÊU PHÁP LỆNH

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng 4-7-1981;
Căn cứ điều 45 Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế ngày 25 tháng 9 năm 1989;
Để đề cao trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị kinh tế trong việc thực hiện chỉ tiêu pháp lệnh của kế hoạch Nhà nước;
Theo đề nghị của Chủ tịch Trọng tài kinh tế Nhà nước,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quyết định này quy định việc ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh giữa các đơn vị kinh tế được giao chỉ tiêu pháp lệnh.

Điều 2. Chỉ tiêu pháp lệnh nói trong Quyết định này bao gồm:

a) Số lượng và chất lượng sản phẩm chủ yếu tiêu thụ theo địa chỉ quy định;

b) Danh mục công trình, hạng mục công trình hoàn thành bàn giao;

c) Khối lượng mặt hàng chủ yếu vận chuyển theo địa chỉ quy định;

d) Khối lượng mặt hàng chủ yếu bán (mua) theo địa chỉ quy định.

Điều 3. Ký kết hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh là nghĩa vụ của các đơn vị kinh tế được giao chỉ tiêu pháp lệnh.

Việc bảo đảm đủ các điều kiện cần thiết để ký kết hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh như giao chỉ tiêu đúng kỳ hạn, đồng bộ, cân đối giữa sản xuất với tiêu thụ; sản xuất với nguyên liệu, vật tư do Nhà nước quản lý, năng lượng; kinh doanh với quỹ vật tư, hàng hoá, v.v... là nghĩa vụ của cơ quan trực tiếp giao chỉ tiêu pháp lệnh cho đơn vị kinh tế.

Điều 4. Các cơ quan quản lý Nhà nước như Kế hoạch, Tài chính, Ngân hàng, Vật giá... trong phạm vi chức năng và quyền hạn của mình, khi xây dựng các chính sách về sản xuất, tiêu thụ, tiền vốn, giá cả, tín dụng, v.v... cần thể hiện sự khuyến khích, ưu tiên đối với các đơn vị kinh tế được giao chỉ tiêu pháp lệnh và phải kịp thời giải quyết các vướng mắc, khó khăn trong ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh.

Điều 5. Hợp đồng kinh tế được ký kết theo chỉ tiêu pháp lệnh dựa tên nguyên tắc bình đẳng, hợp tác cùng có lợi và trực tiếp chịu trách nhiệm tài sản.

Thực hiện nghiêm chỉnh hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh đã ký kết là nghĩa vụ của các đơn vị kinh tế đối với nhau và là nhiệm vụ bắt buộc đối với Nhà nước.

Điều 6. Kiểm tra việc ký kết và thực hiện, giải quyết tranh chấp về ký kết và thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh là nhiệm vụ và quyền hạn của Trọng tài kinh tế.

Điều 7. Hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh phải được ký kết bằng văn bản.

Thủ trưởng đơn vị kinh tế được giao chỉ tiêu pháp lệnh là đại diện để ký hợp đồng kinh tế; trong trường hợp cần thiết, thủ trưởng đơn vị kinh tế được uỷ quyền bằng văn bản cho người phó của mình ký hợp đồng kinh tế.

Bên sản xuất, nhận thầu, chủ phương tiện vận chuyển và bên bán (đối với xí nghiệp thương nghiệp và xí nghiệp vật tư) là bên phải làm dự thảo hợp đồng kinh tế gửi cho các bên có liên quan, chậm nhất không quá mười lăm ngày (nếu là sản phẩm mới thì không quá ba mươi ngày) kể từ ngày nhận được chỉ tiêu pháp lệnh. Bên nhận được dự thảo hợp đồng kinh tế phải cùng với bên dự thảo bàn bạc để ký hợp đồng, chậm nhất không quá ba mươi ngày kể từ ngày nhận được dự thảo hợp đồng. Nếu bàn bạc không đi đến thoả thuận ký hợp đồng thì các bên đều phải báo cáo với cơ quan trực tiếp giao chỉ tiêu pháp lệnh và với Trọng tài kinh tế cùng cấp với cơ quan đó. Chậm nhất là hai tháng, nếu bên nhận dự thảo hợp đồng không trả lời hoặc không ký vào bản dự thảo hợp đồng, bên dự thảo báo cáo lên cơ quan trực tiếp giao chỉ tiêu pháp lệnh để điều chỉnh kế hoạch.

Điều 8. Cơ quan trực tiếp giao chỉ tiêu pháp lệnh cho đơn vị kinh tế phải giải quyết các vướng mắc để bảo đảm các điều kiện đồng bộ, cân đối cho đơn vị kinh tế.

Khi nhận được báo cáo có vướng mắc trong việc ký kết hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh, Trọng tài kinh tế có nhiệm vụ cùng với các cơ quan hữu quan tác động để giải quyết khó khăn, vướng mắc đó, giúp các đơn vị kinh tế có đủ điều kiện để ký hợp đồng theo chỉ tiêu pháp lệnh.

Khi không bảo đảm điều kiện đồng bộ, cân đối để ký kết hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh, thì các đơn vị kinh tế chỉ phải ký hợp đồng tương ứng với mức độ đã được cân đối, đồng bộ.

Điều 9. Căn cứ để ký kết hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh là những quy định cụ thể của chỉ tiêu pháp lệnh và các chuẩn mức kinh tế - kỹ thuật hiện hành.

Nếu trong quyết định giao chỉ tiêu pháp lệnh không ghi rõ chất lượng thì phải áp dụng các quy định về chất lượng của Nhà nước đã ban hành; không quy định giá thì áp dụng theo chính sách giá cả hiện hành; không ghi rõ thời gian thực hiện thì thời gian thực hiện là kỳ kế hoạch được giao chỉ tiêu đó.

Về bảo hành, điều kiện nghiệm thu, giao nhận phương thức thanh toán; trách nhiệm do vi phạm hợp đồng áp dụng theo các quy định tại Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế và Nghị định số 17-HĐBT ngày 16-1-1990 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế.

Điều 10. Trong quá trình thực hiện hợp đồng kinh tế nếu một bên gặp khó khăn khách quan có khả năng dẫn đến vi phạm hợp đồng phải tìm mọi biện pháp khắc phục, phải kịp thời thông báo cho các bên có liên quan biết, đồng thời báo cáo với cơ quan trực tiếp giao chỉ tiêu pháp lệnh. Bên nhận được thông báo có nghĩa vụ phải góp sức ngăn chặn vi phạm và thiệt hại có thể xảy ra. Trường hợp không thể khắc phục được thì các cơ quan trực tiếp giao chỉ tiêu pháp lệnh xem xét để có biện pháp xử lý kịp thời cho đơn vị kinh tế. Nếu không thông báo cho các bên liên quan biết, không báo cáo với cơ quan trực tiếp giao chỉ tiêu pháp lệnh, dẫn đến không thực hiện được hợp đồng kinh tế đã ký kết, bên vi phạm phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về việc không thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh.

Điều 11. Khi có sự thay đổi về tổ chức của một bên thì đơn vị tiếp nhận nhiệm vụ sản xuất kinh doanh của bên đó có nghĩa vụ tiếp nhận việc thực hiện hợp đồng kinh tế theo chỉ tiêu pháp lệnh đã được ký kết.

[...]