ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
18/2016/QĐ.UBND
|
Nghệ An, ngày 16
tháng 02 năm 2016
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TIẾP NHẬN, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN CÔNG ĐỨC TẠI CÁC DI TÍCH LỊCH
SỬ- VĂN HÓA VÀ DANH LAM THẮNG CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN NGHỆ AN.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19/6/2015;
Căn cứ Luật Di sản Văn hóa ngày 29/6/2001 và Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa ngày 18/6/2009;
Căn cứ Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010
Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa và Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và
Du lịch tại Tờ trình số 221/TTr-SVHTTDL ngày 29 tháng 01 năm 2016,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tiếp nhận, quản
lý, sử dụng nguồn công đức ở các di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh
trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày
ký và thay thế Quyết định 195/QĐ-UBND.VX ngày 24/1/2011 về việc ban hành Quy định
tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức ở các di tích lịch sử văn hóa trên địa
bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Văn hóa, Thể
thao và Du lịch, Tài chính; Thủ trưởng các ban, ngành cấp tỉnh có liên quan; Chủ
tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn
và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lê Minh Thông
|
QUY ĐỊNH
VỀ
VIỆC TIẾP NHẬN, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN CÔNG ĐỨC TẠI CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN
HÓA, DANH LAM THẮNG CẢNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 18 /2016/QĐ-UBND ngày 16 tháng 02 năm 2016 của
UBND tỉnh Nghệ An)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Khái niệm công đức
Công đức tại các di tích lịch sử văn hóa, danh lam
thắng cảnh (sau đây gọi chung là di tích) là sự đóng góp tự nguyện bằng vật chất,
tinh thần của các tổ chức, cá nhân, dưới các hình thức như: tiền mặt, tiền chuyển
khoản, hiện vật, công trình, sức lao động, trí tuệ,… nhằm góp phần bảo tồn, tôn
tạo và phát huy giá trị di tích trên địa bàn tỉnh Nghệ An.
Điều 2. Phạm vi điều chỉnh, đối
tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về việc tiếp nhận, quản lý và
sử dụng nguồn công đức tại di tích đã được phân cấp quản lý trên địa bàn tỉnh
Nghệ An.
2. Đối tượng áp dụng
a) Các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố, thị xã; xã, phường, thị trấn được phân cấp quản lý di tích (gọi
chung là Đơn vị quản lý di tích);
b) Ban hoặc Tổ quản lý di tích, tổ chức, cá nhân được
giao trực tiếp quản lý, sử dụng di tích (gọi chung là Ban quản lý di tích).
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Các hình thức công đức
Công đức được đóng góp dưới các hình thức bằng tiền,
hiện vật, sức lao động. Cụ thể như sau:
1. Công đức bằng tiền là hình thức đóng góp bằng tiền
mặt (Việt Nam đồng, ngoại tệ) được bỏ vào hòm công đức, tại cung thờ của
di tích hoặc chuyển khoản qua hệ thống Ngân hàng.
2. Công đức bằng hiện vật là hình thức cung tiến
công trình tu bổ, tôn tạo di tích, đồ thờ tự, vàng bạc, đá quý, cây xanh, đồ
dùng, phương tiện phục vụ hoạt động, sinh hoạt tại di tích.
3. Công đức bằng sức lao động là hình thức đóng góp
ngày công lao động, trí tuệ,... để góp phần bảo tồn, phát huy giá trị tại di
tích.
Điều 4. Trách nhiệm tiếp nhận
công đức
Ban quản lý di tích tạo điều kiện thuận lợi và hướng
dẫn cho các tổ chức, cá nhân đóng góp công đức; thực hiện các thủ tục tiếp nhận
công đức như: ghi phiếu, ghi sổ công đức, hướng dẫn việc bỏ tiền vào hòm công đức;
cung cấp số tài khoản (nếu bằng hình thức chuyển khoản); sắp xếp vị trí đặt các
hiện vật công đức.
Điều 5. Công đức bằng hiện vật,
sức lao động
1. Công đức bằng hiện vật phải được sự đồng ý bằng
văn bản của cơ quan có thẩm quyền. Việc tiếp nhận công đức bằng hiện vật phải
được ghi vào sổ công đức chi tiết các loại hiện vật, kích thước, chất liệu, cân
nặng…;
2. Công đức bằng sức lao động (ngày lao động), trí
tuệ (ý kiến tham gia, đóng góp…) phải được ghi vào sổ công đức do đơn vị quản
lý di tích phát hành.
Điều 6. Công đức bằng tiền
1. Đơn vị quản lý di tích mở tài khoản tiền gửi tại
Kho bạc nhà nước tại địa phương để quản lý nguồn công đức bằng tiền.
2. Hòm công đức
a) Đơn vị quản lý di tích căn cứ vào tình hình thực
tế, quyết định số lượng hòm công đức tại các di tích nhưng mỗi di tích không
quá 3 hòm. Trường hợp có nhu cầu đặt thêm hòm công đức phải báo cáo Sở Văn hóa,
Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định.
b) Hòm công đức đảm bảo an toàn, chắc chắn, có thẩm
mỹ và phù hợp với di tích;
c) Hòm công đức được niêm phong và sử dụng 2 loại
khóa, 1 khóa giao cho đơn vị quản lý di tích, 1 khóa giao cho Trưởng ban quản
lý di tích giữ.
d) Ban quản lý di tích có trách nhiệm quản lý nguồn
tiền công đức trên các ban thờ và thu gom bỏ vào hòm công đức hàng ngày.
3. Mở hòm công đức
Việc mở hòm công đức do đơn vị quản lý di tích quyết
định nhưng tuân thủ theo quy định sau:
a) Mỗi lần mở hòm công đức phải có: Đại diện Ban quản
lý di tích và Tổ giám sát (Quy định tại điều 9) để kiểm tra, giám sát. Số lượng
đại diện Tổ giám sát do đơn vị được phân cấp quản lý di tích quyết định nhưng
phải có mặt trên 2/3 số thành viên;
b) Sau khi kiểm đếm phải có biên bản ghi rõ số tiền
thu được, xác nhận của các thành viên tham gia kiểm đếm.
c) Biên bản kiểm đếm phải có dấu giáp lai của đơn vị
quản lý di tích, chia thành 03 bản: Ban quản lí di tích giữ 01 bản; Đơn vị quản
lý di tích giữ 1 bản; gửi Sở Văn hóa, Thể thao và du lịch 01 bản để tổng hợp,
kiểm tra, theo dõi;
d) Số tiền công đức sau khi kiểm đếm được chuyển
vào tài khoản nguồn công đức được mở tại Kho bạc nhà nước theo quy định tại Điểm
b Mục 2 Điều này trong thời gian không quá 48 giờ.
4. Phiếu công đức
a) Phiếu công đức là một hình thức ghi nhận công đức.
Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định mẫu phiếu. Đơn vị quản lý di tích phát
hành.
b) Phiếu công đức phải có số xêri và đóng dấu giáp
lai của đơn vị quản lý di tích. Trường hợp Ban quản lý di tích có tư cách pháp
nhân nếu đóng dấu giáp lai của Ban vào phiếu công đức phải được Đơn vị quản lý
di tích ủy quyền bằng văn bản.
c) Phiếu công đức được phát hành không ghi mệnh
giá để phù hợp với nhu cầu công đức của nhân dân, du khách.
d) Ban quản lý di tích có trách nhiệm kiểm soát số
lượng phiếu công đức và giữ lại phiếu không sử dụng để kiểm tra, theo dõi.
5. Trong khi Quỹ bảo tồn di sản văn hóa của tỉnh
chưa được thành lập thì nguồn kinh phí dùng để bảo tồn di sản văn hóa trên địa
bàn tỉnh (gọi tắt là Nguồn bảo tồn di sản văn hóa) Ủy ban nhân dân tỉnh ủy quyền
cho Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước để
tiếp nhận, quản lý; xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn kinh phí này trình UBND tỉnh
xem xét, quyết định.
Điều 7. Quy trình sử dụng nguồn
công đức bằng tiền mặt
Việc quản lý công đức bằng tiền mặt phải tuân thủ
các quy định của Pháp luật hiện hành và các quy định sau đây:
a) Đơn vị quản lý di tích hoặc Ban quản lý di tích
khi được ủy quyền xây dựng kế hoạch, dự toán sử dụng nguồn công đức thuộc đơn vị
quản lý vào cuối mỗi năm cho năm tiếp theo để trình cơ quan có thẩm quyền phê
duyệt.
b) Hàng năm, các đơn vị quản lý di tích phải lập
báo cáo, quyết toán thu, chi nguồn công đức và chấp hành đầy đủ chế độ báo cáo
tài chính theo quy định của pháp luật và gửi báo cáo công tác thu, chi nguồn
công đức về Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp, theo dõi.
c) Đơn vị quản lý di tích (hoặc Ban quản lý di tích
khi được ủy quyền quản lý trực tiếp di tích) phải xây dựng kế hoạch chi tiêu nội
bộ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo đúng quy định của nhà nước.
d) Nguồn bảo tồn phát huy di sản được trích theo từng
quý trong năm theo tỷ lệ quy định.
Điều 8. Sử dụng nguồn công đức
bằng tiền mặt
1. Các khoản chi từ nguồn công đức:
a) Chi cho hoạt động tu bổ tôn tạo di tích. Nguồn
công đức của di tích nào được sử dụng cho di tích đó.
b) Chi cho hoạt động thường xuyên tại di tích như:
lễ nghi, khánh tiết, điện nước, vệ sinh, tuyên truyền, in ấn phiếu công đức, sơ
kết, tổng kết và tổ chức lễ hội,...
c) Chi phụ cấp hợp đồng lao động tại di tích theo
Quyết định của Đơn vị quản lý di tích, mức phụ cấp không quá 2 lần hệ số lương
cơ sở hiện hành/người/tháng.
d) Để lại cho ngân sách địa phương có di tích dùng
để chi cho phúc lợi xã hội tại địa phương.
đ) Trích cho Nguồn bảo tồn phát huy di sản văn hóa
để sử dụng vào việc bảo tồn phát huy di sản văn hóa trên địa bàn toàn tỉnh.
2. Phân bổ nguồn công đức
Việc phân bổ công đức phải được công khai theo quy
định của Nhà nước và theo tỷ lệ như sau:
a) Đối với di tích được phân cấp cho các huyện,
thành, thị; xã, phường, thị trấn:
- Nguồn thu công đức dưới 1 tỷ đồng/ năm:
Đơn vị quản lý di tích hoặc Ban quản lý di tích
(khi được ủy quyền) lập phương án sử dụng và trình cơ quan có thẩm quyền phê
duyệt.
- Nguồn công đức bằng tiền mặt trên 1 tỷ đồng/
năm:
+ Trích 45% phục vụ công tác bảo tồn, tôn tạo di
tích.
+ Trích 35% cho các hoạt động thường xuyên tại di
tích và chi trả phụ cấp hợp đồng lao động tại di tích.
+ Trích 10% cho ngân sách địa phương có di tích để
sử dụng cho phúc lợi xã hội tại địa phương.
+ Trích 10% cho Nguồn bảo tồn, phát huy di sản văn
hóa của tỉnh.
b) Đối với các di tích do các Sở, ban, ngành quản
lý.
- Trích 50% nguồn thu công đức cho công tác tu bổ
tôn tạo di tích.
- Trích 40% nguồn thu công đức chi cho các hoạt động
thường xuyên và hợp đồng lao động tại di tích.
- Trích 5% cho phúc lợi xã hội tại địa phương.
- Trích 5% cho Nguồn bảo tồn, phát huy giá trị di sản
văn hóa của tỉnh.
3. Hàng năm, nếu nguồn chi cho hoạt động thường
xuyên và cho hợp đồng lao động tại di tích không sử dụng hết thì số tiền còn lại
được điều chuyển cho hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích đó.
4. Đối với nguồn kinh phí tu bổ tôn tạo di tích: Nếu
trong năm đơn vị chưa có nhu cầu sử dụng nguồn kinh phí này thì được chuyển
sang năm sau để tiếp tục sử dụng. Trường hợp di tích đã tu bổ hoàn chỉnh, nguồn
công đức còn nhưng không có nhu cầu sử dụng Đơn vị quản lý di tích xem xét, quyết
định điều chuyển sang phục vụ tu bổ tôn tạo, phát huy giá trị cho các di tích
khác tại địa phương.
Điều 9. Tổ giám sát
Đơn vị quản lý di tích thành lập tổ giám sát để
giám sát các hoạt động liên quan đến công đức theo từng năm. Thành phần tổ giám
sát được cử trong các ban, ngành sau:
1. Đối với di tích được phân cấp cho Ủy ban nhân
dân cấp huyện, thành phố, thị xã; xã, phường, thị trấn: Đại diện Hội đồng nhân
dân; Ủy ban nhân dân; Ủy ban mặt trận tổ quốc; Hội người cao tuổi; Hội cựu chiến
binh; Thanh tra; Tài chính để giám sát các hoạt động liên quan đến công đức;
2. Đối với các di tích được phân cấp cho các Sở,
ban, ngành quản lý: Lãnh đạo đơn vị; Phòng chuyên môn; Thanh tra nhân dân; Công
đoàn; Đoàn thanh niên; Tài chính ngành để giám sát các hoạt động liên quan đến
công đức.
Điều 10. Các hình thức khen
thưởng, kỷ luật.
1. Tổ chức, cá nhân đóng góp công đức bằng tiền mặt,
hiện vật, công trình có giá trị lớn thì được cấp giấy chứng nhận tấm lòng vàng
của cơ quan quản lý nhà nước theo đề nghị của đơn vị quản lý di tích và các
hình thức tuyên dương ghi nhận khác.
2. Hàng năm, căn cứ vào thành tích trong việc tiếp
nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức, Ban quản lý di tích và các đơn vị có
liên quan được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định hình thức khen thưởng.
3. Mọi hình thức lợi dụng việc tiếp nhận, quản lý
và sử dụng nguồn công đức ở các di tích để sử dụng trái với quy định này đều bị
xử lý theo quy định của pháp luật.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 11. Điều khoản thi hành.
1. Giao Sở Tài chính và Sở Văn hóa, Thể thao và Du
lịch chịu trách nhiệm hướng dẫn việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng nguồn công đức
ở các di tích và kiểm tra việc thực hiện quy định này.
2. Các Sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã;
xã, phường, thị trấn được phân cấp quản lý di tích chịu trách nhiệm thực hiện
các nội dung của Quy định này.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc
đề nghị các cơ quan, đơn vị và các cá nhân có liên quan đề xuất, phản ánh về Sở
Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.