Quyết định 18/2010/QĐ-UBND quy định mức trợ cấp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Trị do Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị ban hành

Số hiệu 18/2010/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/11/2010
Ngày có hiệu lực 02/12/2010
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Nguyễn Đức Cường
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 18/2010/QĐ-UBND

Đông Hà, ngày 22 tháng 11 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC TRỢ CẤP XÃ HỘI ĐỐI VỚI CÁC ĐỐI TƯỢNG BẢO TRỢ XÃ HỘI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG TRỊ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về Chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội (Sau đây gọi tắt là Nghị định số 67/2007/NĐ-CP), Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13/4/2007 của Chính phủ về Chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội (Sau đây gọi tắt là Nghị định số 13/2010/NĐ-CP);
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 24/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 18 tháng 8 năm 2010 của Liên Bộ: Lao động- Thương binh và Xã hội, Tài chính về Hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tại Tờ trình số 1231/TTr-LĐTBXH, ngày 09 tháng 1 năm 2010,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định mức trợ cấp xã hội đối với các đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị định số 67/2007/NĐ-CP và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Trị như sau:

1. Chế độ trợ cấp thường xuyên:

a) Mức trợ cấp hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội tại cộng đồng do xã, phường, thị trấn quản lý như Phụ lục 1 kèm theo.

b) Mức trợ cấp nuôi dưỡng hàng tháng cho các đối tượng bảo trợ xã hội sống trong các cơ sở Bảo trợ xã hội như Phụ lục 2 kèm theo.

Trường hợp đối tượng thuộc diện hưởng các mức trợ cấp khác nhau theo quy định tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này thì chỉ được hưởng một mức cao nhất. Đối với người đơn thân quy định tại khoản 9 Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP đang hưởng trợ cấp xã hội theo quy định lại khoản 4, khoản 5 Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP, được sửa đổi theo khoản 1, khoản 2 Điều 1 Nghị định số 13/2010/NĐ-CP và đối tượng quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 6 Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP thì vẫn được hưởng chế độ trợ cấp theo quy định tại khoản 9 Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP.

c) Các đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này; trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi được gia dính, cá nhân nhận nuôi dưỡng theo quy định tại khoản 7 Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP và trẻ em là con của người đơn thân quy định tại khoản 9 Điều 4 Nghị định số 67/2007/NĐ-CP còn được hưởng thêm các khoản trợ giúp sau:

- Cấp thẻ Bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Các đối tượng đang học văn hóa, học nghề được miễn, giảm học phí, được cấp sách, vở đồ dùng học tập theo quy định của Pháp luật.

- Khi chết được hỗ trợ mai táng phí mức 3.000.000 đồng. Đối với trường hợp đối tượng thuộc diện được hỗ trợ các mức mai táng phí khác nhau thì chỉ được hỗ trợ một mức mai táng phí cao nhất.

d) Các đối tượng ở cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Nhà nước quản lý ngoài các khoản trợ giúp trên còn được trợ cấp mức 150.000đồng/người/tháng để: Mua sắm tư trang, vật dụng phục vụ cho sinh hoạt đời sống thường ngày; mua thuốc chữa bệnh thông thường; vệ sinh cá nhân hàng tháng đối với đối tượng nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Riêng người nhiễm HIV/AIDS ở cơ sở bảo trợ xã hội thuộc Nhà nước quản lý, ngoài các khoản trợ giúp trên còn được hỗ trợ điều trị nhiễm trùng cơ hội mức 250.000đồng/người/năm.

e) Trẻ em từ 13 tuổi trở lên sống tại các cơ sở bảo trợ xã hội, nhà xã hội tại cộng đồng, không còn học văn hóa thì được giới thiệu đến các cơ sở dạy nghề để học nghề theo quy định hiện hành của Nhà nước.

f) Trẻ em mồ côi đã đến tuổi trưởng thành nhưng không tiếp tục học văn hóa, học nghề; người tàn tật đã phục hồi chức năng; người tâm thần đã ổn định đang ở cơ sở bảo trợ xã hội được đưa trở về địa phương (Nơi đối tượng sinh sống trước khi vào cơ sở bảo trợ xã hội). UBND xã, phường, thị trấn (Gọi tắt lả cấp xã) và gia đình có trách nhiệm tiếp nhận và tạo điều kiện cho họ có việc làm, ổn định cuộc sống.

g) Trẻ em bị bỏ rơi sống tại cơ sở bảo trợ xã hội đã đến tuổi trưởng thành nhưng không tiếp tục học văn hóa, học nghề thì cơ sở bảo trợ xã hội và địa phương nơi cơ sở bảo trợ xã hội đặt trụ sở có trách nhiệm hỗ trợ tạo việc làm, nơi ở và tiếp tục cho hưởng trợ cấp cho đến khi tự lập được cuộc sống, nhưng không quá 24 tháng.

2. Chế độ trợ cấp đột xuất:

Trợ cấp đột xuất cho các đối tượng là cá nhân và hộ gia đình gặp khó khăn do hậu quả thiên tai hoặc những lý do bất khả kháng khác gây ra.

a) Đối với hộ gia đình:

- Có người chết, mất tích: 4.500.000 đồng/người;

- Có người bị thương nặng: 1.500.000 đồng/người;

- Có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy, hỏng nặng: 6.000.000 đồng/hộ;

- Hộ gia đình phải di dời nhà ở khẩn cấp do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét: 6.000.000 đồng/hộ;

- Hộ gia đình có nhà bị đổ, sập, trôi, cháy, hỏng nặng và hộ gia đình phải di dời nhà ở khẩn cấp do nguy cơ sạt lở đất, lũ quét sống ở vùng khó khăn thuộc danh mục các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn do Thủ tướng Chính phủ quy định, mức hỗ trợ: 7.000.000 đồng/hộ.

b) Cá nhân:

[...]