Quyết định 178/2004/QĐ-TTg phê duyệt "Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 178/2004/QĐ-TTg
Ngày ban hành 05/10/2004
Ngày có hiệu lực 27/10/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 178/2004/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 178/2004/QĐ-TTG NGÀY 05 THÁNG 10 NĂM 2004 PHÊ DUYỆT "ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN TỔNG THỂ ĐẢO PHÚ QUỐC, TỈNH KIÊN GIANG ĐẾN NĂM 2010 VÀ TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2020"

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 3309/BKH-CLPT ngày 01 tháng 6 năm 2004,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 làm căn cứ cho việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng của Đảo.

Đảo Phú Quốc ở vào vị trí tiền tiêu phía Tây Nam vừa có tiềm năng phát triển kinh tế to lớn, vừa có vị trí quân sự đặc biệt quan trọng trong chiến lược phòng thủ đất nước. Phát triển đảo Phú Quốc phải dựa trên các quan điểm sau:

- Ưu tiên cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững gắn với giữ gìn cảnh quan và môi trường sinh thái. Tập trung sức xây dựng và phát triển đảo Phú Quốc theo một kế hoạch và bước đi thích hợp thành Trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, giao thương quốc tế lớn, hiện đại của Vùng đồng bằng sông Cửu Long, phía Tây Nam đất nước và từng bước hình thành một Trung tâm du lịch, giao thương mang tầm cỡ khu vực, quốc tế.

- Phát triển đảo Phú Quốc phải gắn với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh của Đảo và cả nước.

- Phát triển đảo Phú Quốc phải gắn kết và có sự phối hợp chặt chẽ với Vùng đồng bằng sông Cửu Long, thành phố Hồ Chí Minh và trong mối quan hệ khu vực Đông Nam á. Phát triển đảo Phú Quốc cũng là để thúc đẩy sự phát triển của Vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như của cả nước.

- Tập trung ưu tiên phát triển mạnh du lịch và từng bước tiếp tục phát triển du lịch với chất lượng cao theo quy hoạch; đồng thời, thúc đẩy các ngành dịch vụ khác phát triển nhằm đáp ứng yêu cầu phát huy thế mạnh của Đảo.

- Huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế, kể cả trong nước và nước ngoài cho phát triển đảo Phú Quốc. Ngân sách nhà nước ưu tiên đầu tư cho kết cấu hạ tầng thiết yếu của Đảo.

Điều 2. Phấn đấu đạt những mục tiêu phát triển chủ yếu sau:

- Tạo được bước phát triển nhanh về tiềm lực kinh tế, đóng góp vào phát triển chung của cả nước, tăng cường được an ninh, quốc phòng của đảo Phú Quốc. Từng bước xây dựng đảo Phú Quốc thành Trung tâm du lịch (du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển) tầm cỡ khu vực và quốc tế với các hình thức dịch vụ chất lượng cao, thu hút nhiều du khách quốc tế và đáp ứng yêu cầu của khách du lịch trong nước.

- Đến năm 2010, phấn đấu hình thành được một số khu du lịch và vui chơi giải trí chất lượng cao, hàng năm thu hút khoảng 300 - 350 nghìn khách du lịch, góp phần đáng kể giải quyết việc làm, nâng cao đời sống văn hoá, xã hội cho nhân dân đảo Phú Quốc và các đảo nằm trong huyện đảo Phú Quốc.

- Đến năm 2020, hoàn thành về cơ bản xây dựng đảo Phú Quốc thành Trung tâm du lịch và du lịch sinh thái biển phát triển ở trình độ cao, hàng năm thu hút khoảng 2 - 3 triệu lượt khách du lịch.

Điều 3. Nhiệm vụ và các giải pháp chủ yếu thúc đẩy phát triển các ngành và lĩnh vực then chốt của đảo Phú Quốc:

1. Tập trung xây dựng đảo Phú Quốc trở thành Trung tâm du lịch, trước hết và chủ yếu là du lịch sinh thái đảo - biển chất lượng cao tiêu biểu cho Kiên Giang và cho cả nước.

Phát huy thế mạnh nhiều bãi cát trắng đẹp trên cả hai bờ phía Tây và phía Đông để hình thành các điểm và các tuyến du lịch ven biển, phát triển du lịch hải đảo mang sắc thái riêng, tạo ra sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng, hoạt động quanh năm, lưu giữ du khách dài ngày và thu hút du khách đến nhiều lần...

Đồng thời, gắn phát triển du lịch của đảo Phú Quốc với phát triển du lịch của thành phố Hồ Chí Minh, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và các tuyến du lịch của cả nước.

Xuất phát từ những đặc điểm và tiềm năng du lịch to lớn, phát triển du lịch Phú Quốc theo hướng đa dạng các loại hình và đưa đón khách bằng cả đường bộ, đường thuỷ và đường hàng không, nổi bật là:

a) Du lịch tắm, nghỉ dưỡng biển gắn với trung tâm thể thao dưới nước (bơi lặn, chèo thuyền...); công viên hải dương (biểu diễn cá heo, thủy cung);

b) Du lịch sinh thái (tham quan du ngoạn quanh đảo và các đảo nhỏ, nghiên cứu về các giá trị tự nhiên và văn hoá bản địa) gắn với du lịch tuần trăng mật, câu cá, câu mực...;

c) Du lịch thể thao (bao gồm thể thao biển, thể thao núi và du lịch mạo hiểm leo núi);

d) Du lịch vui chơi giải trí, đặc biệt là một số hình thức vui chơi giải trí cao cấp và các dịch vụ thu hút nhiều khách du lịch;

đ) Du lịch mua sắm và các loại hình du lịch hấp dẫn khác để thu hút khách;

e) Tổ chức hội nghị, hội thảo (tại một số khách sạn lớn có Trung tâm hội nghị, Trung tâm thương mại và ẩm thực);

Nhà nước hỗ trợ vốn ngân sách cho công tác quy hoạch và xây dựng kết cấu hạ tầng. Huy động vốn của các thành phần kinh tế và cho phép thu hút đầu tư ngoài nước với các hình thức đầu tư hợp lý để phát triển kết cấu hạ tầng du lịch và các lĩnh vực trọng điểm.

[...]