ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 174/QĐ-UBND
|
Điện Biên,
ngày 9 tháng 3 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÁC MÔ HÌNH CHUỖI CUNG
ỨNG THỰC PHẨM NÔNG, LÂM, THUỶ SẢN AN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN
2017-2020
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương
ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17/6/2010;
Căn cứ Quyết định số 3073/QĐ-BNN-QLCL ngày
27/12/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án
"Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông lâm thuỷ sản
an toàn trên phạm vi toàn quốc"; Quyết định số 354/QĐ-BNN-QLCL ngày
04/3/2014 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt kế hoạch
triển khai Đề án “Xây dựng và phát triển mô hình chuỗi cung cấp thực phẩm nông
lâm thủy sản an toàn trên phạm vi toàn quốc”;
Tiếp theo Quyết định số 212/QĐ-UBND ngày
25/3/2015 của UBND tỉnh Điện Biên về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông
nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến năm 2020
trên địa bàn tỉnh Điện Biên và tình hình thực tiễn sản xuất nông, lâm, thuỷ sản
trên địa bàn tỉnh;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tại Tờ trình số 339/TTr-SNN ngày 03/3/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch xây dựng và phát
triển các mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản an toàn trên địa
bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2017-2020.
Điều 2.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các huyện,
thị xã, thành phố chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức triển
khai các nội dung của Kế hoạch.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc
các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính, Y tế, Công Thương; Chủ
tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan, đơn vị, tổ chức,
cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lò Văn Tiến
|
KẾ HOẠCH
XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN CÁC MÔ HÌNH CHUỖI CUNG ỨNG THỰC PHẨM
NÔNG, LÂM, THUỶ SẢN AN TOÀN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN 2017-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 174/QĐ-UBND ngày 09/3/2017 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Điện Biên)
I. MỤC TIÊU,
YÊU CẦU
1. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung
- Triển khai thực hiện có hiệu quả
các chỉ đạo và nhiệm vụ đặt ra tại các Quyết định của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, Chỉ thị, Quyết định của UBND tỉnh về Đề án tái cơ cấu ngành
nông nghiệp.
- Xây dựng và phát triển mô hình
chuỗi cung ứng thực phẩm nông lâm thuỷ sản an toàn, đảm bảo chất lượng có hiệu
quả, đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong tỉnh.
- Kiểm soát an toàn thực phẩm
(ATTP) trong toàn bộ chuỗi cung ứng thực phẩm được thiết lập nhằm tạo ra sản phẩm
thực phẩm an toàn và đảm bảo truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ giống nòi, sức khoẻ của người
tiêu dùng, từng bước nâng cao chất lượng của sản phẩm nông lâm thuỷ sản góp phần
tăng giá trị sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.
- Nâng cao nhận thức của người sản
xuất kinh doanh, đội ngũ quản lý đến người tiêu dùng về chuỗi thực phẩm nông
lâm thủy sản trên địa bàn tỉnh, góp phần nhận diện, phân biệt sản phẩm được đảm
bảo an toàn thực phẩm.
b) Mục tiêu cụ thể:
- 100% cán bộ cấp tỉnh, huyện được
đào tạo tập huấn trang bị đầy đủ kiến thức để tổ chức triển khai xây dựng, phát
triển các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản an toàn.
- 100% tổ chức cá nhân tham gia
chuỗi được tuyên truyền, tập huấn, đào tạo nâng cao kiến thức về ATTP trong xây
dựng chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản an toàn.
- Duy trì, phát triển các mô hình
chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn hiện có (Chè Shan tuyết,
cà phê, rau, củ quả).
- Xây dựng và triển khai mới từ 03
chuỗi cung ứng sản phẩm thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn trở lên; tổ chức
kiểm tra, giám sát, cấp giấy xác nhận sản phẩm an toàn và công khai tại nơi bày
bán cho người tiêu dùng. Cụ thể gồm các sản phẩm: dứa, gạo, mật ong và thủy sản;
- Phấn đấu đến năm 2020 có khoảng
10% sản lượng sản phẩm nông, lâm, thủy sản sản xuất tại địa phương được kiểm
soát theo chuỗi sản phẩm;
- Đến năm 2020 có ít nhất 70% các
bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn sử dụng thực phẩm trong chuỗi cung ứng thực
phẩm an toàn.
2. Yêu cầu
- Các cấp, các ngành, địa phương
trong tỉnh tổ chức triển khai kịp thời việc xây dựng và phát triển mô hình chuỗi
cung ứng thực phẩm nông sản an toàn, đảm bảo chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ
đề ra. Đặc biệt chú trọng xây dựng mô hình tại những nơi có các doanh nghiệp
các hợp tác xã, tổ hợp tác.
- Huy động mọi nguồn lực cho đầu
tư xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn;
tổ chức kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, phát huy vai trò của người sản
xuất, các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể chính trị trong sản xuất và tiêu thụ
sản phẩm an toàn.
II. NỘI DUNG VÀ
NHIỆM VỤ
1. Tuyên truyền đào tạo nâng
cao nhận thức năng lực về xây dựng mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm,
thuỷ sản an toàn cho tổ chức và cá nhân
- Tăng cường công tác tuyên truyền
phổ biến các quy định của pháp luật, kiến thức về ATTP trên các phương tiện
thông tin đại chúng.
- Tổ chức đào tạo, tập huấn nâng
cao nhận thức, kỹ năng thực hiện quy trình kỹ thuật đảm bảo chất lượng ATTP cho
các tổ chức cá nhân tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn thông qua nhiều
hình thức, phù hợp đối với từng đối tượng.
- Hướng dẫn kiểm soát ATTP tại các
công đoạn sản xuất trong chuỗi trên cơ sở đánh giá nguy cơ về ATTP. Tổ chức học
tập kinh nghiệm xây dựng chuỗi tại một số địa phương trong và ngoài tỉnh.
2. Xây dựng và phát triển mô
hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn
a) Khảo sát đánh giá lựa chọn xây
dựng mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn và cam kết đảm bảo an toàn thực
phẩm
Tiến hành khảo sát đánh giá điều
kiện và năng lực sản xuất của cơ sở sản xuất ban đầu, sơ chế, giết mổ, chế biến,
bảo quản vận chuyển đến kinh doanh trên địa bàn, ưu tiên lựa chọn cơ sở sản xuất
kinh doanh sản phẩm chủ lực của tỉnh, sản phẩm có nguy cơ cao gây mất an toàn
thực phẩm (gạo, rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm, sản phẩm thuỷ sản). Lựa chọn
địa bàn xây dựng mô hình chuỗi theo các tiêu chí.
(Có phụ lục các tiêu chí kèm
theo).
b) Hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh
doanh thực phẩm xây dựng, áp dụng các chương trình quản lý chất lượng tiên tiến
(VietGap, GMP, HACCP...) và chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản an
toàn.
- Hỗ trợ tư vấn, hướng dẫn các cơ
sở tham gia mô hình chuỗi cải tạo, nâng cấp điều kiện cơ sở vật chất nhằm đáp ứng
các yêu cầu về điều kiện đảm bảo vệ sinh ATTP.
- Hướng dẫn tư vấn xây dựng chương
trình quản lý chất lượng phù hợp với điều kiện sản xuất của các cơ sở tham gia
xây dựng mô hình chuỗi.
c) Đánh giá công nhận đủ điều kiện
đảm bảo ATTP
- Thực hiện kiểm tra điều kiện đảm
bảo ATTP; giám sát đánh giá chất lượng, ATTP sản phẩm thực phẩm từ các mô hình.
- Xác nhận sản phẩm nông, lâm, thuỷ
sản an toàn cho các tác nhân tham gia chuỗi; Cấp lô gô nhận diện sản phẩm được
kiểm soát an toàn theo chuỗi cho các cơ sở được chứng nhận để người tiêu dùng
nhận diện được sản phẩm an toàn.
- Công nhận cơ sở đủ điều kiện
ATTP, phối hợp đánh giá sự phù hợp với các chương trình quản lý chất lượng tiên
tiến (VietGap, GMP, HACCP...).
d) Triển khai các hoạt động quảng
bá xúc tiến thương mại sản phẩm từ mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm,
thuỷ sản an toàn.
- Hỗ trợ thiết kế, in tem nhãn nhận
diện; quảng bá tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại các sản phẩm đã được kiểm
soát ATTP theo chuỗi.
- Xây dựng các sản phẩm truyền
thông như tờ rơi, đĩa hình, phóng sự, chuyên mục... giới thiệu sản phẩm nông,
lâm, thuỷ sản an toàn từ mô hình chuỗi.
đ) Tổng kết đánh giá mô hình chuỗi
cung ứng thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản an toàn; phổ biến kinh nghiệm nhân rộng.
Đề xuất kế hoạch phát triển giai
đoạn tiếp theo.
3. Duy trì phát triển các chuỗi
đã được xây dựng
- Tiếp tục tuyên truyền hướng dẫn
vận động các tác nhân tham gia chuỗi duy trì sản xuất kinh doanh theo chuỗi sản
phẩm nâng cao ý thức bảo vệ thương hiệu chất lượng sản phẩm.
- Hỗ trợ các cơ sở sản xuất kinh
doanh thực phẩm xây dựng và áp dụng các chương trình quản lý tiến tiến
(VietGap, GMP, HACCP...).
- Tiếp tục kiểm tra, giám sát chất
lượng sản phẩm theo chuỗi đã được xác nhận, kiểm tra điều kiện đảm bảo ATTP.
- Hỗ trợ kết nối mở rộng phát triển
các chuỗi tăng quy mô, sản lượng sản phẩm theo các vùng; hỗ trợ quảng bá, xúc
tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm.
- Tổng kết đánh gía thực hiện mô
hình chuỗi.
III. NGUỒN KINH
PHÍ
1. Ngân sách nhà
nước: Hỗ trợ công tác tuyên truyền, tập huấn; kiểm tra xác nhận sản phẩm; chứng
nhận đủ điều kiện đảm bảo ATTP, giám sát chất lượng sản phẩm;
kết nối quảng bá xây dựng thương hiệu sản phẩm, bao bì, tem
nhãn nhận diện sản phẩm, hỗ trợ vật tư nông nghiệp và các dụng
cụ, trang thiết bị cần thiết (nếu có).
2. Kinh phí hỗ trợ
từ các Chương trình, dự án.
3. Kinh phí huy động
từ các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp.
4. Các nguồn kinh
phí hợp pháp khác.
IV. THỜI GIAN THỰC HIỆN.
Thực hiện trong giai đoạn từ năm 2017 đến năm
2020.
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
a) Hướng dẫn tổ
chức chỉ đạo, đôn đốc kiểm tra việc thực hiện các nội dung trong Kế hoạch.
b) Chỉ đạo các
đơn vị trực thuộc tổ chức triển khai có hiệu quả công tác tuyên
truyền tập huấn, hướng dẫn xây dựng
mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản cho các cá nhân, tổ chức.
c) Lựa chọn phối
hợp với các huyện, thị xã, thành phố xây dựng các mô hình
chuỗi.
d) Tăng cường công
tác thanh tra, kiểm tra giám sát tuân thủ các quy định
ATTP trong sản xuất sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản; thực hiện lấy mẫu giám sát nguy cơ, thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm khi xảy ra các sự cố mất ATTP; xác nhận sản phẩm an toàn theo chuỗi.
c) Chủ trì tổng hợp
khó khăn vướng mắc trong việc thực hiện kế hoạch, báo cáo UBND tỉnh để tháo gỡ
kịp thời.
2. Sở Tài
chính
Trên cơ sở đề xuất của Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và UBND các huyện thị xã,
thành phố, có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn thẩm định, căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách
địa phương, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt kinh phí hỗ
trợ thực hiện Kế hoạch này.
3. Sở Y tế
- Đẩy mạnh việc kiểm soát, truy xuất
nguồn gốc thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm đối với các bếp ăn tập thể, nhà
hàng, khách sạn;
- Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền
giáo dục, phổ biến kiến thức và pháp luật về an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận
thức, trách nhiệm của người kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm; tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách
sạn thuộc lĩnh vực ngành quản lý;
- Khuyến khích, vận động, chỉ đạo
các bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn đảm bảo thực phẩm khi đưa vào sử
dụng có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, ưu tiên
nhập nguồn thực phẩm đã được xác nhận an toàn.
4. Liên minh Hợp tác xã tỉnh
Tổ chức rà soát về hiệu quả hoạt động của các HTX sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh,
trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch hướng dẫn, vận động, hỗ trợ các HTX tham gia
vào các liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản an toàn.
5. Đài Phát thanh và
Truyền hình tỉnh, Báo Điện Biên Phủ
Phối hợp với các Sở, ban, ngành,
đoàn thể tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện tuyên truyền, thông
tin về sản xuất, kinh doanh các sản phẩm thực phẩm nông,
lâm, thuỷ sản an toàn theo chuỗi cung ứng.
6. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc tỉnh, Hội Nông dân
tỉnh, Hội Phụ nữ tỉnh
Tổ chức tuyên truyền, vận động các hội viên và nhân dân chấp hành tốt
các quy định về đảm bảo ATTP, tích cực tham gia và có
trách nhiệm xây dựng mô hình sản xuất kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản an toàn theo chuỗi cung ứng.
7. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố
a) Tập trung chỉ đạo, xây dựng kế
hoạch và bố trí kinh phí để triển khai thực hiện các mô
hình chuỗi liên kết có hiệu quả ngay trên địa bàn quản lý.
b) Phối hợp chặt chẽ với Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, các Sở, ngành có liên quan, các tổ chức chính
trị xã hội, các đoàn thể tích cực tham gia các hoạt động
tuyên truyền, vận động người dân tổ chức sản xuất thực phẩm an toàn; liên kết sản xuất theo chuỗi sản phẩm an toàn, kiểm tra giám sát việc
sản xuất nông, lâm, thuỷ sản trên địa
bàn.
c) Định kỳ 6 tháng, hàng năm báo
cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh
và cấp có thẩm quyền.
8. Các cơ sở sản xuất kinh
doanh thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản
- Chấp hành tốt các quy định về
ATTP trong quá trình sản xuất của cơ sở; tự nguyện tham gia và có trách nhiệm trong quá trình xây dựng
mô hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thuỷ sản an toàn.
- Chủ động đầu tư nâng cấp cơ sở vật
chất phương tiện thiết bị cần thiết để đáp ứng các điều kiện về ATTP trong quá
trình sản xuất kinh doanh; có trách nhiệm tự kiểm tra, giám sát sản phẩm trong chuỗi để đảm bảo chất lượng, thương
hiệu sản phẩm.
Trên đây là Kế hoạch xây dựng và phát triển mô
hình chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn trên địa bàn tỉnh Điện
Biên giai đoạn 2017-2020./.