Quyết định 170/2004/QĐ-BGTVTsửa đổi năm 2002 của Công ước SOLAS 74 và Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển do Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ban hành.

Số hiệu 170/2004/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 16/01/2004
Ngày có hiệu lực 20/02/2004
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đào Đình Bình
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
*******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 170/2004/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 16 tháng 01 năm 2004

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ÁP DỤNG SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NĂM 2002 CỦA CÔNG ƯỚC SOLAS 74 VÀ BỘ LUẬT QUỐC TẾ VỀ AN NINH TÀU BIỂN VÀ CẢNG BIỂN

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Quyết định số 191/2003/QĐ-TTg ngày 16 tháng 9 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt sửa đổi, bổ sung năm 2002 một số chương của Công ước Quốc tế về an toàn sinh mạng con người trên biển;
Căn cứ các quy định của sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước SOLAS 74 ban hành kèm theo Bộ luật quốc tế về an ninh tàu biển và cảng biển (sau đây gọi tắt là Bộ luật ISPS);
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam và Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Đối tượng áp dụng các quy định của sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước SOLAS 74 và Bộ luật ISPS

1. Các loại tàu biển sau đây hoạt động trên tuyến quốc tế:

a) Tàu khách;

b) Tàu hàng có tổng dung tích từ 500 GT trở lên;

c) Giàn khoan di động ngoài khơi.

2. Các cảng biển tiếp nhận tàu biển hoạt động trên tuyến quốc tế quy định tại khoản 1, Điều này;

3. Công ty khai thác tàu biển trên các tuyến quốc tế quy định tại khoản 1, Điều này (sau đây gọi tắt là Công ty tàu biển);

4. Doanh nghiệp quản lý, khai thác cảng biển quy định tại khoản 2, Điều này (sau đây gọi tắt là Doanh nghiệp cảng biển).

Điều 2. Trách nhiệm và quyền hạn của Cục Hàng hải Việt Nam

Cục Hàng hải Việt Nam - Cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải thực hiện chức năng "Cơ quan có thẩm quyền", có trách nhiệm và quyền hạn sau:

1. Tổ chức đào tạo Cán bộ an ninh cảng biển với những nội dung phù hợp với Chương trình chuẩn của Tổ chức Hàng hải quốc tế ;

2. Hướng dẫn các Doanh nghiệp cảng biển đánh giá an ninh cảng biển và xây dựng Kế hoạch an ninh cảng biển;

3. Phê duyệt bản Đánh giá an ninh cảng biển, Kế hoạch an ninh cảng biển và các bổ sung, sửa đổi đối với Kế hoạch an ninh cảng biển;

4. Cấp "Giấy chứng nhận phù hợp của cảng biển" theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 của Quyết định này;

5. Tổ chức thực hiện việc ghi "Lý lịch của tàu biển" theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 của Quyết định này;

6. Hướng dẫn thực hiện "Bản cam kết an ninh" theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 của Quyết định này;

7. Là đầu mối liên lạc để thu nhận, xử lý, truyền phát thông tin an ninh hàng hải với tàu biển, công ty tàu biển, doanh nghiệp cảng biển và các cơ quan hữu quan;

8. Trao đổi thông tin với Tổ chức Hàng hải quốc tế về việc thực hiện các quy định của sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước SOLAS 74 và Bộ luật ISPS tại Việt Nam;

9. Thực hiện các nhiệm vụ có liên quan khác theo yêu cầu của sửa đổi, bổ sung năm 2002 của Công ước SOLAS 74 và Bộ luật ISPS.

Điều 3. Trách nhiệm và quyền hạn của Cục Đăng kiểm Việt Nam

Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện chức năng "Tổ chức an ninh được công nhận", có trách nhiệm và quyền hạn sau:

1. Tổ chức đào tạo Sỹ quan an ninh tàu biển, Cán bộ an ninh công ty với những nội dung phù hợp với Chương trình chuẩn của Tổ chức Hàng hải quốc tế;

2. Phê duyệt Đánh giá an ninh tàu biển;

[...]