Quyết định 1686/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển rừng sản xuất đến từng địa bàn chủ rừng giai đoạn 2011-2020 do tỉnh Phú Yên ban hành

Số hiệu 1686/QĐ-UBND
Ngày ban hành 14/10/2011
Ngày có hiệu lực 14/10/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Phú Yên
Người ký Lê Văn Trúc
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1686/QĐ-UBND

Phú Yên, ngày 14 tháng 10 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT PHÁT TRIỂN RỪNG SẢN XUẤT ĐẾN TỪNG ĐỊA BÀN CHỦ RỪNG TỈNH PHÚ YÊN GIAI ĐOẠN 2011-2020

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015;

Căn cứ các Thông tư liên Bộ Kế hoạch và Đầu tư-Nông nghiệp và Phát triển nông thôn-Tài chính: số 02/TTLB-BKH-NN-TC ngày 23 tháng 6 năm 2008 về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 147/2007/QĐ-TTg ngày 10 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015; số 70/2009/TTLB-BNN-KHĐT-TC ngày 04 tháng 11 năm 2009 bổ sung, chỉnh sửa một số điều của Thông tư 02/TTLB-BKH-NN-TC ngày 23 tháng 6 năm 2008;

Căn cứ Thông tư số 05/2008/TT-BNN ngày 14 tháng 01 năm 2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạch bảo vệ phát triển rừng;

Căn cứ các Quyết định của UBND tỉnh Phú Yên: số 2385/QĐ-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2007 về việc phê duyệt kết quả rà soát quy hoạch lại 3 loại rừng tỉnh Phú Yên; số 908/QĐ-UBND ngày 06 tháng 6 năm 2008 về việc sử dụng vốn kết dư của Dự án 661 giai đoạn 1999-2005; số 527/QĐ-UBND ngày 22 tháng 4 năm 2010 về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí thực hiện Quy hoạch chi tiết phát triển rừng sản xuất đến từng địa bàn chủ rừng tỉnh Phú Yên;

Căn cứ Biên bản họp Hội đồng thẩm định dự án Quy hoạch chi tiết phát triển rừng sản xuất đến từng địa bàn chủ rừng tỉnh Phú Yên (theo Quyết định 621/QĐ- UBND ngày 09/4/2011 của UBND tỉnh) vào ngày 20/7/2011;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 188/TTr-SNN-LN ngày 13 tháng 9 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển rừng sản xuất đến từng địa bàn chủ rừng tỉnh Phú Yên, giai đoạn 2011-2020, với các nội dung sau:

1. Tên Quy hoạch: Quy hoạch chi tiết phát triển rừng sản xuất đến từng địa bàn và chủ rừng.

2. Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (đại diện là Ban quản lý dự án trồng mới 5 triệu ha rừng tỉnh Phú Yên).

3. Thời gian quy hoạch: Giai đoạn 2011-2020.

4. Quan điểm quy hoạch

- Nhà nước khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng và chế biến lâm sản theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.

- Rừng sản xuất là rừng đa mục tiêu, trồng rừng sản xuất nhằm tăng thu nhập cho người làm nghề rừng và góp phần bảo vệ môi trường, sinh thái.

- Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư đầu tư và hưởng lợi trực tiếp từ việc trồng rừng, khai thác và chế biến gỗ, lâm sản; Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí ban đầu nhằm khuyến khích phát triển rừng, đồng thời để chi trả một phần giá trị môi trường do rừng trồng mang lại và bù đắp lợi nhuận thấp do tính đặc thù của nghề rừng.

- Phát triển rừng sản xuất phải gắn với công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm lâm sản để tạo được nghề rừng ổn định và phát triển bền vững.

- Ưu tiên hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu tư trồng rừng sản xuất ở các xã đặc biệt khó khăn, tạo động lực thúc đẩy phát triển lâm nghiệp ở các xã này.

5. Mục tiêu quy hoạch

Thiết lập, quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững 129.729 ha đất được quy hoạch cho lâm nghiệp; góp phần nâng độ che phủ của rừng trên toàn Tỉnh lên 39% vào năm 2015 và lên 45% vào năm 2020. Đảm bảo có sự tham gia rộng rãi hơn của các thành phần kinh tế, tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân vào các hoạt động lâm nghiệp nhằm đóng góp ngày càng tăng vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học, cung cấp các dịch vụ môi trường, xóa đói giảm nghèo, nâng cao mức sống cho người dân nông thôn miền núi và góp phần giữ vững an ninh quốc phòng.

6. Nhiệm vụ

a) Về kinh tế:

Quản lý và phát triển rừng sản xuất theo hướng đa mục tiêu, góp phần quản lý bảo vệ hiệu quả 97.403 ha rừng tự nhiên hiện có; phát triển mạnh trồng rừng, tiến đến hình thành vùng nguyên liệu tập trung trên diện tích hơn 39.000 ha đất trống lâm nghiệp. Gia tăng diện tích, năng suất chất lượng rừng trồng, tăng cường các hoạt động nông lâm kết hợp và sử dụng có hiệu quả các diện tích đất lâm nghiệp chưa có rừng phù hợp cho phát triển lâm nghiệp. Sản xuất, chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ có tính cạnh tranh và bền vững để đáp ứng về cơ bản nhu cầu nội địa và tham gia xuất khẩu các sản phẩm gỗ và lâm sản khác.

b) Về xã hội:

Cải thiện sinh kế của người làm nghề rừng, thông qua việc hỗ trợ giai đoạn đầu tư cơ bản, xã hội hóa và đa dạng hóa các hoạt động lâm nghiệp. Tạo công ăn việc làm, nâng cao nhận thức, năng lực và mức sống của người dân; đặc biệt chú ý đến đồng bào dân tộc thiểu số; các hộ nghèo, phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa để từng bước tạo cho người dân làm nghề rừng có thể sống được bằng nghề rừng, góp phần xóa đói, giảm nghèo và giữ vững an ninh quốc phòng.

[...]