Quyết định 1662/QĐ-UBND năm 2020 về phê duyệt Đề án quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030

Số hiệu 1662/QĐ-UBND
Ngày ban hành 19/06/2020
Ngày có hiệu lực 19/06/2020
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Hồ Quang Bửu
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1662/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 19 tháng 6 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN QUẢN LÝ CHẤT THẢI RẮN TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23/6/2014;

Căn cứ các Nghị định của Chính phủ: số 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Thủ tướng Chính phủ về quản lý chất thải rắn; số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 qui định chi tiết một số Điều của Luật Bảo vệ Môi trường; số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu

Căn cứ các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 về việc phê duyệt điều chỉnh Chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050; số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 về phê duyệt điều chỉnh chiến lược Quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ các Thông tư của Bộ Xây dựng: số 13/2007/TT-BXD ngày 31/12/2007 về hướng dẫn một số điều của Nghị định 59/2007/NĐ-CP ngày 09/4/2007 của Chính phủ về quản lý chất thải rắn; số 08/2017/TT-BXD ngày 16/5/2017 quy định về quản lý CTR xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2015 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải nguy hại;

Căn cứ Nghị quyết số 01/2020/NQ-HĐND ngày 21/4/2020 của HĐND tỉnh khóa IX về cơ chế khuyến khích, hỗ trợ đầu tư khu xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2020 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 154/QĐ-UBND ngày 12/01/2011 của UBND tỉnh về phê duyệt Quy hoạch quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011- 2020; Theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 399/TTr-STNMT ngày 10/6/2020 (kèm theo ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường tại Công văn số 3156/BTNMT-TCMT ngày 18/6/2018, Bộ Xây dựng tại Công văn số 17/BXD-KTKT ngày 21/6/2018, của Sở Xây dựng tại Báo cáo thẩm định số 49/BC-SXD ngày 27/02/2019).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (viết tắt là Đề án), với các nội dung chính sau:

1. Tên Đề án: Đề án quản lý chất thải rắn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

2. Cơ quan chủ trì lập Đề án: Sở Tài nguyên và Môi trường.

3. Nội dung chính của Đề án:

a) Phạm vi và đối tượng lập Đề án:

- Phạm vi: trên địa bàn toàn tỉnh;

- Đối tượng nghiên cứu:

+ Chất thải rắn thông thường (sinh hoạt, y tế, công nghiệp, xây dựng);

+ Chất thải rắn công nghiệp nguy hại, chất thải rắn y tế nguy hại, chất thải rắn nông nghiệp nguy hại;

+ Chất thải rắn hoạt động xây dựng, bùn nạo vét (phân bùn bể tự hoại, bùn thải thoát nước).

b) Quan điểm, mục tiêu và nhiệm vụ

- Quan điểm:

+ Thực hiện Nghị quyết số 09/NQ-TU ngày 27/12/2016 của Tỉnh ủy về quản lý bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025: “Các huyện/thị/thành phố phải chủ động trong việc tự xử lý chất thải rắn tại địa phương, phải quy hoạch bố trí ít nhất một khu xử lý chất thải tập trung, hạn chế sử dụng xử lý chôn lấp và chuyển sang công nghệ đốt chất thải. Trường hợp địa phương nào không có xử lý chất thải rắn thì chịu mức xử lý tăng cao hơn so với địa phương khác trong tỉnh

+ Phù hợp với định hướng quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội; Quy hoạch sử dụng đất; Quy hoạch vùng tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2025 - 2030; Điều chỉnh Chiến lược quốc gia Quản lý tổng hợp CTR đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và các quy hoạch chuyên ngành khác có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

+ Chất thải rắn phát sinh phải được quản lý theo hướng coi là tài nguyên, được phân loại, thu gom phù hợp với công nghệ xử lý được lựa chọn; khuyến khích xử lý chất thải thành nguyên liệu, nhiên liệu, các sản phẩm thân thiện môi trường, xử lý chất thải kết hợp với thu hồi năng lượng. Phù hợp với các điều kiện địa hình, địa chất, thủy văn và khả năng đáp ứng nhu cầu sử dụng đất;

+ Quản lý chất thải rắn theo hướng giảm thiểu chất thải rắn phát sinh tại nguồn, đi đôi với phân loại rác thải tại nguồn, tăng cường tái sử dụng, tái chế để giảm lượng chất thải rắn chôn lấp; đáp ứng nhu cầu thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn theo từng giai đoạn;

[...]