Quyết định 164/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Đề án "Xử lý nợ xấu của Ngân hàng Chính sách xã hội" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
Số hiệu | 164/QĐ-TTg |
Ngày ban hành | 21/01/2014 |
Ngày có hiệu lực | 21/01/2014 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thủ tướng Chính phủ |
Người ký | Nguyễn Tấn Dũng |
Lĩnh vực | Tiền tệ - Ngân hàng,Tài chính nhà nước,Văn hóa - Xã hội |
THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 164/QĐ-TTg |
Hà Nội, ngày 21 tháng 01 năm 2014 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XỬ LÝ NỢ XẤU CỦA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI”
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04 tháng 10 năm 2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;
Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 07 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu;
Xét đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại văn bản số 216/TTr-NHNN ngày 25 tháng 11 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xử lý nợ xấu của Ngân hàng Chính sách xã hội” (sau đây gọi là Đề án) với những nội dung chính như sau:
a) Nâng cao năng lực tài chính, phản ánh đúng chất lượng tín dụng, tạo điều kiện để Ngân hàng Chính sách xã hội triển khai thực hiện tốt các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác;
b) Nâng cao chất lượng tài sản, củng cố năng lực hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội; cải thiện mức độ an toàn và hiệu quả hoạt động, đảm bảo Ngân hàng Chính sách xã hội thực sự là công cụ thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách của Nhà nước về hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Việc xử lý nợ xấu được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành đảm bảo các nguyên tắc sau:
a) Xử lý nợ xấu được thực hiện thường xuyên, quyết liệt, đồng thời phải bảo đảm tính hệ thống, đồng bộ, không ảnh hưởng đến nguồn vốn tín dụng ưu đãi của Chính phủ và mục tiêu phát triển bền vững của Ngân hàng Chính sách xã hội;
b) Việc xử lý nợ xấu thực hiện trên nguyên tắc công khai, minh bạch, dân chủ, đúng pháp luật, tránh tạo tâm lý ỷ lại đối với khách hàng vay vốn và không ảnh hưởng đến các khoản nợ đang lưu hành của Ngân hàng Chính sách xã hội;
c) Việc xử lý nợ xấu căn cứ vào từng trường hợp cụ thể theo từng nguyên nhân, mức độ khó khăn, khả năng trả nợ của khách hàng, đảm bảo đầy đủ hồ sơ pháp lý, đúng quy trình, thủ tục, khách quan và công bằng giữa các đối tượng vay vốn.
Tiến hành đánh giá lại chất lượng tài sản, khả năng thu hồi và giá trị của nợ xấu. Tập trung xử lý các khoản nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội bao gồm: Các khoản nợ tồn đọng, không có khả năng thu hồi của 03 chương trình tín dụng mà Ngân hàng Chính sách xã hội đã nhận bàn giao nguyên trạng từ năm 2003 từ Kho bạc Nhà nước (cho vay giải quyết việc làm), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Công thương Việt Nam (cho vay học sinh sinh viên), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (cho vay hộ nghèo) và các khoản nợ xấu phát sinh trong quá trình hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
a) Đối với các khoản nợ xấu bị rủi ro do nguyên nhân khách quan đủ điều kiện xử lý theo quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành cơ chế xử lý nợ bị rủi ro tại Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện xử lý rủi ro kịp thời theo đúng quy định;
b) Đối với các khoản nợ đã được khoanh nợ: Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện theo đúng quy định tại Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 161/2010/TT-BTC ngày 20 tháng 10 năm 2010 của Bộ Tài chính;
c) Đối với các khoản nợ xấu tồn đọng nhận bàn giao không có khả năng thu hồi và các khoản nợ xấu không có khả năng thu hồi phát sinh trong quá trình hoạt động không đủ điều kiện xử lý theo Quyết định số 50/2010/QĐ-TTg ngày 28 tháng 7 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì phối hợp với Bộ Tài chính thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
d) Đối với các khoản nợ xấu phát sinh do các nguyên nhân như: Học sinh, sinh viên ra trường chưa xin được việc làm hoặc việc làm có thu nhập không ổn định mà gia đình gặp khó khăn chưa có khả năng trả nợ; học sinh, sinh viên chết, gia đình gặp khó khăn chưa có khả năng trả nợ...; người lao động nước ngoài phải về nước trước hạn do nhiều nguyên nhân khác nhau sau khi về nước không có khả năng trả nợ; các khoản nợ xấu được đánh giá có khả năng thu hồi nhưng người vay không có ý thức trả nợ do nhiều nguyên nhân như: khách hàng có khả năng trả nợ nhưng không trả, sử dụng vốn vay sai mục đích... sau khi áp dụng các biện pháp đôn đốc, thu hồi mà vẫn không thu được nợ, Ngân hàng Chính sách xã hội tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;
đ) Đối với các khoản nợ quá hạn khách hàng có khả năng trả nợ, có ý thức trả nợ, những khoản vay được đánh giá có khả năng trả nợ nhưng chây ỳ không trả nợ: Ngân hàng Chính sách xã hội phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan chỉ đạo quyết liệt trong việc đôn đốc, thu hồi nợ, tập trung vào các giải pháp cụ thể:
- Hướng dẫn hộ có nhu cầu vay vốn xây dựng phương án sử dụng vốn vay rõ ràng, có khả năng quản lý vốn vay, ý thức trả nợ và tự giác trả lãi hàng tháng. Rà soát lại nợ của từng hộ vay đã quá hạn để làm rõ nguyên nhân và có biện pháp xử lý phù hợp;
- Tổ chức rà soát chất lượng hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn để củng cố, sắp xếp, kiện toàn để nâng cao chất lượng hoạt động;
- Phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác rà soát, đánh giá việc thực hiện ủy thác theo hợp đồng ủy thác để nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác. Kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn và thực hiện đối chiếu, phân tích, đánh giá, đôn đốc thu hồi nợ;