ĐIỀU LỆ
XÉT TẶNG GIẢI THĂNG LONG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 161/2003 QĐ-UBngày 24 tháng 11 năm 2003 của
UBND Thành phố Hà Nội)
Giải Thăng Long là giải thưởng của Thủ đô giành
cho các công trình nghiên cứu có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp công nghiệp
hoá, hiện đại hoá của Thủ đô; là sự tôn vinh đối với các nhà khoa học, văn nghệ
sỹ và các tri thức có tâm huyết với Thủ đô.
I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Những cá nhân, tập thể là công dân Việt Nam (hoặc người nước
ngoài có những đóng góp lớn vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hoá Thủ đô
có tác dụng thúc đẩy kinh tế – văn hoá - xã hội của Thủ đô phát triển mạnh mẽ,
không vi phạm pháp luật và quy định của thành phố đều được xem xét tặng giải
Thăng Long.
Điều 2. Công trình được xét tặng giải Thăng Long phải mang tính
khoa học cao, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến hiện đại có những
đóng góp đem lại hiệu quả kinh tế - văn hoá - xã hội tốt, đã phát huy tác dụng
và trải qua thực tiễn ít nhất là hai năm; Được cơ quan thẩm quyền của Trung
ương, Thành phố công nhận là công trình tiên tiến xuất sắc và được Hội đồng tư
vấn các cơ quan chức năng xét chọn đề nghị UBND Thành phố xét tặng giải Thăng
Long.
Điều 3. Việc xét chọn các công trình đề nghị UBND Thành phố tặng
giải Thăng Long của Thủ đô Hà Nội được tiến hành 5 năm một lần cho 6 nhóm sau:
1. Lĩnh vực Khoa học và công nghệ.
2. Lĩnh vực Công nghệ thông tin – Truyền thông.
3. Lĩnh vực Văn học.
4. Lĩnh vực Nghệ thuật.
5. Lĩnh vực Quản lý.
6. Các lĩnh vực khác.
Điều 4. Tiền thưởng và kinh phí tổ chức:
4.1. Thưởng cho mỗi công trình: đạt giải Thăng
Long 30.000.000 (ba mươi triệu đồng), đạt giải khuyến khích 5.000.000 đ (năm
triệu đồng).
4.2. Kinh phí tổ chức việc xét chọn các công
trình đề nghị trao thưởng do cơ quan chủ trì lập kế hoạch (chi trong dự toán
chi của co quan trong năm xét thưởng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt).
4.3. Kinh phí giải Thăng Long được bố trí từ nguồn
kinh phí điều hành tập trung của Thành phố.
II. NGUYÊN TẮC XÉT THƯỞNG
Điều 5. Giải Thăng Long được xét thưởng 5 năm một lần vào năm có số
tận cùng là 0 hoặc 5 (sau đây được gọi là năm giải Thăng Long) và được công bố
vào dịp kỷ niệm ngày giải phóng Thủ đô 10/10 của năm đó.
Điều 6. Sở Khoa học và Công nghệ, Ban Công nghệ thông tin Thành phố,
Sở Văn hóa và Thông tin, Hội Liên hiệp văn học Nghệ thuật Thành phố, Ban tổ chức
Chính quyền Thành phố phối hợp với Thưởng trực Hội đồng Thi đua khen thưởng
thành phố.
6.1. Ban hành quy chế xét tặng giải thưởng thuộc
lĩnh vực ngành phụ trách hai năm một lần vào năm chẵn (năm có số chia hết cho
2) và xét chọn các công trình đạt giải nhất thuộc lĩnh vực ngành trong hai kỳ
xét thưởng đề nghị UBND Thành phố xem xét tặng giải Thăng Long vào năm giải
Thăng Long.
6.2. Đề xuất với Thành phố thành lập Hội đồng tư
vấn xét thưởng. Hội đồng gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch và 3 đến 5 thành viên cố định.
Khi xét từng giải thưởng, mời Thủ trưởng các cơ quan chủ quản có công trình xét
thưởng và một số chuyên gia am hiểu về lĩnh vực xét thưởng tham gia làm uỷ viên
Hội đồng tư vấn. Mỗi Hội đồng không quá 15 người.
Điều 7.
7.1. Sở Khoa học và Công
nghệ có trách nhiệm tham mưu với UBND thành phố hướng dẫn các tập thể, cá nhân
đăng ký, làm thủ tục và xét chọn các công trình thuộc lĩnh vực Khoa học và Công
nghệ.
7.2. Ban Công nghệ thông tin Thành phố có trách
nhiệm tham mưu với UBND Thành phố hướng dẫn các tập thể, cá nhân đăng ký, làm
thủ tục và xét chọn các công trình thuộc lĩnh vực Công nghệ thông tin – truyền
thông.
7.3. Sở Văn hoá và thông tin Hà Nội chủ trì,
cùng với Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật có trách nhiệm tham mưu với UBND
thành phố hướng dẫn các tập thể, cá nhân đăng ký, làm thủ tục và xét chọn các
công trình thuộc hai lĩnh vực Văn học, Nghệ thuật.
7.4. Ban Tổ chức Chính quyền có trách nhiệm tham
mưu với UBND Thành phố hướng dẫn các tập thể, cá nhân đăng ký làm thủ tục xét
chọn các công trình thuộc lĩnh vực Quản lý.
7.5. Đối với các công trình thuộc các lĩnh vực
khác, Sở, Ban, Ngành quản lý có trách nhiệm làm thủ tục xét chọn ban đầu, chuyển
đến Sở Khoa học và Công nghệ tổng hợp trình UBND Thành phố.
Các công trình được các Sở, Ban, Ngành xét chọn
theo Điều 7 được gọi là công trình dự tuyển giải Thăng Long.
Điều 8.
8.1. Các công trình được
các Ngành có thẩm quyền trên xét tặng cho mỗi lĩnh vực giải nhất là 5.000.000 đ
(năm triệu đồng); một giải nhì 3.000.000 đ (ba triệu đồng); một giải ba
2.000.000 đ (hai triệu đồng); mỗi giải khuyến khích là 1.000.000đ (một triệu đồng).
8.2. Kinh phí tổ chức xét chọn và giải thưởng do
cơ quan chủ trì lập kế hoạch trong dự toán chi của cơ quan trong năm xét thưởng
trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 9. Hồ sơ đề nghị xét tặng giải Thăng Long thuộc các lĩnh vực gửi
về Thường trực Hội đồng thi đua khen thưởng Thành phố trước ngày 10 tháng 8 vào
năm xét giải Thăng Long bao gồm các văn bản sau đây:
1. Bản đăng ký công trình.
2. Bản tóm tắt: mô tả nội dung của công trình, kết
quả, quy mô áp dụng hoặc ảnh hưởng của công trình.
3. Những văn bản đánh giá của các cơ quan quản
lý hoặc Hội đồng khoa học của các cấp (Thành phố, Trung ương).
4. Chứng nhận về bản quyền tác giải hoặc bản quyền
sở hữu công nghiệp của cơ quan có thẩm quyền.
5. Văn bản đề nghị xét tặng giải Thăng Long cho
công trình của cơ quan chủ quan cấp trên.
6. Biên bản họp xét tặng giải thưởng của Hội đồng
tư vấn, văn bản đề nghị UBND Thành phố xét tặng giải Thăng Long của Thủ trưởng
cơ quan được UBND thành phố giao thẩm quyền chủ trì xét tặng giải Thăng Long
trong từng lĩnh vực.
Điều 10. Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố trình UBND thành phố
quyết định tặng giải Thăng long cho các công trình xuất sắc.
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 11. Thường trực Hội đồng Thi đua khen thưởng Thành phố và các Sở,
Ban, Ngành có tên tại Điều 7 chịu trách nhiệm hướng dẫn thi hành Điều lệ trong
lĩnh vực được giao nhiệm vụ, tham mưu cho UBND Thành phố xét tặng giải Thăng
Long.
Điều 12. Điều lệ có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những
quy định trước đây trái với điều lệ này đều bãi bỏ.