ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
16/2014/QĐ-UBND
|
Bình Thuận, ngày
15 tháng 05 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ THANH TOÁN, QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẢO
ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC LỰC LƯỢNG XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
BÌNH THUẬN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÌNH THUẬN
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP
ngày 23 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
Luật ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 81/2013/NĐ-CP
ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính;
Căn cứ Thông tư số 153/2013/TT-BTC
ngày 31 tháng 10 năm 2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp tiền phạt,
biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của
các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính;
Căn cứ Công văn số 216/HĐND-KTXH ngày 04/3/2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về
việc thực hiện điều tiết thu phạt vi phạm hành chính giữa các cấp ngân sách
chính quyền địa phương;
Theo đề nghị của Sở Tài chính,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này quy định về quản
lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán
kinh phí bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính trên địa
bàn tỉnh Bình Thuận.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày
kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Công an tỉnh, Giám đốc
Sở Giao thông Vận tải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục trưởng Cục thuế tỉnh,
Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban
nhân dân tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện,
thị xã, thành phố, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường, Chi cục trưởng
Chi cục Kiểm lâm và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định
thi hành./.
Nơi nhận:
- Bộ Tài chính;
- Bộ Tư pháp;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Website Chính phủ;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT và Ủy viên UBND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Như Điều 3;
- Báo Bình Thuận;
- Đài Phát thanh Truyền hình;
- Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Lưu VT, NCPC, TH, Nghiễm Vi
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Tiến Phương
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VÀ THANH TOÁN, QUYẾT TOÁN KINH PHÍ BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG
CỦA CÁC LỰC LƯỢNG XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 16/2014/QĐ-UBND ngày 15/05/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận)
Điều 1. Phạm vi
điều chỉnh
1. Quy định này áp dụng đối với việc
quản lý, sử dụng và thanh toán, quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động cho các lực
lượng xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của Luật Xử lý vi phạm hành chính (sau đây gọi tắt là lực
lượng xử phạt).
2. Quy định này không áp dụng đối với
việc quản lý, sử dụng số tiền thu phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an
toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa.
3. Toàn bộ tiền thu phạt hành chính
được nộp đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước và điều tiết 100% cho ngân
sách các cấp chính quyền địa phương theo phân cấp.
Điều 2. Đối tượng
áp dụng
1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm
hành chính.
2. Cơ quan, đơn vị được giao thực hiện
nhiệm vụ liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính.
3. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân sử dụng
kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt.
Điều 3. Nguyên
tắc lập dự toán, quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động
của các lực lượng xử phạt
1. Kinh phí bảo đảm hoạt động của các
lực lượng xử phạt được bố trí trong dự toán chi ngân sách nhà nước hàng năm của
cơ quan, đơn vị được giao thực hiện nhiệm vụ liên quan đến xử phạt vi phạm hành
chính nhưng tối đa không quá 30% dự toán thu phạt vi phạm hành chính. Việc lập
dự toán phải căn cứ vào tình hình thực hiện dự toán thu, chi của năm trước và
đánh giá khả năng thực hiện của năm hiện
hành.
2. Kinh phí bảo đảm hoạt động của các
lực lượng xử phạt của cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh do ngân sách tỉnh bảo đảm.
Kinh phí bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt của cơ quan, đơn vị thuộc
huyện, thị xã, thành phố do ngân sách huyện, thị xã, thành phố bảo đảm theo
phân cấp. Kinh phí bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt cấp xã, phường,
thị trấn do ngân sách xã, phường, thị trấn bảo đảm theo phân cấp.
3. Việc quản lý, sử dụng kinh phí
ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt phải đúng mục
đích, đúng nội dung, đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ theo quy định hiện hành
và tại quy định này.
Điều 4. Nội dung
chi và mức chi bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt
Thực hiện theo quy định tại Điều 11
Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ Tài chính và các văn bản cụ
thể hóa các chế độ, chính sách do UBND tỉnh
ban hành.
Điều 5. Lập, phân
bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt
Việc lập, phân bổ, chấp hành và quyết
toán kinh phí bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt thực hiện theo quy định
của Luật Ngân sách Nhà nước và các văn bản hướng dẫn Luật; Quy định này hướng dẫn
thêm một số nội dung sau:
1. Lập dự toán:
Hàng năm, căn cứ Chỉ thị của UBND tỉnh
về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước;
Công văn hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước của Sở Tài chính; kết quả
thu, chi liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính của năm trước và đánh giá khả
năng thực hiện năm hiện hành; các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xử phạt vi
phạm hành chính lập dự toán chi đảm bảo hoạt động của
các lực lượng xử phạt theo các nội dung chi và mức chi quy định tại Điều 4 quy
định này và các chế độ, tiêu chuẩn, định mức hiện hành; cụ thể như sau:
a) Cấp tỉnh:
- Các cơ quan, đơn vị lập dự toán thu xử phạt vi phạm hành
chính gửi Cục Thuế tỉnh và Sở Tài chính.
- Căn cứ dự toán thu gửi Cục Thuế tỉnh,
các cơ quan, đơn vị lập dự toán chi đảm bảo hoạt động của lực lượng xử phạt tối
đa không quá 30% dự toán thu, gửi Sở Tài chính xem xét, tổng hợp chung vào dự
toán chi ngân sách hàng năm báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh, để trình Hội đồng nhân dân tỉnh theo quy định.
b) Các huyện, thị xã, thành phố (gọi
tắt là cấp huyện):
- Các cơ quan, đơn vị lập dự toán thu
xử phạt vi phạm hành chính gửi Chi cục
Thuế và Phòng Tài chính - Kế hoạch.
- Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện
tổng hợp dự toán thu xử phạt vi phạm hành chính trên toàn địa bàn báo cáo Sở
Tài chính và Cục Thuế tỉnh.
- Căn cứ dự toán thu gửi Chi cục Thuế,
các cơ quan, đơn vị lập dự toán chi đảm bảo hoạt động của lực lượng xử phạt tối
đa không quá 30% dự toán thu, gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch xem xét, tổng hợp
chung vào dự toán chi ngân sách hàng năm báo cáo Ủy
ban nhân dân cấp huyện, để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp theo quy định.
c) Các xã, phường, thị trấn (gọi tắt
là cấp xã):
- UBND cấp xã lập dự toán thu xử phạt vi phạm hành chính gửi Chi cục Thuế và
Phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện.
- Căn cứ dự toán thu gửi Chi cục Thuế,
UBND cấp xã lập dự toán chi đảm bảo hoạt
động của lực lượng xử phạt tối đa không quá 30% dự toán thu và tổng hợp chung
vào dự toán chi ngân sách hàng năm để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp theo quy
định.
2. Quản lý, cấp phát và thanh toán
Việc quản lý, cấp phát, thanh toán
kinh phí bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt thực hiện theo văn bản hướng
dẫn của Bộ Tài chính về chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân
sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước.
3. Công tác quyết toán
a) Cơ quan, đơn vị được giao dự toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt
động của các lực lượng xử phạt phải mở sổ sách kế toán để ghi chép, hạch toán
và tổng hợp trong quyết toán ngân sách hàng năm của các cơ quan, đơn vị theo quy định của pháp luật về ngân sách
nhà nước, kế toán, thống kê;
b) Các khoản chi từ ngân sách nhà nước
bảo đảm hoạt động của các lực lượng xử phạt được hạch toán, quyết toán vào
chương, mục và tiểu mục tương ứng theo quy định Mục lục Ngân sách nhà nước hiện
hành.
Điều 6. Tổ chức
thực hiện
1. Các cơ quan, đơn vị, cá nhân có
liên quan đến xử phạt vi phạm hành chính thực hiện thu nộp tiền phạt và đối chiếu
thường xuyên với cơ quan Kho bạc Nhà nước theo đúng quy định tại Thông tư số
153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục thu, nộp
tiền phạt, biên lai thu tiền phạt và kinh phí từ ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt
động của các lực lượng xử phạt vi phạm hành chính và Công văn số 5364/UBND-TH
ngày 31/12/2013 của UBND tỉnh về việc triển
khai thực hiện Thông tư số 153/2013/TT-BTC ngày 31/10/2013 và Công văn số
16950/BTC-TCT ngày 06/12/2013 của Bộ Tài chính; đồng thời chịu trách nhiệm quản
lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán các khoản chi theo quy định tại Quyết định
này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu
phát sinh vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Tài chính để tổng
hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết./.