Quyết định 16/2009/QĐ-UBND về chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020

Số hiệu 16/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 08/06/2009
Ngày có hiệu lực 18/06/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Nam
Người ký Nguyễn Ngọc Quang
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

         Số: 16/2009/QĐ-UBND        

Tam Kỳ, ngày 08 tháng 6 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH VỀ THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 09-NQ/TW CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG (KHÓA X) VỀ CHIẾN LƯỢC BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 09/02/2007 của Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;

Căn cứ Nghị quyết số 27/2007/NQ-CP ngày 30/5/2007 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;

Thực hiện kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại phiên họp ngày 02/01/2009 của Tỉnh uỷ Quảng Nam về thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020;

Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp & PTNT tại Tờ trình số 158/TTr-NN&PTNT ngày 17/4/2009 và Công văn số 500/NN&PTNT ngày 20/5/2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Chương trình hành động của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố có liên quan đến biển, ven biển và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG CỦA UBND TỈNH QUẢNG NAM THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT 09-NQ/TW CỦA BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG KHÓA X VỀ CHIẾN LƯỢC BIỂN VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020
( Ban hành kèm theo Quyết định số 16 /2009/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2009 của UBND tỉnh Quảng Nam )

I. Sự cần thiết phải xây dựng và ban hành chương trình hành động về chiến lược biển Quảng Nam đến năm 2020

Nghị quyết về chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X năm 2007 đã chỉ rõ: “Quyết tâm phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển; đảm bảo vững chắc chủ quyền biên giới quốc gia trên biển, góp phần quan trọng cho đất nước giàu mạnh đưa kinh tế biển đóng góp khoảng 53% - 55% GDP và 55% - 60% kim ngạch xuất khẩu của cả nước”.

Quảng Nam là tỉnh ven biển và nằm trong vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, với diện tích tự nhiên là 10.438,37 km2, dân số gần 1,5 triệu người, có 2 thành phố và 16 đơn vị hành chính cấp huyện, trong đó có 6 huyện, thành phố đồng bằng ven biển với diện tích là 1.587,9 km2 chiếm 15% diện tích toàn tỉnh, dân số 836.195 người chiếm 57% dân số toàn tỉnh, mật độ dân số bình quân ở vùng đồng bằng ven biển là 703 người/km2; Với hệ thống giao thông đa dạng, liên vùng, bao gồm cả 4 loại hình: đường bộ, đường sắt, cảng biển, đường hàng không, Quảng Nam dễ dàng giao thương với các vùng, miền trong cả nước và quốc tế.

Là tỉnh có tiềm năng lớn để phát triển kinh tế biển: Với ngư trường rộng lớn trên 40.000 km2, thềm lục địa kéo dài 93 km có nhiều loài thủy sản có giá trị kinh tế cao, nhiều loài thuộc loại quý hiếm. Đặc biệt, cụm đảo Cù Lao Chàm với các hệ sinh thái biển nhiệt đới ( rạn san hô, thảm cỏ biển, sinh vật đáy,...) có tính đa dạng sinh học cao và đã được công nhận là khu bảo tồn biển quốc gia; chiều dài bờ biển trên 125 km, nơi đâu cũng có thể trở thành những khu du lịch, bãi tắm lý tưởng, thuận lợi cho loại hình du lịch sinh thái biển; hệ thống sông ngòi gồm 2 sông lớn là Thu Bồn và Trường Giang, với hai cửa sông lớn là Cửa Đại, thành phố Hội An và cửa An Hòa, huyện Núi Thành, có các thủy vực nước lợ, nước ngọt rộng lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành nuôi trồng thủy sản;

Với vị trí địa lý rất thuận lợi và tốc độ tăng trưởng nhanh trong những năm qua, biển Quảng Nam đã góp phần đáng kể cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Tuy nhiên vùng biển và ven biển đang vấp phải những đe dọa và thách thức lớn như: Trình độ dân trí còn thấp, cơ hội tạo việc làm còn ít, khai thác quá mức và sử dụng chưa hợp lý các nguồn tài nguyên biển, hệ sinh thái rạn san hô, thảm cỏ biển, thảm thực vật ngập mặn và vùng đất ngập nước ngày càng thu hẹp về diện tích, suy giảm tính đa dạng sinh học. Thiên tai và các sự cố môi trường luôn là mối đe doạ; môi trường biển và các vùng ven biển đang có nguy cơ ô nhiễm ngày càng tăng, ảnh hưởng đến sự phát triển lâu dài và bền vững; việc phát triển kinh tế vùng bờ còn mang nặng tính đơn ngành; dải cồn cát ven biển có diện tích rộng, nhưng phần nhiều còn hoang hoá, hiệu quả khai thác chưa cao; việc phát triển kinh tế biển còn nhỏ bé về qui mô, chưa hợp lý về cơ cấu ngành nghề, chủ yếu dựa vào lợi thế, tiềm năng tự nhiên và truyền thống sẵn có, nguồn nhân lực và khả năng ứng dụng khoa học - kỹ thuật cũng còn nhiều hạn chế khiến phát triển kinh tế biển còn manh mún, chưa đồng bộ, chưa thực sự dựa vào tiềm năng và thế mạnh của biển để phát triển;

Từ thực tiễn phát triển kinh tế biển ở những năm qua, nếu chỉ tập trung khai thác, nguồn lợi từ biển sẽ là rất nhỏ so với những gì biển có thể mang lại, do vậy để phát huy tiềm năng, thế mạnh của kinh tế biển, UBND tỉnh ban hành chương trình hành động chỉ đạo các hoạt động thực hiện chiến lược biển Quảng Nam đến năm 2020.

II. Nội dung chủ yếu của chiến lược biển Quảng Nam đến năm 2020

1. Mục tiêu chung: Xây dựng và từng bước hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế biển; khai thác tốt và có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của biển cho việc phát triển: khai thác, nuôi trồng và chế biến thủy sản; phát triển du lịch; vận tải biển; năng lượng và an ninh - quốc phòng… Phấn đấu đến năm 2020, đưa kinh tế biển và vùng ven biển phát triển mạnh, giữ vai trò, vị trí quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân vùng ven biển; giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; giảm nhẹ thiên tai; bảo tồn, tái tạo nguồn lợi, bảo vệ tốt môi trường sinh thái biển và vùng ven biển.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, tạo sự chuyển biến về chất và lượng cho kinh tế biển. Phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn mức tăng trưởng bình quân của tỉnh 1,2 - 1,3 lần trong giai đoạn 2009 - 2015 (từ 13 - 15%/năm) và trên 1,5 lần cho thời kỳ sau 2015, nâng tỷ trọng đóng góp các ngành kinh tế biển và đạt 25 - 30% tổng GDP của tỉnh vào năm 2020.

- Tập trung hoàn chỉnh và hiện đại hoá hệ thống kết cấu hạ tầng các ngành kinh tế biển và vùng ven biển. Hoàn thành việc xây dựng các công trình lớn về kết cấu hạ tầng cảng, du lịch biển đảo, thủy sản, lấn biển. Hoàn thành dự án các cửa sông, chống xói lở bờ sông, bờ biển, phòng tránh thiên tai, giao thông vận tải vùng ven biển, qui hoạch dân cư ven biển, bảo vệ môi trường...

[...]