Quyết định 16/2007/QĐ-UBND về Chương trình đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp tỉnh Cà Mau từ nay đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020

Số hiệu 16/2007/QĐ-UBND
Ngày ban hành 25/05/2007
Ngày có hiệu lực 25/05/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Cà Mau
Người ký Phạm Thành Tươi
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH CÀ MAU
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 16/2007/QĐ-UBND

Cà Mau, ngày 25 tháng 5 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH ĐẨY MẠNH CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU SẢN XUẤT NGƯ - NÔNG - LÂM NGHIỆP TỈNH CÀ MAU TỪ NAY ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 29/2006/QĐ-UBND ngày 21/9/2006 của UBND tỉnh về việc ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Cà Mau 5 năm, giai đoạn 2006 - 2010;

Căn cứ ý kiến kết luận của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại Văn bản số 14-KL/TU ngày 30/01/2007 về tình hình thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp tỉnh Cà Mau giai đoạn 2001 - 2006 và một số chủ trương, giải pháp tiếp tục chỉ đạo thực hiện,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp tỉnh Cà Mau từ nay đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.

Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ Quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Thủy sản, Bộ NN và PTNT;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Thành viên UBND tỉnh;
- UBMTTQ tỉnh;
- Website Chính phủ;
- Như Điều 2;
- Báo, đài, Website tỉnh;
- LĐVP UBND tỉnh;
- CV các khối;
- Lưu VT, H51/5.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phạm Thành Tươi

 

CHƯƠNG TRÌNH

ĐẨY MẠNH CHUYỂN DỊCH CƠ CẤU SẢN XUẤT NGƯ - NÔNG - LÂM NGHIỆP TỈNH CÀ MAU TỪ NAY ĐẾN NĂM 2010 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 16/2007/QĐ-UBND ngày 25 tháng 5 năm 2007 của UBND tỉnh Cà Mau)

I. THỰC TRẠNG TÌNH HÌNH SẢN XUẤT NGƯ - NÔNG - LÂM NGHIỆP:

1. Tiềm năng và hiện trạng (tính đến cuối năm 2006):

- Tỉnh Cà Mau có diện tích đất tự nhiên là 532.916,42 ha, trong đó diện tích canh tác lúa 76.349 ha, diện tích nuôi trồng thủy sản 275.195 ha (có 251.856 ha nuôi tôm), diện tích đất lâm nghiệp 106.088 ha.

- Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 138.323 tấn, tăng 15,19% so với năm 2005; trong đó có 88.443 tấn tôm, tăng 9,05% so với năm 2005.

- Sản lượng lúa 400.760 tấn, tăng 3,57% so với năm 2005; diện tích trồng mía 3.422 ha, sản lượng 214.604 tấn, giảm 0,5% so với năm 2005; đàn lợn 215.260 con, giảm 12,5% so với năm 2005; gia cầm 792.440 con, tăng 22,47% so với năm 2005…

- Về lâm nghiệp, năm 2006 đã trồng mới 2.115 ha rừng, 10 triệu cây phân tán, chăm sóc và bảo vệ 8.077 ha rừng,…

- Về khai thác biển, đội tàu 3.655 chiếc, với tổng công suất 369.177 CV, sản lượng khai thác 137.687 tấn, tăng 2,6% so với năm 2005, trong đó có 10.778 tấn tôm.

- Về chế biến xuất khẩu, toàn tỉnh có 26 xí nghiệp chế biến thủy sản (tăng 7 xí nghiệp so với năm 1999); công suất chế biến hàng xuất khẩu đạt 102.000 tấn/năm, tăng gấp 2,13 lần so với năm 1999, trong đó năng lực chế biến hàng giá trị gia tăng tăng gấp 11,7 lần. Sản lượng chế biến hàng thủy sản 78.000 tấn, tăng 2,88 lần so với năm 1999. Kim ngạch xuất khẩu đạt 580 triệu USD, tăng 4 lần so với năm 1999. Thị trường xuất khẩu được mở rộng, thị phần ở các thị trường lớn ngày càng tăng, các sản phẩm nông nghiệp, mặt hàng chế biến thủy sản đã có mặt ở trên 30 nước, vùng lãnh thổ, với hàng trăm khách hàng ổn định.

2. Những kết quả đạt được và tồn tại yếu kém sau chuyển dịch:

2.1. Một số kết quả chủ yếu:

- Chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp đã thúc đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, tạo điều kiện cho các ngành kinh tế khác phát triển nhanh, thúc đẩy kinh tế của tỉnh tăng trưởng với nhịp độ khá cao: giai đoạn 2001 - 2005 tăng bình quân 11,18%/năm. Năm 2006, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 19,15%; trong đó: ngư - nông - lâm nghiệp tăng 10,13%, công nghiệp - xây dựng tăng 39,3%, thương mại - dịch vụ tăng 15% so với năm 2005. GDP bình quân đầu người năm 2006 đạt 10,95 triệu đồng, tăng gấp 2 lần so với năm 1999.

- Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tiến bộ. Nếu so sánh kết quả năm 1999 với năm 2005, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng tăng từ 19,27% lên 28,88%, thương mại - dịch vụ từ 17,95% lên 22,94%, khu vực ngư - nông - lâm nghiệp giảm từ 59,74% xuống còn 48,18%. Cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp chuyển dịch nhanh từ nông - lâm - ngư nghiệp sang ngư - nông - lâm nghiệp; tỷ trọng thủy sản trong tổng giá trị sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp tăng từ 65,6% năm 1999 lên 85% vào năm 2005, đưa kinh tế thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Cơ cấu sản xuất trong ngành Thủy sản cũng chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ trọng nuôi trồng thủy sản tăng từ 40,7% năm 1999 lên 71% vào năm 2005, tỷ trọng khai thác sông biển từ 57% còn 24% vào năm 2005.

- Trên cơ sở chuyển đổi cơ cấu sản xuất, đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi cơ cấu lao động. Một bộ phận lớn lao động dôi dư trong nông nghiệp được đào tạo chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm, bình quân hàng năm đào tạo nghề cho trên 16.000 lao động và giải quyết việc làm cho 25.000 lao động. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ giảm từ 15,48% xuống còn 6,3% vào cuối năm 2005 (tương đương với 19,2% theo tiêu chí mới) và đến cuối năm 2006 chỉ còn 17%. Đến cuối năm 2005, toàn tỉnh có 66% hộ dân có nhà ở kiên cố và bán kiên cố (tăng 43,5% so với năm 1999); tỷ lệ hộ dân sử dụng điện đạt 84,34% (tăng hơn 45% so với năm 1999); 98% số hộ dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong ăn uống (tăng 18% so với năm 1999); 79,8% hộ dân có tivi, 39% hộ có radio casset, 17% hộ có điện thoại, 1,86% hộ có máy vi tính, 17% hộ có xe gắn máy, 46% hộ có phương tiện thủy gia dụng…

[...]