Quyết định 1572/2012/QĐ-UBND về Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Bảo vệ thực vật, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hải Phòng

Số hiệu 1572/2012/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/09/2012
Ngày có hiệu lực 30/09/2012
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hải Phòng
Người ký Dương Anh Điền
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1572/2012/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 20 tháng 9 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT TRỰC THUỘC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật ngày 25/7/2001;

Căn cứ Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ ban hành Điều lệ bảo vệ thực vật, Điều lệ kiểm dịch thực vật và Điều lệ bảo vệ thuốc thực vật; Nghị định số 02/2007/NĐ-CP ngày 05/01/2007 của Chính phủ về Kiểm dịch thực vật;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLT-BNN-BNV ngày 15/5/2008 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Nội vụ về việc hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý nhà nước của UBND cấp xã về nông nghiệp và phát triển nông thôn;

Căn cứ Thông tư số 04/2009/TT-BNN ngày 21/01/2009 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên chuyên môn, kỹ thuật ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn công tác trên địa bàn cấp xã;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 91/TTr-SNN ngày 22/5/2012; Báo cáo thẩm định số 23/BCTĐ-STP ngày 31/7/2012 của Sở Tư pháp và đề nghị của Sở Nội vụ tại Công văn số 1490/SNV-TCBM ngày 29/8/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Bảo vệ thực vật, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1010/QĐ-TCCQ ngày 15/9/1992 của Ủy ban nhân dân thành phố về việc kiện toàn tổ chức bảo vệ thực vật trên địa bàn thành phố.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thủ trưởng cơ quan, đơn vị liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Dương Anh Điền

 

QUY ĐỊNH

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC BẢO VỆ THỰC VẬT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1572/2012/QĐ-UBND ngày 20/9/2012 của Ủy ban nhân dân thành phố)

Điều 1. Vị trí, chức năng

Chi cục Bảo vệ thực vật (sau đây gọi tắt là Chi cục) là Chi cục quản lý chuyên ngành, trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng tại Kho bạc Nhà nước; có trụ sở, kinh phí hoạt động do ngân sách nhà nước thành phố cấp theo quy định của pháp luật;

Chi cục chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Bảo vệ thực vật trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; có chức năng giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu cho Uỷ ban nhân dân thành phố thực hiện công tác quản lý nhà nước và triển khai các nhiệm vụ về chuyên ngành trong việc tổ chức thực thi pháp luật; thực hiện công việc tác nghiệp thường xuyên, đồng thời đề xuất cơ chế, chính sách đối với lĩnh vực chuyên ngành về bảo vệ và kiểm dịch thực vật trên địa bàn thành phố theo quy định.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Xây dựng và tổ chức chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn về bảo vệ và kiểm dịch thực vật;

2. Thực hiện điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo thời gian phát sinh, phạm vi và mức độ gây hại của những sinh vật gây hại chính trên một số cây trồng chủ yếu, thông báo kịp thời tình hình diễn biến của sinh vật gây hại. Đề xuất chủ trương và hướng dẫn biện pháp phòng trừ sinh vật gây hại tài nguyên thực vật;

3. Tổ chức và thực hiện công tác Kiểm dịch thực vật nội địa; công tác kiểm dịch thực vật nhập khẩu, xuất khẩu theo phân cấp và hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật;

4. Tổ chức và quản lý công tác khử trùng sản phẩm thực vật bảo quản tại địa phương theo quy định của pháp luật;

5. Hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các quy định quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật, hoạt động sự nghiệp và dịch vụ bảo vệ thực vật đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố theo quy định của pháp luật; giúp Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý quỹ dự trữ thuốc bảo vệ thực vật của thành phố;

6. Tổ chức và thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về việc chấp hành pháp luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật của các tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến công tác bảo vệ và kiểm dịch thực vật trên địa bàn thành phố;

[...]