Quyết định 146/2001/QĐ-TTg về việc xử lý nợ tồn động của hợp tác xã nông nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 146/2001/QĐ-TTg
Ngày ban hành 02/10/2001
Ngày có hiệu lực 02/10/2001
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Phan Văn Khải
Lĩnh vực Doanh nghiệp

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 146/2001/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 02 tháng 10 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 146/2001/QĐ-TTG NGÀY 02 THÁNG 10 NĂM 2001 VỀ VIỆC XỬ LÝ NỢ TỒN ĐỌNG CỦA HỢP TÁC XÃ NÔNG NGHIỆP

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Căn cứ Nghị quyết số 39/2000/QH10 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khoá X kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 09 tháng 12 năm 2000;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. Xử lý các khoản nợ của các Hợp tác xã nông nghiệp phát sinh từ năm 1996 về trước (thời điểm trước khi thực hiện Luật Hợp tác xã), theo nguyên tắc sau:

1. Đối với các khoản nợ phải trả của các Hợp tác xã nông nghiệp đã giải thể, Hợp tác xã nông nghiệp đã được chuyển đổi và đăng ký kinh doanh theo Nghị định số 16/CP ngày 12 tháng 02 năm 1997 của Chính phủ về chuyển đổi, đăng ký Hợp tác xã và tổ chức hoạt động của Liên hiệp Hợp tác xã (gọi tắt là hợp tác xã chuyển đổi) được xử lý như sau:

a) Xoá nợ đối với các khoản nợ phải trả của Hợp tác xã nông nghiệp đã giải thể;

b) Xoá nợ đối với các khoản nợ phải trả của Hợp tác xã đã chuyển đổi mà các Hợp tác xã này quá khó khăn về tài chính (kinh doanh thua lỗ) không có khả năng trả nợ;

c) Xoá nợ đối với các khoản nợ phải trả của Hợp tác xã nông nghiệp đang còn hoạt động (kinh doanh có lãi), mà số tiền vay này được sử dụng để đầu tư cơ sở hạ tầng, nhưng nay các cơ sở hạ tầng đó đã bị hư hỏng, thiệt hại do thiên tai, bão lụt tàn phá.

2. Những Hợp tác xã nông nghiệp đang còn hoạt động, có khả năng trả nợ (kinh doanh có lãi) nhưng cố tình dây dưa thì áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ theo quy định của pháp luật.

3. Trường hợp Hợp tác xã nông nghiệp chưa nộp vào ngân sách khoản tiền từ nguồn thu thuế của xã viên mà sử dụng vào đầu tư cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm...) có công trình đã hoàn thành hiện đang khai thác, sử dụng thì cho phép ghi thu ngân sách địa phương, ghi chi xây dựng cơ bản theo đúng giá trị của công trình.

4. Trường hợp Hợp tác xã nông nghiệp sử dụng các khoản tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp, tiền thủy lợi phí, tiền điện... đã thu được của xã viên để chi tiêu không đúng quy định gây lãng phí, thất thoát thì xác định rõ trách nhiệm cá nhân, yêu cầu bồi thường vật chất để hoàn trả cho các chủ nợ. Trường hợp không thể quy được trách nhiệm thì cho xoá nợ.

5. Đối với các khoản nợ phải thu của Hợp tác xã nông nghiệp đang còn hoạt động có liên quan đến xã viên của Hợp tác xã thì chủ nợ phối hợp với chính quyền xã kiểm tra, phân loại để có biện pháp thu nợ. Đối với những hộ xã viên có khả năng trả nợ (không thuộc diện nghèo theo mức chuẩn quy định tại Quyết định số 1143/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 01 tháng 11 năm 2000 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhưng chây ì không thanh toán nợ thì chủ nợ phối hợp với chính quyền địa phương có biện pháp cưỡng chế để thu hồi nợ.

Riêng đối với những hộ xã viên quá khó khăn thuộc diện nghèo, gia đình thuộc diện chính sách không có khả năng trả nợ (theo mức chuẩn quy định tại Quyết định số 1143/2000/QĐ-BLĐTBXH ngày 01 tháng 11 năm 2000 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) có xác nhận của ủy ban nhân dân xã, phường thì cho xoá nợ.

Điều 2.

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, để xoá nợ đối với các khoản Hợp tác xã nông nghiệp nợ ngân hàng thương mại theo quy định tại Điều 1 Quyết định này.

Các ngân hàng thương mại sử dụng quỹ dự phòng rủi ro để bù đắp các khoản xoá nợ cho Hợp tác xã nông nghiệp. Trường hợp quỹ dự phòng rủi ro không đủ để bù đắp số nợ được phép xóa cho các Hợp tác xã nông nghiệp thì ngân hàng thương mại báo cáo để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, xử lý, ra quyết định xoá nợ đối với các khoản Hợp tác xã nông nghiệp nợ thuế sử dụng đất nông nghiệp.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan và ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, xử lý đối với các khoản Hợp tác xã nông nghiệp nợ doanh nghiệp nhà nước Trung ương.

4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, xử lý đối với các khoản Hợp tác xã nông nghiệp nợ doanh nghiệp nhà nước do tỉnh, thành phố quyết định thành lập.

5. Doanh nghiệp nhà nước sử dụng quỹ dự phòng nợ phải thu khó đòi, quỹ dự phòng tài chính để bù đắp các khoản nợ không thu hồi được. Nếu các quỹ này thiếu thì hạch toán vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Riêng đối với doanh nghiệp công ích, nếu hạch toán khoản xoá nợ vào kết quả kinh doanh mà doanh nghiệp bị lỗ thì sẽ được xem xét hỗ trợ từ ngân sách nhà nước theo quy định hiện hành.

6. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương kiểm tra, xử lý đối với khoản Hợp tác xã nông nghiệp nợ các đối tượng khác. Khoản Hợp tác xã nông nghiệp vay các tổ chức đoàn thể xã hội đã đầu tư vào các công trình công cộng phục vụ chung cho cộng đồng mà Hợp tác xã nông nghiệp không còn hoạt động hoặc Hợp tác xã nông nghiệp đang còn hoạt động nhưng quá khó khăn về tài chính, không có khả năng trả nợ, thì vận động các tổ chức đoàn thể xã hội cho xoá nợ. Ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí trong cân đối ngân sách địa phương hỗ trợ các tổ chức đoàn thể xã hội trong trường hợp có khó khăn về tài chính.

Các khoản Hợp tác xã nông nghiệp vay xã viên khi đã được đối chiếu xác nhận đúng người cho vay mà Hợp tác xã nông nghiệp không còn hoạt động hoặc Hợp tác xã nông nghiệp quá khó khăn về tài chính không có khả năng trả nợ thì ngân sách tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí nguồn để hoàn trả nợ cho xã viên.

Điều 3. Việc xử lý từng khoản nợ phải dứt điểm, chậm nhất đến ngày 31 tháng 3 năm 2002 phải hoàn thành.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổng hợp kết quả xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong quý II năm 2002.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các Bộ, ngành có liên quan và Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)

[...]