Quyết định 1446/QĐ-UBND năm 2014 điều chỉnh quy định thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư tại tỉnh Thái Bình

Số hiệu 1446/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/06/2014
Ngày có hiệu lực 27/06/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thái Bình
Người ký Phạm Văn Sinh
Lĩnh vực Đầu tư,Bộ máy hành chính

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1446/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 27 tháng 06 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐIỀU CHỈNH, BỔ SUNG MỘT SỐ QUY ĐỊNH THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA LIÊN THÔNG TRONG HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ TẠI TỈNH THÁI BÌNH.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Đầu tư số 59/2005/QH 11 ngày 29/11/2005 và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;

Căn cứ Luật Xây dựng số 16/2003/QH 11 ngày 26/11/2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH 12 ngày 19/6/2009; Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/02/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình; Nghị định số 83/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 12/2009/NĐ-CP; Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

Căn cứ Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg ngày 22/6/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính Nhà nước ở địa phương;

Căn cứ Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND ngày 27/01/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Quy định về thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư tại tỉnh Thái Bình.

Xét đề nghị của Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh tại Tờ trình số 11/TTr-VP ngày 27/6/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định điều chỉnh, bổ sung một số nội dung thực hiện cơ chế một cửa liên thông trong hoạt động đầu tư tại tỉnh Thái Bình, cụ thể như sau:

1. Quy định điều chỉnh về thủ tục thẩm định và phê duyệt Bản vẽ địa điểm thực hiện dự án:

- Nhà đầu tư lập và lấy xác nhận Bản vẽ địa điểm thực hiện dự án:

+ Sau khi được Ủy ban nhân dân tỉnh chấp thuận nghiên cứu dự án và giới thiệu địa điểm đầu tư, nhà đầu tư liên hệ với Ủy ban nhân dân huyện, Thành phố, Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Ban Quản lý các khu công nghiệp nơi thực hiện dự án để triển khai công tác khảo sát, lập bản vẽ địa điểm thực hiện dự án; lấy xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện dự án vào bản vẽ (không kể dự án đầu tư trong khu công nghiệp);

+ Đối với dự án đầu tư xây dựng công trình: tại các khu công nghiệp, nhà đầu tư lấy xác nhận của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh vào bản vẽ; tại các địa bàn còn lại, nhà đầu tư lấy xác nhận của Ủy ban nhân dân huyện, thành phố vào bản vẽ.

+ Đối với các dự án, công trình có nguy hiểm cháy, nổ nêu tại mục 13, 14, 19 của Phụ lục III - Nghị định 35/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ, ngoài lấy xác nhận của các cơ quan trên, nhà đầu tư lấy xác nhận của cơ quan Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ vào bản vẽ.

Thời gian xác nhận bản vẽ tại mỗi cơ quan nêu trên trong thời hạn hai (02) ngày làm việc.

- Thẩm định và phê duyệt Bản vẽ địa điểm thực hiện dự án:

+ Sau khi thực hiện xong các thủ tục trên, nhà đầu tư nộp hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt bản vẽ địa điểm thực hiện dự án tại Bộ phận Một cửa liên thông của tỉnh;

+ Trong thời hạn một (01) ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ, Bộ phận Một cửa liên thông của tỉnh chuyển hồ sơ của nhà đầu tư đến Sở Xây dựng; Trong thời hạn ba (03) ngày làm việc, Sở Xây dựng thẩm định và phê duyệt bản vẽ địa điểm của dự án trong khu công nghiệp; Trong thời hạn năm (05) ngày làm việc, Sở Xây dựng thẩm định và phê duyệt bản vẽ địa điểm của dự án đối với các địa bàn còn lại;

+ Sau khi phê duyệt bản vẽ địa điểm thực hiện dự án, Sở Xây dựng chuyển kết quả về Bộ phận Một cửa liên thông của tỉnh. Bộ phận Một cửa liên thông của tỉnh trả kết quả cho nhà đầu tư theo quy định.

2. Quy định bổ sung về việc thực hiện đồng thời các thủ tục hành chính:

a) Các thủ tục để cấp Giấy chứng nhận đầu tư:

- Khi trả kết quả Chấp thuận nghiên cứu dự án và giới thiệu địa điểm đầu tư, Bộ phận Một cửa liên thông của tỉnh hướng dẫn cho nhà đầu tư chuẩn bị đồng thời các hồ sơ gồm: bản vẽ địa điểm thực hiện dự án, Báo cáo đánh giá tác động môi trường (hoặc bản đăng ký cam kết bảo vệ môi trường), phương án cải tạo lớp đất mặt đối với dự án có sử dụng đất chuyên trồng lúa, dự án đầu tư gồm phần thuyết minh dự án và phần thiết kế cơ sở (nội dung thiết kế cơ sở bao gồm phần thuyết minh và phần bản vẽ) để thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận đầu tư;

- Sau khi Bản vẽ địa điểm thực hiện dự án đã được phê duyệt, nhà đầu tư chuẩn bị ba hồ sơ gồm: hồ sơ dự án đầu tư, hồ sơ về môi trường và hồ sơ phương án cải tạo lớp đất mặt đối với dự án có sử dụng đất chuyên trồng lúa; Nhà đầu tư nộp đồng thời ba hồ sơ trên về Bộ phận Một cửa liên thông để gửi đến các cơ quan chức năng để lấy ý kiến hoặc thẩm định theo quy định.

- Trường hợp Nhà đầu tư không thể chuẩn bị và nộp đồng thời hồ sơ cho ba thủ tục:

+ Nhà đầu tư chuẩn bị xong hồ sơ của hai thủ tục theo quy định, Bộ phận Một cửa liên thông của tỉnh tiếp nhận và giải quyết đồng thời hai hồ sơ của hai thủ tục.

+ Nhà đầu tư chỉ chuẩn bị được hồ sơ của một thủ tục theo quy định, Bộ phận Một cửa liên thông của tỉnh tiếp nhận và giải quyết theo trình tự quy định tại Quyết định 02/2014/QĐ-UBND ngày 27/01/2014.

[...]