Quyết định 142/2002/QĐ-BTC về Quy chế phân định nhiệm vụ của từng cơ quan trong ngành tài chính khi thanh tra, kiểm tra nhằm tránh chồng chéo và xử lý khi có chồng chéo do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Số hiệu 142/2002/QĐ-BTC
Ngày ban hành 19/11/2002
Ngày có hiệu lực 04/12/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Trần Văn Tá
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

BỘ TÀI CHÍNH
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 142/2002/QĐ-BTC

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH SỐ 142/2002/QĐ-BTC NGÀY 19 THÁNG 11 NĂM 2002 VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ PHÂN ĐỊNH NHIỆM VỤ CỦA TỪNG CƠ QUAN TRONG NGÀNH TÀI CHÍNH KHI THANH TRA, KIỂM TRA NHẰM TRÁNH CHỒNG CHÉO VÀ XỬ LÝ KHI CÓ CHỒNG CHÉO

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Pháp lệnh Thanh tra ngày 01/4/1990 và Nghị định số 244/HĐBT ngày 30/6/1990 của Hội dồng Bộ trưởng về tổ chức của hệ thống Thanh tra Nhà nước và biện pháp bảo đảm hoạt động thanh tra;
Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28/10/1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 61/1998/NĐ-CP ngày 15/8/1998 của Chính phủ về công tác thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp.
Theo đề nghị của Chánh Thanh tra Bộ Tài chính.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế phân định nhiệm vụ của từng cơ quan trong ngành Tài chính khi thanh tra, kiểm tra nhằm tránh chồng chéo và xử lý khi có chồng chéo.

Điều 2: Quyết định ngày có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 1840/1998/QĐ-BTC ngày 15/12/1998 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Điều 3: Chánh Thanh tra Bộ Tài chính, ChánhVăn phòng Bộ Tài chính, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Trần Văn Tá

(Đã ký)

 

QUY CHẾ
PHÂN ĐỊNH NHIỆM VỤ CỦA TỪNG CƠ QUAN TRONG NGÀNH TÀI CHÍNH KHI THANH TRA, KIỂM TRA NHẰM TRÁNH CHỒNG CHÉO VÀ XỬ LÝ KHI CÓ CHỒNG CHÉO
(Ban hành kèm theo Quyết định số 142/2002/QĐ-BTC ngày 19 tháng 11 năm 2002 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Quy chế phân định nhiệm vụ của từng cơ quan trong ngành Tài chính khi thanh tra, kiểm tra để tránh chồng chéo và xử lý khi có chồng chéo được áp dụng cho các đơn vị gồm: Thanh tra Bộ Tài chính, các dơn vị trong hệ thống Thuế, Hải quan, Kho bạc Nhà nước, Dự trữ Quốc gia, các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điều 2: Quy chế này điều chỉnh đối với các cuộc thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch và các cuộc thanh tra, kiểm tra đột xuất. Không áp dụng cho các hoạt động thường xuyên mang tính chất quản lý như: kiểm tra hoàn thuế giá trị gia tăng, thu nợ đọng, cưỡng chế thuế xuất nhập khẩu; kiểm tra sau thông quan, điều tra chống buôn lậu; kiểm tra an toàn kho quỹ của Kho bạc Nhà nước các cấp; các công việc đối chiếu, xác minh, nắm tình hình số liệu phục vụ công tác quản lý; đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, kiểm tra.

Chương 2:

PHÂN ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG, NHIỆM VỤ THANH TRA KIỂM TRA

Điều 3: Nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra tài chính của các cơ quan trong ngành Tài chính được phân định như sau:

1. Thanh tra Bộ Tài chính thực hiện thanh tra theo kế hoạch, thanh tra đột xuất việc thực hiện Luật, Pháp lệnh, chế độ tài chính, kế toán, giá cả tại các Bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh tế xã hội, các doanh nghiệp Nhà nước do Chính phủ và các Bộ, ngành ở Trung ương quyết định thành lập và thanh tra các đơn vị khác khi thấy cần thiết.

2. Cơ quan Thuế thực hiện thanh tra, kiểm tra việc kê khai nộp, miễn giảm, quyết toán thuế và các khoản thu phí, lệ phí của Nhà nước đối với mọi đối tượng, mọi thành phần kinh tế và thanh tra, kiểm tra việc sử dụng kinh phí và các vấn đề nội bộ ngành thuế.

3. Kho bạc Nhà nước thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ, chính sách, quy chế, quy trình hoạt động nghiệp vụ Kho bạc Nhà nước và thanh tra, kiểm tra việc sử dụng kinh phí và các vấn đề nội bộ ngành Kho bạc.

4. Cục Dự trữ Quốc gia thực hiện thanh tra, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch dự trữ và chấp hành các quy định của Chính phủ có liên quan đến hoạt động dự trữ Quốc gia trong nội bộ Cục và tại các Bộ, ngành được Chính phủ phân công quản lý hàng dự trữ Quốc gia và việc sử dụng kinh phí và các vấn đề nội bộ ngành Dự trữ Quốc gia.

5. Cơ quan Hải quan thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ, chính sách về thuế và các khoản thu khác đối với hàng hoá xuất nhập khẩu của các đơn vị, cá nhân có chức năng xuất nhập khẩu; thanh tra, kiểm tra việc sử dụng kinh phí và các vấn đề nội bộ ngành Hải quan.

6. Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính thực hiện kiểm tra việc chấp hành chính sách, chế độ tài chính, kế toán trong phạm vi quản lý của đơn vị.

7. Sở Tài chính - Vật giá các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành chế độ, chính sách về tài chính, kế toán, giá cả đối với ngân sách quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn, các đơn vị, doanh nghiệp nhà nước do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập.

Chương 3:

KẾ HOẠCH THANH TRA, KIỂM TRA

[...]