Quyết định 14/2016/QĐ-UBND sửa đổi Quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình kèm theo Quyết định 01/2013/QĐ-UBND
Số hiệu | 14/2016/QĐ-UBND |
Ngày ban hành | 06/07/2016 |
Ngày có hiệu lực | 16/07/2016 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Ninh Bình |
Người ký | Đinh Chung Phụng |
Lĩnh vực | Văn hóa - Xã hội |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2016/QĐ-UBND |
Ninh Bình, ngày 06 tháng 07 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
V/V SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XÉT TẶNG DANH HIỆU NGHỆ NHÂN THỦ CÔNG MỸ NGHỆ TÌNH NINH BÌNH BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 01/2013/QĐ-UBND NGÀY 08/01/2013 CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Thi đua, khen thưởng ngày 26/11/2003; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua, khen thưởng ngày 14/6/2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 16/11/2013;
Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định số 39/2012/NĐ-CP ngày 27/4/2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng; Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 01/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thi đua khen thưởng năm 2013; Nghị định số 123/2014/NĐ-CP ngày 25/12/2014 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực nghề thủ công mỹ nghệ;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại tờ trình số 656/TTr-SCT ngày 27/6/2016, Báo cáo thẩm định số 115/BC-STP ngày 17/6/2016 của Sở Tư pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Quy định tiêu chuẩn, trình tự, thủ tục xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Thủ công mỹ nghệ tỉnh Ninh Bình ban hành kèm theo Quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 08/01/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình như sau:
1. Sửa đổi, bổ sung Khoản 3, khoản 4 Điều 3 thành:
“3. Là thợ giỏi được đồng nghiệp thừa nhận, có thâm niên trong nghề tối thiểu 10 năm, nắm vững kỹ năng, kỹ xảo nghề nghiệp, có công lớn trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ của địa phương, và bảo đảm các điều kiện sau:
a) Tham gia đào tạo, truyền nghề, dạy nghề cho từ 50 cá nhân trở lên, riêng đối với một số nghề đặc thù có khả năng bị thất truyền, ít truyền cho người ngoài, căn cứ vào điều kiện thực tế nếu cá nhân chưa truyền nghề, dạy nghề cho đủ 50 người vẫn được xem xét phong tặng danh hiệu.
b) Trực tiếp thiết kế, chế tác được ít nhất 05 sản phẩm, tác phẩm có giá trị kinh tế - kỹ thuật - mỹ thuật cao được đưa vào sản xuất hàng hóa và cung ứng trên thị trường, góp phần phát triển kinh tế địa phương, được doanh nghiệp và chính quyền địa phương nơi cư trú công nhận và nhất trí suy tôn.
Đối với nghề đan cói, bèo bồng, bẹ chuối do tính chất đặc thù chủ yếu sản xuất theo mẫu của đơn vị đặt hàng xuất khẩu, trường hợp không tự thiết kế, chế tác được ít nhất 05 mẫu sản phẩm, nếu cá nhân có thâm niên trong nghề tối thiểu 15 năm, truyền nghề, dạy nghề cho từ 100 cá nhân trở lên, có kỹ năng, kỹ xảo để sản xuất, chế tác hoàn thiện sản phẩm mẫu và trực tiếp hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật sản xuất đối với ít nhất 05 mẫu sản phẩm mới theo đơn hàng xuất khẩu, được doanh nghiệp và chính quyền địa phương nơi cư trú xác nhận thì vẫn được xem xét phong tặng danh hiệu.
4. Đã có tác phẩm, sản phẩm đạt một trong các tiêu chí sau:
a) Được giải thưởng hoặc được tổ chức nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội - nghề nghiệp cấp chứng nhận thành tích tại các cuộc thi, hội chợ, triển lãm, bình chọn sản phẩm từ cấp tỉnh trở lên do cơ quan có thẩm quyền từ cấp tỉnh trở lên cho phép tổ chức.
b) Được chọn trưng bày trong các bảo tàng, công trình văn hóa, di tích lịch sử hoặc tại các sự kiện lớn của tỉnh và cả nước.
c) Được chọn làm mẫu phục vụ công tác giảng dạy tại các trường mỹ thuật hoặc dạy nghề.
d) Được sử dụng vào công trình phục chế di tích lịch sử, văn hóa được chính quyền địa phương nơi có di tích lịch sử, văn hóa xác nhận.
Riêng với nghề đan cói, bèo bồng, bẹ chuối do tính chất đặc thù là sản phẩm chủ yếu được sản xuất theo mẫu của đơn vị đặt hàng xuất khẩu thường không tham gia các cuộc thi, hội chợ triển lãm vì phải giữ bản quyền về mẫu của đơn vị đặt hàng, căn cứ vào điều kiện thực tế nếu cá nhân thợ giỏi không có các tiêu chí nêu tại khoản này vẫn được xem xét phong tặng danh hiệu.”
2. Sửa đổi, bổ sung Khoản 1 Điều 6 thành:
“1. Hồ sơ cá nhân làm thành 03 bộ (01 bộ lưu tại UBND cấp xã, 01 bộ lưu tại UBND cấp huyện, 01 bộ lưu tại Sở Công Thương là cơ quan thường trực Hội đồng xét duyệt cấp tỉnh), gồm:
a) Đơn đề nghị xét tặng danh hiệu nghệ nhân Ninh Bình (có mẫu đơn theo phụ lục đính kèm).
Đối với những người có nghề đặc biệt có khả năng bị thất truyền, ít truyền cho người ngoài, chưa đào tạo truyền nghề đủ 50 người, phải trình bày rõ lý do trong đơn đề nghị xét tặng danh hiệu Nghệ nhân Ninh Bình;
b) Bản sao giấy chứng nhận, huy chương, giải thưởng đạt được trong các cuộc thi, hội chợ, triển lãm, bình chọn sản phẩm từ cấp tỉnh trở lên, kèm theo ảnh chụp các sản phẩm đoạt giải và các tài liệu chứng minh nguồn gốc liên quan;
c) Các giấy tờ chứng minh thành tích khác theo các tiêu chuẩn quy định”.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.