UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
14/2009/QĐ-UBND
|
Thái Nguyên,
ngày 29 tháng 4 năm 2009
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CƠ CHẾ SỬ DỤNG VỐN TÍN DỤNG ĐẦU
TƯ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ NƯỚC ĐỂ THỰC HIỆN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG NÔNG
THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN, GIAI ĐOẠN 2009-2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 24/1999/NĐ-CP ngày
16/4/1999 của Chính phủ về Quy chế tổ chức huy động, quản lý và sử dụng các khoản
đóng góp tự nguyện của nhân dân để xây dựng cơ sở hạ tầng của các xã, thị trấn;
Căn cứ Quyết định số 66/2000/QĐ-TTg ngày
13/6/2000 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách và cơ chế tài chính thực
hiện chương trình kiên cố hoá kênh mương;
Căn cứ Quyết định số 132/2001/QĐ-TTg ngày
07/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế tài chính thực hiện chương trình
phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nôi trồng thuỷ sản, cơ sở
hạ tầng làng nghề ở nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 13/2009/QĐ-TTg ngày
21/01/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển
của nhà nước để tiếp tục thực hiện các chương trình kiên cố hoá kênh mương,
phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, cơ sở
hạ tầng làng nghề ở nông thôn giai đoạn 2009-2015;
Căn cứ Nghị quyết số 04/2009/NQ-HĐND ngày
13/4/2009 của HĐND tỉnh Thái Nguyên khoá XI kỳ hợp bất thường lần thứ 2 về cơ
chế sử dụng vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước để thực hiện đầu tư xây
dựng kết cấu hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn
2009-2015;
Xét đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại
Công văn số 410/SKHĐT-KT ngày 9/4/2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về cơ chế sử dụng
vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước để thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu
hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2009-2015”.
Điều 2. Giao các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải,
Nông nghiệp và phát triển nông thôn và UBND các huyện, thành phố, thị xã theo
thẩm quyền hướng dẫn thực hiện quy định này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc: Sở Tài chính, Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Sở Giao thông vận tải, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn và Chủ
tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định
này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày
kể từ ngày ký./.
Nơi nhận:
- Chính phủ và Văn phòng Chính phủ
(b/c);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (b/c);
- Bộ Tài chính (b/c);
- TT. Tỉnh ủy (b/c);
- TT. HĐND tỉnh (b/c);
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh TN;
- Như Điều 3;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Chánh VP và các PVP UBND tỉnh;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Các chuyên viên NCTH;
Lưu: VT, TH2b; Tr.QĐ08/85b
|
TM. UỶ BAN
NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH
Phạm Xuân Đương
|
QUY ĐỊNH
VỀ CƠ CHẾ SỬ DỤNG VỐN TÍN DỤNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CỦA NHÀ NƯỚC
ĐỂ THỰC HIỆN ĐẦU TƯ XÂY DỰNG KẾT CẤU HẠ TẦNG NÔNG THÔN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI
NGUYÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 14/2009/QĐ-UBND ngày 29/4/2009 của UBND tỉnh
Thái Nguyên)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định về cơ chế quản lý, sử dụng
vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước để thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu
hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
2. Vốn tín dụng đầu tư phát triển của nhà nước
được sử dụng để hỗ trợ đầu tư, xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng nông
thôn bao gồm:
a) Xây dựng, sửa chữa công trình thuỷ lợi nhỏ,
kiên cố hoá kênh mương cấp III do cấp xã quản lý, đầu tư trạm bơm điện phục vụ
tưới tiêu sản xuất nông nghiệp;
b) Kiên cố hoá đường giao thông nông thôn do cấp
xã quản lý (đường liên thôn, liên xóm, liên bản,...);
c) Đầu tư hạ tầng làng nghề;
d) Đầu tư hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản.
Điều 2. Phương thức đầu tư
Thực hiện theo phương thức nhà nước hỗ trợ, nhân
dân cùng đóng góp để đầu tư xây dựng công trình. Mức vốn nhà nước hỗ trợ cho mỗi
công trình cao nhất là 80% chi phí xây dựng công trình (không tính chi phí bồi
thường GPMB nếu có); UBND các huyện, thành phố, thị xã căn cứ vào điều kiện
kinh tế - xã hội của địa phương, quy định tỷ lệ hỗ trợ cho từng xã, phường, thị
trấn trình HĐND cùng cấp phê duyệt với mức hỗ trợ không vượt quá mức hỗ trợ quy
định trên.
Điều 3. Sử dụng vốn hỗ trợ
đầu tư
1. Vốn tín dụng hỗ trợ đầu tư chỉ dùng thanh
toán cho khối lượng xây dựng hoàn thành.
2. Vốn hỗ trợ đầu tư chỉ sử dụng cho đầu tư xây
dựng mới các công trình nêu tại Điều 1 Quy định này không sử dụng để thanh toán
nợ của những công trình đã thực hiện đầu tư trước khi Quy định này có hiệu lực
thi hành.
Điều 4. Tiêu chí phân bổ vốn
vay
Mức vốn vay phân bổ cho mỗi huyện, thành phố, thị
xã căn cứ trên cơ sở tổng hợp các tiêu chí:
1. Số đơn vị hành chính cấp xã, phường, thị trấn
(thành phố Thái Nguyên chỉ tính các xã).
2. Tổng dân số.
3. Khả năng thu ngân sách hàng năm.
Điều 5. Hoàn trả vốn vay
1. Thực hiện cơ chế ngân sách tỉnh, ngân sách
huyện cùng hoàn trả vốn vay, mức đóng góp để trả nợ quy định như sau:
a) Các huyện: Võ Nhai, Định Hoá: Ngân sách tỉnh
trả 90%, ngân sách huyện trả 10% .
b) Huyện Phú Bình: Ngân sách tỉnh trả 80%, ngân
sách huyện trả 20%.
c) Các huyện: Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương, Phổ
Yên: Ngân sách tỉnh trả 70% , ngân sách huyện trả 30%.
d) Thành phố Thái Nguyên và thị xã Sông Công:
Ngân sách tỉnh trả 50%, ngân sách thành phố, thị xã trả 50%.
2. Nguồn vốn để trả nợ:
a) Đối với cấp tỉnh: dành một phần nguồn vốn đầu
tư phát triển trong nước gồm: vốn xây dựng cơ bản tập trung, nguồn thu tiền đất
ngân sách tỉnh hưởng, nguồn vượt thu dành cho đầu tư (nếu có).
b) Đối với cấp huyện: bố trí trả nợ từ nguồn thu
tiền đất, sự nghiệp kiến thiết kinh tế, nguồn vượt thu dành cho đầu tư (nếu
có); những địa phương không bố trí vốn trả nợ sẽ không được vay vốn năm sau.
Chương II
QUẢN LÝ VỐN HỖ TRỢ ĐẦU
TƯ CÔNG TRÌNH
Điều 6. Quản lý vốn
1. UBND các huyện, thành phố, thị xã thực hiện
việc phân bổ cho từng công trình; mức hỗ trợ theo quy định của địa phương.
2. Khi phân bổ phải thông qua HĐND cùng cấp.
Điều 7. Thủ tục đầu tư
1. Chủ đầu tư công trình: UBND các xã, phường,
thị trấn là chủ đầu tư; chủ đầu tư thành lập Ban quản lý công trình, thành phần
Ban quản lý công trình phải có đại diện của thôn, bản nơi xây dựng công trình.
2. Lập, phê duyệt dự toán đầu tư: UBND huyện,
thành phố, thị xã hướng dẫn chủ đầu tư lập và phê duyệt dự toán. Dự toán trước
khi phê duyệt phải được Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thành phố, thị xã thẩm
tra và có văn bản chấp thuận. Những công trình cần thiết phải lập dự án đầu tư,
UBND các huyện, thành phố, thị xã quyết định, chi phí tư vấn lập dự án do ngân
sách địa phương bố trí.
Điều 8. Tổ chức triển khai
thưc hiện công trình
1. Chủ đầu tư có trách nhiệm lập, phê duyệt dự
toán, giám sát kỹ thuật, tổ chức thi công, lập hồ sơ thanh quyết toán các công
trình theo quy định hiện hành của Nhà nước.
2. Việc giám sát thi công công trình phải thực
hiện theo đúng Pháp lệnh thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Quy chế giám
sát đầu tư của cộng đồng ban hành kèm theo Quyết định số 80/2005/QĐ-TTg ngày
18/4/2005 của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 9. Thủ tục cấp phát,
thanh, quyết toán vốn
Việc thẩm định hồ sơ thanh toán, phê duyệt quyết
toán công trình, thanh toán vốn thực hiện theo quy định. Sở Tài chính hướng dẫn
cụ thể về thủ tục thanh toán.
Chương III
PHÂN GIAO NHIỆM VỤ VÀ TỔ
CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Phân giao nhiệm vụ
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư: là cơ quan chủ trì phối
hợp với Sở Tài chính và các ngành liên quan tổng hợp nhu cầu vốn đầu tư; chủ động
phối hợp với Sở Tài chính tham mưu trình UBND tỉnh phân bổ vốn vay ưu đãi cho
các huyện, thành, thị xã; bố trí trả nợ từ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản tập
trung, nguồn thu tiền đất, nguồn vượt thu ngân sách để trả nợ các khoản vay đến
hạn; tổng hợp tình hình thực hiện đầu tư của các huyện, thành phố, thị xã kịp
thời báo cáo UBND tỉnh.
2. Sở Tài chính: chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch
và Đầu tư đề xuất trình UBND tỉnh thực hiện phân bổ vốn hỗ trợ cho UBND các huyện,
thành phố, thị xã; cân đối ngân sách để thực hiện việc hoàn trả vốn vay. Hướng
dẫn UBND các huyện, thành phố, thị xã các thủ tục cấp phát, thanh, quyết toán vốn
theo quy định.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: hướng
dẫn các huyện, thành phố, thị xã áp dụng quy trình, quy phạm kỹ thuật đối với
các công trình kênh mương, thủy lợi nhỏ, hạ tầng nuôi trồng thuỷ sản, hạ tầng
làng nghề.
4. Sở Giao thông vận tải: hướng dẫn các huyện,
thành phố, thị xã áp dụng quy trình, quy phạm kỹ thuật đối với các công trình
giao thông nông thôn.
5. UBND các huyện, thành phố, thị xã.
a) Xây dựng tiêu chí phân bổ vốn hỗ trợ, quy định
mức hỗ trợ vốn đối với từng xã, phường, thị trấn, cơ chế vận động vốn góp của
người dân vùng hưởng lợi trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn.
b) Bố trí vốn trả nợ các khoản vay đến hạn theo
quy định.
Điều 11. Tổ chức thực hiện:
1. Đối với cấp tỉnh: phân công một đồng chí Phó
Chủ tịch UBND tỉnh trực tiếp chỉ đạo.
2. UBND các huyện, thành phố, thị xã thành lập
Ban chỉ đạo thực hiện chương trình xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn để chỉ đạo,
triển khai đến các xã, phường, thị trấn để thực hiện.
Định kỳ 6 tháng, một năm UBND các huyện, thành
phố, thị xã tổng hợp, báo cáo nhu cầu vốn đầu tư, báo cáo tiến độ triển khai thực
hiện đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn trên phạm vi địa phương mình gửi về UBND
tỉnh, đồng gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính.
3. Các Sở, Ban, ngành của tỉnh căn cứ vào chức
năng, nhiệm vụ và sự phân công, chủ động đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các địa
phương thực hiện xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn đúng mục tiêu và
đạt hiệu quả./.