Quyết định 137/2001/QĐ-UB Quy định tổ chức thu, quản lý và sử dụng quỹ ngày công lao động công ích trên địa bàn Thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành

Số hiệu 137/2001/QĐ-UB
Ngày ban hành 31/12/2001
Ngày có hiệu lực 01/01/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thành phố Hà Nội
Người ký Nguyễn Quốc Triệu
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương,Tài chính nhà nước

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 137/2001/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 2001 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA UBND THÀNH PHỐ VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH TỔ CHỨC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ NGÀY CÔNG LAO ĐỘNG CÔNG ÍCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Pháp Lệnh nghĩa vụ lao động công ích số 15/1999/PL - UBTVQH 10 ngày 03/9/1999 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Lệnh số 07L/CTN ngày 16/9/1999 của Chủ tịch nước về việc công bố Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích;
Căn cứ Nghị định số 81/2000/NĐ - CP ngày 29/12/2000 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Nghĩa vụ lao động công ích;
Căn cứ Quyết định số 86/2001/QĐ - BTC ngày 12/9/2001 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành Quy chế quản lý, sử dụng quỹ ngày công lao dộng công ích;
Căn cứ Nghị quyết số 06/2000/NQ - HĐ ngày 21/7/2000 của Hội đồng nhân dân Thành phố khoá XII, kì họp thứ 3 về việc thực hiện Pháp lệnh nghĩa vụ lao động công ích trên địa bàn thành phố Hà Nội;
Xét đề nghị của Sở Tài chính - Vật giá tại tờ trình số 3676 TT/STCVG ngày 11 tháng 12 năm 2001.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản Quy định về tổ chức thu, quản lý và sử dụng quỹ ngày công lao động công ích trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2002 và thay thế Quyết định số 91/2000/QĐ - UB ngày 31/10/2000 của UBND thành phố về việc ban hành quy định tạm thời về việc tổ chức thu, quản lý và sử dụng tiền công nghĩa vụ lao động công ích hằng năm trên địa bàn Thành phố Hà Nội .

Điều 3: Chánh Văn phòng UBND Thành phố, Giám đốc các Sở Tài chính - Vật giá, Sở Lao động thương binh và Xã hội, Kho Bạc Nhà nước Thành phố, các Sở, Ban, Ngành của Thành phố, các cơ quan, đơn vị, tổ chức chính trị - xã hội, Chủ tịch UBND các Quận, Huyện, Phường, Xã, Thị trấn và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

T/M. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
K/T.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
 
 
 
 
Nguyễn Quốc Triệu

 

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC TỔ CHỨC THU, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ NGÀY CÔNG LAO ĐỘNG CÔNG ÍCH TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 137/QĐ-UB ngày 31/12/2001 của Uỷ ban nhân dân Thành phố.)

Điều 1: Lao động công ích (gọi tắt là LĐCI) của công dân trong quy định này bao gồm lao động của công dân cư trú trên địa bàn thành phố Hà nội, trong diện phải thi hành nghĩa vụ LĐCI hằng năm, theo Pháp lệnh nghĩa vụ LĐCI được Quốc hội khoá X thông qua ngày 03/9/1999.

Điều 2: Đối tượng thực hiện nghĩa vụ LĐCI hằng năm, gồm những công dân, nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 35 tuổi, không bao gồm các đối tượng được miễn, quy định tại Điều 10 Pháp lệnh nghĩa vụ LĐCI.

Điều 3: Mức huy động.

- Số ngày công nghĩa vụ LĐCI hằng năm của mỗi công dân là 10 ngày.

- Người được huy động thực hiện nghĩa vụ LĐCI hằng năm, nếu không trực tiếp đi lao động thì phải có người làm thay hoặc đóng tiền theo số ngày công lao động huy động, mức thu cho một ngày công theo quy định tại Nghi quyết HĐND Thành phố hăng năm.

Điều 4: Tổ chức thu quỹ tiền công nghĩa vụ LĐCI.

- Uỷ ban nhân dân phường, xã, thị trấn ra quyết định huy động ngày công nghĩa vụ LĐCI đối với công dân cư trú tại địa phương; Tổ chức thu tiền công nghĩa vụ LĐCI đối với các đối tượng không trực tiếp tham gia lao động. Số tiền thu được phải nộp kịp thời, đầy đủ vào ngân sách Nhà nước, hạch toán vào chương 160D, loại 10, khoản 5, mục 053, tiểu mục 01.

- Kho bạc Nhà nước thực hiện phân chia số tiền thu được từ ngày công nghĩa vụ LĐCI theo tỷ lệ phần trăm (%), vào các cấp ngân sách của địa phương (Thành phố, quận, huyện, và xã, phường, thị trấn) theo quy định tại Nghị quyết HĐND Thành phố và Quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch kinh tế, xã hội của UBND Thành phố hằng năm.

Điều 5: Quỹ tiền công nghĩa vụ LĐCI của các cấp ngân sách (Thành phố - quận,huyện - xã, phường, thị trấn) được theo dõi riêng, để sử dụng vào các mục đích quy định tại Điều 9 Pháp lệnh nghĩa vụ LĐCI và theo Điều 3 Nghị định số 82/2000/NĐ-CP ngày 29/12/2000 của Chính phủ.

Quỹ tiền công nghĩa vụ LĐCI thuộc ngân sách cấp nào, do cấp đó theo dõi, quản lý và sử dụng theo quy định. Khi chi hạch toán theo chương, loại, khoản, mục, tiểu mục tương ứng với Mục lục ngân sách Nhà nước.

Quỹ tiền công nghĩa vụ LĐCI trong năm chưa sử dụng hết được chuyển sang dự toán năm sau, sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 6: Chi phí phục vụ việc tổ chức huy động và quản lý quỹ.

Kinh phí phục vụ việc tổ chức huy động và quản lý quỹ LĐCI của cấp nào, do ngân sách cấp đó chi, Nội dung chi gồm:

+ Bồi dưỡng cho người trực tiếp huy động quỹ, ghi sổ, theo dõi và lập báo cáo tổng hợp tình hình thực hiện nghĩa vụ LĐCI tại cấp quận, huyện (phòng LĐTB - XH quận, huyện), xã, phường, thi trấn và tổ dân phố (hoặc thôn).

+ Chi công tác tuyên truyền phổ biến, vận động nhân dân.

+ Mua (hoặc in) phiếu, sổ LĐCI, biên lai ấn chỉ và sổ sách, tài liệu tuyên truyền, văn phòng phẩm cho Ban chỉ đạo.

+ Họp sơ kết, tổng kết, khen thưởng.

+ Các chi phí khác.

Hằng năm, Ban chỉ đạo thực hiện nghĩa vụ LĐCI các cấp có trách nhiệm lập dự toán các khoản chi phục vụ việc huy động, quản lý quỹ ngày công nghĩa vụ LĐCI, gửi cơ quan tài chính cùng cấp để trình UBND cùng cấp giao dự toán chi cùng với dự toán chi ngân sách hằng năm, làm căn cứ cấp phát kinh phí, đồng gửi Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch để làm căn cứ kiểm soát chi.

Điều 7: Đối với số ngày công lao động trực tiếp tại công trường, căn cứ vào bảng kê kết quả số ngày công lao động thực tế của đối tượng do đơn vị sử dụng lao động chuyển tới Ban chỉ đạo thực hiện nghĩa vụ LĐCI, để qui đổi số công trực tiếp thành giá trị tiền công, tương ứng với từng công trình công ích, gửi cơ quan tài chính cùng cấp làm lệnh ghi thu - ghi chi, thông qua Kho bạc Nhà nước để hạch toán vào ngân sách Nhà nước.

Số tiền ghi thu - ghi chi ngân sách của cấp nào thì hạch toán đủ 100% vào khoản thu khác của ngân sách cấp đó, theo chương (B,C,D), loại, khoản, mục, tiểu mục tương ứng của Mục lục ngân sách Nhà nước.

Điều 8:

- Hằng năm, căn cứ vào Nghị quyết HĐND Thành phố, Ban chỉ đạo thực hiện nghĩa vụ LĐCI thành phố phối hợp với Sở Tài chính - Vật giá, Sở Kế hoạch - Đầu tư để trình UBND Thành phố quyết định giao chỉ tiêu kế hoạch huy động quỹ ngày công nghĩa vụ LĐCI cho các quận, huyện và danh mục các dự án có sử dụng ngày công lao động thuộc Thành phố quản lý.

- UBND các quận, huyện căn cứ vào chỉ tiêu tổng quỹ ngày công nghĩa vụ LĐCI do UBND thành phố giao và nhu cầu công việc của mình để trình HĐND ra Nghị quyết về danh mục các dự án có sử dụng ngày công nghĩa vụ LĐCI thuộc quận, huyện quản lý và chỉ tiêu huy động quỹ ngày công nghĩa vụ LĐCI giao cho các xã, phường, thị trấn trực thuộc.

Việc tổ chức thực hiện các dự án đầu tư từ nguồn tiền công và ngày công nghĩa vụ LĐCI phải tuân theo các qui định hiện hành của Nhà nước và của Thành phố về quản lý đầu tư và xây dựng.

Điều 9: Các loại chứng từ thu, biên lai thu tiền LĐCI do Sở Tài chính - Vật giá Hà nội phát hành. Ban chỉ đạo thực hiện nghĩa vụ LĐCI quận, huyện có trách nhiệm nhận biên lai thu tiền LĐCI để cấp cho phường, xã, thị trấn sử dụng, đồng thời quản lý biên lai, ấn chỉ theo đúng quy định hiện hành.

Điều 10: Nghiêm cấm việc thu quỹ tiền công nghĩa vụ LĐCI của các đối tượng mà không cấp biên lai, hoặc sử dụng biên lai không đúng quy định.

Nghiêm cấm việc thu quỹ tiền công nghĩa vụ LĐCI hằng năm của các đối tượng khi chưa có chỉ tiêu của cấp có thẩm quyền và quyết định huy động nghĩa vụ LĐCI hằng năm của UBND xã, phường, thi trấn.

Nghiêm cấm việc thu quỹ tiền công nghĩa vụ LĐCI hằng năm thông qua các hình thức bắt buộc như thu tiền khi nhân dân đến xin xác nhận hành chính của chính quyền; hoặc khi chính quyền địa phương giải quyết các công việc cho nhân dân thuộc chức năng nhiệm vụ của mình.

Điều 11: UBND phường, xã, thị trấn và Ban chỉ đạo thực hiện nghĩa vụ LĐCI các cấp phải tổ chức việc theo dõi, ghi chép và phản ánh đầy đủ nguồn thu quỹ nghĩa vụ LĐCI đóng bằng tiền và bằng ngày công LĐCI (kể cả số tiền sau khi qui đổi) vào hệ thống sổ kế toán, báo cáo theo qui định. Cuối năm phải đôn đốc, giải quyết dứt điểm việc huy động quỹ ngày công đóng bằng tiền của các đối tượng để nộp kịp thời vào ngân sách Nhà nước. Lập báo cáo quyết toán năm về các khoản thu nêu trên và hoàn thành trước ngày 31 tháng 01 năm sau.

Cơ quan tài chính quận, huyện, phường, xã, thị trấn có trách nhiệm thẩm tra báo cáo quyết toán của Ban chỉ đạo thực hiện nghĩa vụ LĐCI cùng cấp và xác nhận số tiền đã nộp vào Ngân sách Nhà nước.

Đối với các cấp quận, huyện báo cáo năm được gửi đến:

- Ban chỉ đạo thực hiện nghĩa vụ LĐCI Thành phố.

- Sở Tài chính - Vật giá Hà nội.

- UBND và HĐND quận, huyện.

Đối với phường, xã, thi trấn báo cáo quyết toán được gửi đến:

- Ban chỉ đạo thực hiện nghĩa vụ LĐCI quận, huyện.

- Phòng Tài chính - Vật giá quận, huyện.

- UBND và HĐND phường, xã, thị trấn.

Điều 12: Ban chỉ đạo thực hiện nghĩa vụ LĐCI thành phố có trách nhiệm phối hợp với các Sở, Ngành có liên quan để hướng dẫn hoặc trả lời các vấn đề thuộc trách nhiệm của từng ngành về huy động, quản lý và sử dụng quỹ ngày công, quỹ tiền công nghĩa vụ LĐCI trên địa bàn Thành phố./.