BỘ Y TẾ
****
Số: 1338/2004/QĐ-BYT
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
******
Hà Nội, ngày 14 tháng 4 năm 2004
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH "HƯỚNG DẪN QUY TRÌNH KỸ THUẬT RỬA VÀ
SỬ DỤNG LẠI QUẢ LỌC THẬN"
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP
ngày 15/05/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức Bộ Y tế;
Xét Biên bản họp ngày 24/3/2004 của Hội đồng thẩm định được thành lập theo Quyết
định số 4868/QĐ-BYT ngày 17/9/2003 nghiệm thu Quy trình kỹ thuật Rửa màng lọc
máu để sử dụng lại trong thận nhân tạo;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Điều trị - Bộ Y tế,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này
“Hướng dẫn quy trình kỹ thuật rửa và sử dụng lại
quả lọc thận” .
Điều 2. “Hướng dẫn quy trình kỹ thuật rửa và
sử dụng lại quả lọc thận” là tài liệu hướng dẫn về thực hành chuyên môn kỹ thuật
được áp dụng trong tất cả các cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước, bán công và tư
nhân .
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15
ngày kể từ ngày đăng công báo.
Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng, Vụ trưởng
Vụ Điều trị, Chánh Thanh tra và các Vụ trưởng, Cục trưởng của Bộ Y tế, Giám đốc
Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Giám đốc viện, bệnh viện trực
thuộc Bộ Y tế, Thủ trưởng Y tế ngành, người đứng đầu các cơ sở khám, chữa bệnh
chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
|
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
THỨ TRƯỞNG
Lê Ngọc Trọng
|
QUY TRÌNH
KỸ THUẬT RỬA, SỬ DỤNG LẠI QUẢ LỌC THẬN
(Ban hành theo Quyết định số: 1338/2004/QĐ-BYT ngày 14
tháng 4 năm 2004)
I.
ĐẠI CƯƠNG
Thận nhân tạo
(Hemodialysis) là phương pháp điều trị cần thiết cho các trường hợp suy thận cấp
và mạn, ngộ độc cấp và một số nguyên nhân khác khi có chỉ định. Thận nhân tạo là
sự trao đổi các chất hoà tan trong nước giữa máu và dịch lọc qua màng bán thấm
với nguyên lý khuyếch tán và siêu lọc diễn ra trong quả lọc. Quả lọc thận là vật
liệu tiêu hao quan trọng nhất cho mỗi lần chạy thận nhân tạo.
Ở nhiều nước kể cả
các nước tiên tiến đều sử dụng lại quả lọc. Ở Việt Nam cũng đã có nhiều đơn vị
thận nhân tạo nghiên cứu và sử dụng lại quả lọc thận. Việc sử dụng lại quả lọc
là cần thiết nhưng phải đảm bảo an toàn và hiệu quả cho người bệnh.
II.
CHỈ ĐỊNH
- Quả lọc sử dụng
lại chỉ dùng cho chính người đó và chỉ được sử dụng lại không quá 15 lần.
- Bệnh nhân có hội
chứng sử dụng quả lọc lần đầu.
III.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
- Không có chống
chỉ định tuyệt đối
- Bệnh nhân nhiễm
HIV/AIDS
IV.
CHUẨN BỊ
1. Cán bộ
chuyên khoa:
Nhân viên thực hiện
kỹ thuật rửa quả lọc thận nhân tạo để dùng lại cần được đào tạo đầy đủ về kỹ
thuật, phải được trang bị bảo hộ lao động: Kính mắt, khẩu trang, quần áo, găng
tay...
2. Phương tiện:
2.1. Chọn màng sử
dụng lại:
- Màng có tính thấm
trung bình hoặc cao
- Màng làm bằng
nguyên liệu tổng hợp hoặc bán tổng hợp
2.2. Nước rửa:
- Nước RO đạt
tiêu chuẩn
2.3. Chất làm sạch
và tiệt trùng:
- Formaldehyde:
2% - 4% (nhiệt độ phòng)
- Hydrogen
peroxyd: 4%
- Acid acetic: 4%
(thường kết hợp với hydrogen peroxid)
- Acid citric:
1,5%, kết hợp với nhiệt độ 900C
- Glutaraldehyde:
0,8% - 4%, không kết hợp với sodium hypochlorit
2.4. Hệ thống xử
lý quả lọc:
- Vận hành đúng.
- Kiểm tra, bảo
hành và hiệu chỉnh thường xuyên.
3. Người bệnh
và người nhà người bệnh:
- Người bệnh và người
nhà người bệnh được thông báo, giải thích và tự nguyện dùng lại quả lọc.
V. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Bước 1: Tại
phòng chạy thận nhân tạo: Quan sát và đánh dấu sau khi kết thúc chạy thận nhân
tạo.
- Mặt ngoài quả lọc
được lau sạch máu và các chất khác bằng nước Javel 1%.
- Nhận xét sơ bộ
tình trạng quả lọc và dây dẫn máu, ghi chính xác vào nhãn hoặc băng dính tên bệnh
nhân, ngày lọc, lần lọc với sự chứng kiến của ít nhất 2 người: Nhân viên Y tế,
bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân rồi chuyển đến phòng rửa quả lọc.
Bước 2: Tại
phòng rửa quả lọc. Bắt buộc phải dùng nước lọc qua màng thẩm thấu ngược (RO) vô
trùng.
2.1. Rửa xuôi: Rửa
trong lòng mạch và trong lòng sợi mao dẫn.
2.2. Rửa ngược: Rửa
ngược bằng nước RO. Rửa đường dịch với áp suất 1 atm - nước RO sẽ đi từ đường dịch
vào đường máu để làm thông các lỗ lọc rất nhỏ.
2.3. Rửa sạch tất
cả dây dẫn máu:
- Thời gian rửa 5
- 10 phút
- Quả lọc thận
sau khi rửa đạt các yêu cầu:
- Các sợi mao dẫn
đều sạch, trắng.
- Hai đầu quả lọc
không dính bất cứ chất gì.
- Dây dẫn máu
hoàn toàn sạch.
- Các đầu vào và
đầu ra khoang máu, khoang dịch đều có nắp đậy.
- Ghi nhãn đúng
và nhãn không bị bong.
- Dung dịch tiệt
trùng sử dụng nồng độ tối đa là 4%; không được sử dụng dung dịch đậm đặc; không
sử dụng kết hợp sodium hypochlorid và fomaldehyde hoặc sodium hypochlorid và
peracetic acid.
Bước 3: Tiệt
trùng
- Ngâm quả lọc gồm
đầu vào và đầu ra, khoang dịch và khoang máu ngập toàn bộ trong dung dịch tiệt
trùng.
- Thời gian ngâm
quả lọc trong dung dịch thuốc tiệt trùng từ 24 - 48 giờ.
Bước 4: Rửa sạch
chất tiệt trùng trước khi sử dụng bằng nước RO:
- Rửa sạch tất cả
các khoang nhỏ; rửa cả đường máu và đường dịch.
- Thời gian rửa:
10 - 15 phút.
- Sau khi rửa sạch,
quả lọc được đậy kín cả đường máu và đường dịch; nếu chưa sử dụng lại ngay cần
bảo quản trong tủ lạnh 10oC (tủ mát) không quá 4 giờ, không được để trong ngăn
đá gây đông các sợi quả lọc.
5. Trước khi
đưa ra sử dụng lại:
5.1. Rửa lại quả
lọc bằng dung dịch muối NaCl 0,9% từ 1000 - 2000 ml
- Rửa đường dịch
trước.
- Rửa đường máu.
5.2. Làm test kiểm
tra chất tiệt khuẩn tồn dư .
5.3. Lắp vào vòng
tuần hoàn ngoài cơ thể như quy trình lọc máu.
VI.
THEO DÕI VÀ XỬ LÝ
1. Theo dõi chặt
chẽ để phát hiện các biểu hiện bất thường của quá trình lọc máu và các phản ứng
phụ của quả lọc sử dụng lại nếu có và xử trí kịp thời:
1.1. Rách màng:
Thay quả lọc mới.
1. 2. Phản ứng chất
tiệt trùng còn tồn dư:
- Ngừng lọc máu-
dồn máu về bệnh nhân
- Rửa lại quả lọc
và dây máu hoặc thay quả lọc, dây máu mới nếu dùng lại cả dây máu.
1.3. Tai biến tim
mạch, hô hấp và các tai biến khác: Tuỳ theo nguyên nhân để xử trí.
2. Theo dõi và
ghi hồ sơ bệnh án:
- Theo quy chế bệnh
viện, ghi đầy đủ, đặc biệt các test, các phản ứng sốt và rét run.
- Các loại quả lọc
dùng lại phải ghi nhãn cẩn thận và rõ ràng tên bệnh nhân, số lần sử dụng, tên
nhân viên thực hiện.