THỦ
TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********
|
CỘNG
HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********
|
Số:
130/2003/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2003
|
QUYẾT ĐỊNH
CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 130/2003/QĐ-TTG NGÀY 30 THÁNG 6
NĂM 2003 VỀ VIỆC BẢO VỆ TIỀN VIỆT NAM
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 01/1997-QH10 ngày 12 tháng 12 năm
1997;
Nhằm bảo vệ tiền Việt Nam và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sở hữu, sử
dụng tiền Việt Nam;
Theo đề nghị của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh
Quyết định này quy định trách
nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác đấu tranh phòng, chống, ngăn
chặn việc làm tiền giả; tàng trữ, vận chuyển, lưu hành tiền giả; và phá hoại tiền
Việt Nam.
Điều 2. Giải
thích từ ngữ
Các từ ngữ trong Quyết định này
được hiểu như sau :
1. Tiền Việt Nam theo quy định tại
Quyết định này được hiểu gồm: tiền giấy, tiền kim loại do Ngân hàng Nhà nước Việt
Nam (sau đây gọi tắt là Ngân hàng Nhà nước) phát hành.
2. Tiền giả là những loại tiền
được làm giống như tiền Việt Nam nhưng không phải Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ
chức in, đúc, phát hành.
Điều 3. Những
hành vi bị nghiêm cấm
1. Làm tiền giả, vận chuyển,
tàng trữ, lưu hành, mua, bán tiền giả.
2. Hủy hoại tiền Việt Nam bằng bất
kỳ hình thức nào.
3. Sao chụp tiền Việt Nam với bất
kỳ mục đích nào không có sự chấp thuận trước bằng văn bản của Ngân hàng Nhà nước.
4. Từ chối nhận, lưu hành đồng
tiền do Ngân hàng Nhà nước phát hành trong lãnh thổ Việt Nam.
Điều 4. Quyền,
trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân
1. Bảo quản tiền Việt Nam trong
quá trình quản lý, sử dụng.
2. Yêu cầu cơ quan chức năng
giám định tiền Việt Nam theo quy định tại Điều 6 Quyết định này.
3. Kịp thời thông báo cơ quan
công an hoặc bộ đội biên phòng, hải quan nơi gần nhất về các hành vi vi phạm
quy định tại Điều 3 Quyết định này.
4. Cơ quan, đơn vị, tổ chức kinh
tế, xã hội và cá nhân có tiền giả phải kịp thời giao nộp cho cơ quan công an,
Ngân hàng Nhà nước, bộ đội biên phòng hoặc cơ quan hải quan nơi thuận tiện nhất.
5. Ngân hàng
Nhà nước, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước và tổ chức khác có hoạt động ngân
hàng, cơ quan hải quan, bộ đội biên phòng khi phát hiện tiền giả phải tiến hành
lập biên bản thu giữ, phát hiện tiền nghi giả phải lập biên bản tạm thu giữ và
kịp thời thông báo cơ quan công an nơi gần nhất.
Điều 5.
Thông tin về tiền Việt Nam và thông tin về tiền giả
1. Ngân hàng Nhà nước thông báo
đặc điểm và cách nhận biết tiền Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại
chúng. Thông báo này phải được niêm yết công khai tại trụ sở giao dịch của Ngân
hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước và các tổ chức khác có hoạt động
ngân hàng.
2. Trường hợp cần thiết, Ngân
hàng Nhà nước thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng đặc
điểm nhận biết của loại tiền giả xuất hiện trong lưu thông để các cơ quan, đơn
vị, tổ chức kinh tế, xã hội và cá nhân biết.
3. Việc cung cấp tin, đăng tải
tin về tiền giả thực hiện theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Giám
định tiền
1. Ngân hàng Nhà nước tổ chức
giám định và thông báo kết quả giám định tiền giả, tiền nghi giả cho mọi tổ chức,
cá nhân có yêu cầu. Việc giám định được thực hiện miễn phí.
2. Bộ Công an tổ chức giám định
khi phát hiện, thu giữ tiền giả, tiền bị hủy hoại, tạm thu giữ tiền nghi giả,
tiền nghi bị hủy hoại hoặc khi nhận được yêu cầu giám định của cơ quan, đơn vị,
tổ chức kinh tế, xã hội.
3. Trường hợp chưa có sự thống
nhất về kết quả giám định tiền thật, tiền giả thì kết luận giám định của Ngân
hàng Nhà nước có giá trị thực hiện.
Điều 7. Xử
lý tiền bị thu giữ, tạm thu giữ
Khi nhận được văn bản kết luận của
cơ quan có thẩm quyền về giám định tiền Việt Nam, cơ quan, tổ chức thu giữ tiền
giả, tạm thu giữ tiền nghi giả theo khoản 5 Điều 4 Quyết định này phải hoàn trả
ngay cho tổ chức, cá nhân có tiền đối với số tiền được xác định không phải là
tiền giả hoặc thực hiện việc thu giữ nếu xác định là tiền giả và thông báo bằng
văn bản cho tổ chức, cá nhân có tiền.
Điều 8. Thu hồi và tiêu hủy
tiền giả, tiền bị phá hoại
1. Ngoài số tiền giả, tiền bị
phá hoại sử dụng làm tư liệu hay đang trong quá trình điều tra, xét xử theo quy
định của pháp luật, cơ quan công an, bộ đội biên phòng, hải quan giao nộp toàn
bộ tiền giả, tiền bị phá hoại đã thu giữ cho Ngân hàng Nhà nước.
2. Bộ Công an,
Ngân hàng Nhà nước được giữ lại một số tiền giả, tiền bị hủy hoại làm tư liệu
nghiên cứu; Bộ trưởng Bộ Công an, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định số lượng,
chủng loại và quy định việc quản lý, sử dụng số tư liệu này của mỗi Bộ, cơ quan
mình.
3. Ngân hàng
Nhà nước tổ chức thu nhận, tiêu hủy tiền giả, tiền bị phá hoại. Việc tiêu hủy
tiền giả, tiền bị phá hoại thực hiện theo quy định như đối với tiền không đủ
tiêu chuẩn lưu thông.
Điều 9.
Trách nhiệm của các Bộ, ngành
1. Bộ Công an chịu trách nhiệm
chính, toàn diện trong công tác đấu tranh phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt
Nam.
2. Bộ Công an chủ trì, phối hợp
với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính hướng dẫn và chỉ đạo các
đơn vị liên quan trong việc xử lý các trường hợp tiền giả, tiền nghi giả, tiền
nghi bị hủy hoại và trong công tác đấu tranh phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền
Việt Nam.
3. Ngân hàng Nhà nước có trách
nhiệm bảo đảm đồng tiền trong lưu thông bền, đẹp, có khả năng chống giả cao,
thuận tiện trong quản lý, sử dụng và hướng dẫn các biện pháp bảo quản phù hợp với
chất liệu đồng tiền nhằm làm tăng thời gian sử dụng của đồng tiền trong lưu
thông.
Điều 10.
Báo cáo, khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Ngân hàng
Nhà nước, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ về
công tác bảo vệ tiền Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà
nước của Bộ, cơ quan.
2. Việc khen
thưởng cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác đấu tranh
phòng, chống tiền giả, bảo vệ tiền Việt Nam do các Bộ, cơ quan nêu tại khoản 1
Điều này xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật. Trường hợp các đơn vị,
tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc, các Bộ, cơ quan có liên quan trình Thủ
tướng Chính phủ khen thưởng.
3. Tổ chức,
cá nhân vi phạm Quyết định này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý
theo quy định của pháp luật.
Điều 11. Hiệu
lực, trách nhiệm thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực
sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ
quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.