Quyết định 13/2010/QĐ-UBND quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Chi cục Kiểm lâm trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn do Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ ban hành
Số hiệu | 13/2010/QĐ-UBND |
Ngày ban hành | 04/02/2010 |
Ngày có hiệu lực | 14/02/2010 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Thành phố Cần Thơ |
Người ký | Trần Thanh Mẫn |
Lĩnh vực | Bộ máy hành chính |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 13/2010/QĐ-UBND |
Cần Thơ, ngày 04 tháng 02 năm 2010 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CHI CỤC KIỂM LÂM TRỰC THUỘC SỞ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng
11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 119/2006/NĐ-CP ngày 16 tháng 10 năm 2006 của Chính phủ về
tổ chức và hoạt động của kiểm lâm;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 22/2007/TTLT-BNN-BNV ngày 27 tháng 3 năm 2007 của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ hướng dẫn về nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của kiểm lâm ở địa phương;
Căn cứ Quyết định số 72/2008/QĐ-UBND ngày 26 tháng 8 năm 2008 của Ủy ban nhân
dân thành phố về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức
của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở
Nội vụ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí chức năng
Chi cục Kiểm lâm là cơ quan trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, có chức năng tham mưu giúp Giám đốc Sở thực hiện công tác quản lý nhà nước về lâm sản, tổ chức các hoạt động thanh tra, kiểm tra chuyên ngành các hoạt động nuôi trồng động vật, thực vật tại địa phương theo quy định của pháp luật.
Chi cục Kiểm lâm có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, chịu sự chỉ đạo, quản lý về tổ chức, biên chế và công tác của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ của Cục Kiểm lâm thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Tham mưu cho cấp có thẩm quyền về kế hoạch, biện pháp chỉ đạo về bảo vệ, phát triển, quản lý lâm sản ở địa phương:
a) Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành về bảo vệ, quản lý lâm sản trên địa bàn theo quy định của pháp luật;
b) Xây dựng quy hoạch, kế hoạch dài hạn, năm năm, hàng năm về trồng cây phân tán, bảo vệ và quản lý lâm sản; phương án, dự án phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý bảo vệ, khai thác và sử dụng lâm sản ở địa phương;
c) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện pháp luật, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, chế độ, chính sách sau khi được ban hành; hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ về bảo vệ, quản lý lâm sản ở địa phương;
d) Đề xuất với cấp có thẩm quyền quyết định những chủ trương, biện pháp cần thiết thực hiện pháp luật, chính sách, chế độ bảo vệ, quản lý lâm sản ở địa phương;
đ) Tổ chức thực hiện công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và vận động nhân dân tham gia quản lý, bảo vệ, phát triển và trồng cây phân tán, nuôi trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm (sau đây gọi tắt là loài động vật, thực vật hoang dã).
2. Công tác bảo vệ đất lâm nghiệp ở địa phương:
a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện các biện pháp chống các hành vi trái pháp luật xâm hại đất lâm nghiệp;
b) Thống kê, kiểm kê đất lâm nghiệp, thực hiện dự báo nguy cơ xâm hại đất lâm nghiệp;
c) Kiểm tra, hướng dẫn các cấp, các ngành trong việc thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về đất lâm nghiệp trên địa bàn.
3. Công tác bảo vệ và phát triển lâm sản:
a) Tổ chức việc bình tuyển và công nhận cây mẹ, cây đầu dòng, quản lý bảo tồn khai thác theo quy định pháp luật trên địa bàn thành phố. Xây dựng phương án, biện pháp, chỉ đạo, kiểm tra và chịu trách nhiệm về sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp và sử dụng vật tư, phòng chống dịch bệnh gây hại;
b) Hướng dẫn đăng ký và quản lý các trại nuôi sinh sản và cơ sở trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã trên địa bàn thành phố quản lý;
c) Hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng và phòng chống dịch bệnh, xây dựng các mô hình: nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã an toàn, đúng quy định của nhà nước, bảo vệ môi trường; quản lý ngành nghề chế biến lâm sản.
4. Công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động nuôi trồng các loài động vật, thực vật; chế biến, vận chuyển lâm sản:
a) Thẩm định điều kiện và cấp giấy chứng nhận nguồn gốc động vật, thực vật hoang dã do nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo;
b) Cấp giấy phép vận chuyển (kể cả Giấy phép vận chuyển đặc biệt) theo mẫu thống nhất đối với động vật hoang dã đã có nguồn gốc nuôi sinh sản tại các trại trên địa bàn thành phố quản lý;
c) Kiểm soát các loại lâm sản lưu thông trên các đường giao thông (đường bộ, đường thủy). Kiểm tra tình hình chế biến lâm sản trong phạm vi địa bàn được phân công;
d) Thanh tra, kiểm tra việc nuôi động vật hoang dã, vận chuyển, chế biến, kinh doanh lâm sản, động vật hoang dã trên địa bàn thành phố; xử lý hoặc trình cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý lâm sản theo quy định của pháp luật;