Quyết định 13/2009/QĐ-UBND về Quy định công nhận làng nghề Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hải Dương

Số hiệu 13/2009/QĐ-UBND
Ngày ban hành 13/05/2009
Ngày có hiệu lực 23/05/2009
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hải Dương
Người ký Nguyễn Thị Minh
Lĩnh vực Doanh nghiệp,Thương mại

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẢI DƯƠNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 13/2009/QĐ-UBND

Hải Dương, ngày 13 tháng 05 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CÔNG NHẬN LÀNG NGHỀ CÔNG NGHIỆP-TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH HẢI DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định 66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn;

Xét đề nghị của Giám đốc sở Công Thương tại tờ trình số: 17/TT-SCT ngày 13 tháng 4 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định về việc công nhận làng nghề Công nghiệp-Tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hải Dương"

Điều 2. Giao Sở Công Thương chủ trì phối hợp với các sở, ngành có liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố phổ biến, tuyên truyền và tổ chức triển khai thực hiện Quy định này.

Điều 3. Quyết định này thay thế Quyết định số: 3798/2003/QĐ-UB ngày 18 tháng 9 năm 2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương về việc Ban hành Quy định (tạm thời) về tiêu chuẩn làng nghề Công nghiệp tiểu thủ công nghiệp tỉnh Hải Dương và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc sở Công Thương, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Minh

 

QUY ĐỊNH

V/V CÔNG NHẬN LÀNG NGHỀ CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP TỈNH HẢI DƯƠNG
(Ban hành theo Quyết định số:13/2009/QĐ-UBND ngày 13 tháng 5 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Quyết định này quy định một số nội dung về tiêu chuẩn, trình tự xét duyệt công nhận làng nghề, quyền lợi và trách nhiệm của các làng nghề công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh.

2. Đối tượng áp dụng: Quy định này áp dụng đối với các tổ chức cá nhân hộ gia đình trong và ngoài tỉnh đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, dịch vụ ngành nghề, phát triển công nghiệp nông thôn và làng nghề trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Làng nghề công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (gọi tắt là làng nghề) là làng (thôn, khu dân cư) có ngành nghề sản xuất công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp (CN - TTCN) phát triển ở các hộ gia đình trở thành nguồn thu nhập cao của người dân trong làng;

2. Làng nghề truyền thống là làng nghề đã hình thành trên 30 năm, sản phẩm có tính riêng biệt, mang tính đặc thù của địa phương, có giá trị văn hóa cao;

3. Làng nghề cổ truyền là làng nghề truyền thống có lịch sử hình thành và phát triển trên 100 năm, sản phẩm mang bản sắc văn hóa của địa phương.

Điều 3. Mục đích, yêu cầu của việc phát triển làng nghề

1. Việc công nhận làng nghề nhằm khuyến khích các tổ chức và cá nhân tham gia xây dựng, phát triển ngành nghề nông thôn, khôi phục làng nghề truyền thống, du nhập nghề mới sản xuất CN - TTCN trên địa bàn tỉnh, góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn, tăng cường công tác quản lý nhà nước về CN - TTCN trên địa bàn tỉnh.

[...]