Thứ 2, Ngày 28/10/2024

Quyết định 13/2002/QĐ-BNN về tiêu chuẩn: Quy trình sơ hoạ diễn biến lòng sông do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 13/2002/QĐ-BNN
Ngày ban hành 26/02/2002
Ngày có hiệu lực 13/03/2002
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Nguyễn Đình Thịnh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 13/2002/QĐ-BNN

Hà Nội, ngày 26 tháng 02 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH TIÊU CHUẨN: QUY TRÌNH SƠ HOẠ DIỄN BIẾN LÒNG SÔNG

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ nghị định số 73 CP ngày 1/11/1995 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn;
Căn cứ vào pháp lệnh chất lượng hàng hoá ngày 24 tháng 12 năm 1999;
Căn cứ vào quy chế lập, xét duyệt và ban hành tiêu chuẩn ngành ban hành kèm theo quyết định số 135/1999-QĐ-BNN-KHCN ngày 01 tháng 10 năm 1999;
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng vụ Khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này tiêu chuẩn ngành: 14TCN 23-2002 - Quy trình sơ hoạ diễn biến lòng sông.

Điều 2. Tiêu chuẩn này thay cho tiêu chuẩn QPTL.B.8.77 (14 TCN 23-85) - Quy trình sơ hoạ diễn biến dòng sông ban hành theo quyết định số 205 KT/QĐ ngày 20/12/1977 của Bộ trưởng Bộ Thuỷ lợi

Điều 3. Các ông Chánh văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ khoa học công nghệ và chất lượng sản phẩm, Cục trưởng Cục Phòng chống lụt bão và QLĐĐ và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
THỨ TRƯỞNG




Nguyễn Đình Thịnh

 

 

Nhóm B

TIÊU CHUẨN NGÀNH

14 TCN 23 - 2002

 

QUI TRÌNH SƠ HOẠ DIỄN BIẾN LÒNG SÔNG

Instruction on preliminary plant of river changes

 

1.1. Qui trình này qui định nội dung, trình tự và phương pháp thực hiện sơ họa diễn biến lòng sông cho các sông có đê từ cấp III trở lên. Đối với các sông có đê từ cấp IV trở xuống và các sông không có đê có thể tham khảo, áp dụng quy trình này.

1.2. Các Đội quản lý đê hoặc các đơn vị, cá nhân được Cục PCLB&QLĐĐ và Sở Nông nghiệp và PTNT giao làm công tác sơ hoạ diễn biến lòng sông phải quan trắc và sơ hoạ diễn biến lòng sông theo đúng qui trình này.

1.3. Các đơn vị, cá nhân làm công tác sơ hoạ ở đoạn bờ sông liền nhau, hoặc ở bờ sông phía đối diện phải phối hợp, thống nhất các mặt cắt đo đạc, tuyến đo và thời gian để đảm bảo chất lượng việc nối, ghép tài liệu trên toàn đoạn sông.

 Các đơn vị, cá nhân làm công tác sơ hoạ cần phải sơ hoạ diễn biến lòng sông mở rộng ngoài phạm vi được giao về phía thượng, hạ lưu và bờ đối diện 500m.

1.4. Các đơn vị, cá nhân làm công tác sơ hoạ diễn biến lòng sông phải chuyển tài liệu sơ hoạ đã được chỉnh lý về Sở Nông nghiệp và PTNT vào tháng 4 và tháng 12 hàng năm để tổng hợp theo từng đoạn sông.

 Sở Nông nghiệp và PTNT phải gửi các bản sơ hoạ tổng hợp diễn biến lòng sông về Cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều vào tháng 12 hàng năm.

1.5. Cục Phòng chống lụt bão và Quản lý đê điều phải tổng hợp tài liệu sơ hoạ theo từng tuyến sông; Phân tích, đánh giá, nhận xét và kết luận cần thiết phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ đê điều, phòng chống lũ lụt và chỉnh trị sông; Công việc này cần được hoàn thành vào tháng 3 năm sau.

2.1. Yêu cầu sơ hoạ diễn biến lòng sông: phải ghi lại được sự thay đổi lòng dẫn, gồm:

Sự thay đổi các bãi bồi trong lòng sông;

Tình hình xói lở bờ sông;

Dòng chủ lưu mùa lũ, mùa nước trung và mùa kiệt.

2.2. Nội dung sơ họa.

[...]