Chủ nhật, Ngày 27/10/2024

Quyết định 1297/QĐ-UBND năm 2011 về cơ chế huy động và hỗ trợ nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh

Số hiệu 1297/QĐ-UBND
Ngày ban hành 22/04/2011
Ngày có hiệu lực 22/04/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Hà Tĩnh
Người ký Võ Kim Cự
Lĩnh vực Tài chính nhà nước,Xây dựng - Đô thị

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1297/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 22 tháng 04 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH TẠM THỜI CƠ CHẾ HUY ĐỘNG VÀ HỖ TRỢ NGUỒN VỐN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI TỈNH HÀ TĨNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới;

Căn cứ Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại văn bản số 1164/SNN ngày 22/4/2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành cơ chế huy động và hỗ trợ nguồn vốn thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Hà Tĩnh như sau:

I. Cơ chế huy động:

Xã hội hóa các nguồn lực để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới có hiệu quả thiết thực.

1. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn của các chương trình mục tiêu quốc gia; các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn, bao gồm:

- Vốn từ các chương trình mục tiêu quốc gia, các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu đang triển khai trên địa bàn nông thôn như: Chương trình giảm nghèo; Chương trình quốc gia về việc làm; Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình phòng, chống tội phạm; Chương trình dân số và kế hoạch hóa gia đình; Chương trình phòng, chống một số bệnh xã hội, bệnh nguy hiểm và HIV/AIDS; Chương trình thích ứng biến đổi khí hậu; Chương trình về văn hóa; Chương trình giáo dục đào tạo; Chương trình 135; Chương trình 106; Hỗ trợ đầu tư trụ sở xã; Chương trình khuyến nông, ngư và khuyến công; Hỗ trợ khám chữa bệnh cho người nghèo, cho trẻ em dưới 6 tuổi...; Đầu tư kiên cố hóa trường, lớp học; kiên cố hóa kênh mương; phát triển đường giao thông nông thôn; phát triển cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản, làng nghề…;

- Vốn ngân sách hỗ trợ trực tiếp của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của Chính phủ hàng năm phân bổ cho địa phương.

2. Huy động tối đa nguồn lực của các cấp địa phương để tổ chức triển khai Chương trình. Đối với nguồn thu từ thuế cấp quyền sử dụng đất trên địa bàn cấp xã được hưởng theo tỷ lệ quy định tại Quyết định số 29/2010-QĐ/UBND ngày 29/12/2010 của UBND tỉnh về quy định phân cấp nguồn thu giữa các cấp ngân sách, ưu tiên cho đầu tư thực hiện, các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

3. Huy động vốn đầu tư của doanh nghiệp vào nông thôn, góp phần thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; doanh nghiệp được vay vốn tín dụng ưu đãi của Nhà nước và được hưởng ưu đãi sau đầu tư theo quy định của pháp luật và của tỉnh.

4. Các khoản đóng góp theo nguyên tắc tự nguyện của nhân dân trong xã cho từng dự án cụ thể (thực hiện theo Hướng dẫn số 408/STC-NSHX ngày 21/3/2011 của Sở Tài chính).

5. Các khoản viện trợ không hoàn lại của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

6. Sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn tín dụng:

- Vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước được trung ương phân bổ cho tỉnh theo Chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản và cơ sở hạ tầng làng nghề ở nông thôn và theo danh mục quy định tại Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19/9/2008 của Chính phủ;

- Vốn tín dụng thương mại theo quy định tại Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ nông nghiệp, nông thôn.

7. Huy động các nguồn lực hợp pháp khác.

II. Cơ chế hỗ trợ:

1. Đối với công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới: ngân sách trung ương và tỉnh hỗ trợ mỗi xã thuộc diện đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135, Chương trình 106, bình quân 240 triệu đồng/xã, các xã còn lại bình quân 200 triệu đồng/xã; phần còn thiếu giao ngân sách huyện, xã cân đối. Ủy ban nhân dân cấp huyện căn cứ quy mô diện tích, dân số của từng xã theo định mức dự toán kinh phí lập quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại Công văn số 702/UBND-NL1 ngày 11/3/2011 của UBND tỉnh để điều chỉnh mức hỗ trợ phù hợp.

2. Đối với các công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng phục vụ sản xuất và các hạng mục khác:

- Hỗ trợ 100% kinh phí ngân sách trung ương cho các nội dung: làm đường giao thông đến trung tâm xã; xây dựng trụ sở xã; trường học; trạm y tế xã; nhà văn hóa xã đạt chuẩn; kinh phí cho công tác đào tạo kiến thức về xây dựng nông thôn mới cho cán bộ xã, cán bộ thôn, bản, cán bộ hợp tác xã. Đối với các xã có Chương trình mục tiêu quốc gia đang được thụ hưởng theo các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ thì được ưu tiên nguồn vốn để thực hiện các hạng mục theo quy định của Chương trình; đối với các xã không thuộc đối tượng của các Chương trình mục tiêu quốc gia thì được ưu tiên các nguồn vốn từ Chương trình có mục tiêu khác và các nguồn vốn khác thuộc ngân sách trung ương, ngân sách tỉnh để thực hiện.

- Hỗ trợ một phần từ ngân sách trung ương và tỉnh cho xây dựng các công trình cấp nước sinh hoạt; thoát nước thải khu dân cư; đường giao thông trục thôn (xóm); ngõ xóm; đường trục chính nội đồng, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, nhà văn hóa thôn, bản, công trình thể thao thôn, bản; hạ tầng các khu sản xuất tập trung, tiểu thủ công nghiệp, thủy sản; hỗ trợ phát triển sản xuất (giống mới, tiến bộ khoa học công nghệ mới, cơ giới hóa, chế biến sau thu hoạch), dịch vụ, hỗ trợ thành lập mới HTX, trang trại, doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Hàng năm, căn cứ vào nguồn ngân sách trung ương, của tỉnh phân bổ cho Chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tỉnh sẽ phân bổ kinh phí xây dựng nông thôn mới cho các xã thông qua ngân sách cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp huyện phân bổ vốn có mục tiêu cho các xã. Cấp huyện, xã tổ chức huy động và thực hiện với phương châm: Vốn hỗ trợ của ngân sách trung ương, tỉnh tối đa không quá 30% so với giá trị công trình, dự án, mô hình hoàn thành, 70% còn lại huy động từ ngân sách huyện, xã, sức dân và cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân hảo tâm và các nguồn hợp pháp khác. Những năm trước mắt, ưu tiên cho các công trình, mô hình hạ tầng phục vụ sản xuất, hạ tầng thiết yếu và ưu tiên nguồn lực cho 12 xã hoàn thành 19 tiêu chí vào năm 2013 và 35 xã hoàn thành 19 tiêu chí vào năm 2015.

[...]