Quyết định 1282/QĐ-UBND năm 2011 phê duyệt Đề án "Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2011 - 2015"

Số hiệu 1282/QĐ-UBND
Ngày ban hành 04/07/2011
Ngày có hiệu lực 04/07/2011
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Trị
Người ký Nguyễn Đức Chính
Lĩnh vực Lao động - Tiền lương

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG TRỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1282/QĐ-UBND

Quảng Trị, ngày 04 tháng 7 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “HỖ TRỢ PHỤ NỮ HỌC NGHỀ, TẠO VIỆC LÀM” TỈNH QUẢNG TRỊ, GIAI ĐOẠN 2011 - 2015”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 295/QĐ-TTg ngày 26 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm, giai đoạn 2011 - 2015”;

Xét đề nghị của Ban Chỉ đạo thực hiện một số Đề án Vì sự phát triển của phụ nữ tỉnh, giai đoạn 2010 - 2015 tại Tờ trình số 71/TTr-BCĐ ngày 05 tháng 5 năm 2011, kèm theo Đề án số 02/ĐA-BCĐ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” tỉnh Quảng Trị, giai đoạn 2011 - 2015 với những nội dung chính sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Giải quyết việc làm, ổn định đời sống cho người lao động, kết hợp đào tạo nghề nâng cao chất lượng lao động phù hợp với thị trường lao động; tăng cường công tác đào tạo nghề cho phụ nữ, góp phần đảm bảo quyền được học nghề và có việc làm của phụ nữ theo quy định của pháp luật; tăng tỷ lệ lao động nữ được đào tạo nghề và nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh của lao động nữ; tạo cơ hội để phụ nữ có thể tìm kiếm việc làm có thu nhập ổn định, giúp xóa đói, giảm nghèo và nâng cao vị thế cho phụ nữ; đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế.

2. Mục tiêu cụ thể

- Hàng năm, 70% trở lên lao động nữ được tuyên truyền, phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về dạy nghề và việc làm;

- Hàng năm, phối hợp với các cơ sở dạy nghề và Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh thực hiện tư vấn, đào tạo nghề cho trên 3.500 lao động nữ; tạo việc làm mới cho trên 4.500 lao động nữ;

- Tỷ lệ lao động nữ qua đào tạo nghề đến năm 2015 đạt từ 50% trở lên/tổng số lao động được đào tạo; tỷ lệ lao động nữ có việc làm sau khi học nghề tối thiểu đạt 50%.

II. NỘI DUNG, ĐỐI TƯỢNG CỦA ĐỀ ÁN

1. Nội dung

- Lĩnh vực dạy nghề: Tập trung vào các nghề thị trường lao động đang có nhu cầu lớn, nghề có khả năng tạo thu nhập cao, ổn định và phù hợp với đặc điểm sức khỏe, tâm lý của phụ nữ; mở rộng đào tạo các nghề mới thu hút nhiều lao động nữ;

- Trình độ dạy nghề: Trung cấp nghề, sơ cấp nghề và dạy nghề dưới ba tháng;

- Phương thức dạy nghề được thực hiện đa dạng, linh hoạt: Dạy nghề chính quy tại các cơ sở dạy nghề; dạy nghề lưu động tại các làng, xã, thôn, bản; dạy nghề tại nơi sản xuất, vườn, ao, chuồng, trang trại, các vùng trồng cây nguyên liệu, chuyên canh…

- Cơ sở dạy nghề: Huy động tất cả các cơ sở đào tạo của địa phương, tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ khác có đăng ký hoạt động dạy nghề…

2. Đối tượng

Phụ nữ trong độ tuổi lao động, ưu tiên dạy nghề cho các đối tượng thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người trong diện thu hồi đất canh tác, phụ nữ bị mất việc làm trong các doanh nghiệp.

III. CHÍNH SÁCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Chính sách đối với người học

- Lao động nữ thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi, người có công với cách mạng, hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật, người bị thu hồi đất canh tác, lao động nữ bị mất việc làm trong các doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới ba tháng) với mức tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế); hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học/người; hỗ trợ tiền đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khóa học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên;

- Lao động nữ (cả nông thôn và thành thị) thuộc diện hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới ba tháng) với mức tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế);

- Lao động nữ khác được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới ba tháng) với mức tối đa 02 triệu đồng/người/khóa học (mức hỗ trợ cụ thể theo từng nghề và thời gian học nghề thực tế);

[...]