Quyết định 1277/2005/QĐ-TTg phê duyệt Đề án: "Nội dung, nhiệm vụ chủ yếu của quản lý nhà nước và phương thức công tác dân tộc giai đoạn 2006-2010" do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Số hiệu 1277/2005/QĐ-TTg
Ngày ban hành 07/12/2005
Ngày có hiệu lực 07/12/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Thủ tướng Chính phủ
Người ký Vũ Khoan
Lĩnh vực Lĩnh vực khác

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1277/2005/QĐ-TTG

Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2005 


 QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN: “NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ PHƯƠNG THỨC CÔNG TÁC DÂN TỘC GIAI ĐOẠN 2006 - 2010” 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa IX về công tác dân tộc;
Căn cứ Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc;
Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc,

QUYẾT ĐỊNH:  

Điều 1. Phê duyệt Đề án: “Nội dung, nhiệm vụ chủ yếu của quản lý nhà nước và phương thức công tác dân tộc giai đoạn 2006-2010” kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

Ủy ban dân tộc chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thực hiện Đề án “Nội dung, nhiệm vụ chủ yếu của quản lý nhà nước và phương thức công tác dân tộc giai đoạn 2006-2010”.

Hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo tình hình thực hiện Đề án: “Nội dung, nhiệm vụ chủ yếu của quản lý nhà nước và phương thức công tác dân tộc giai đoạn 2006-2010” của Bộ, cơ quan, địa phương mình về Ủy ban Dân tộc để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Vũ Khoan

ĐỀ ÁN

NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CHỦ YẾU CỦA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VÀ PHƯƠNG THỨC CÔNG TÁC DÂN TỘC GIAI ĐOẠN 2006-2010
(Ban hành theo Quyết định số 1277/2005/QĐ-TTg ngày 07 tháng 12 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ)

I. SỰ CẦN THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

Việt Nam là quốc gia thống nhất gồm nhiều dân tộc cùng sinh sống, đoàn kết, gắn bó với nhau trong quá trình dựng nước và giữ nước. Các dân tộc thiểu số nước ta cư trú trên địa bàn rộng lớn, có vị trí đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, an ninh, quốc phòng và môi trường sinh thái. Mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng, tạo nên sự đa dạng trong tính thống nhất của văn hóa Việt Nam.

Từ khi ra đời đến nay, Đảng và Nhà nước ta luôn xác định “vấn đề dân tộc, đoàn kết các dân tộc” có vị trí quan trọng chính sách đại đoàn kết toàn dân tộc, đã đề ra nhều chủ trương, chính sách với nội dung cơ bản là: bình đẳng, đoàn kết, tương trợ giúp nhau cùng phát triển, nhờ đó công tác dân tộc đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước.

Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng từ năm 1986 đến nay, vùng dân tộc thiểu số đã có những bước phát triển, đạt được những thành tựu to lớn, tương đối toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội; quyền bình đẳng giữa các dân tộc được thực hiện đầy đủ, toàn diện hơn; đoàn kết giữa các dân tộc tiếp tục được tăng cường; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được chú trọng đầu tư; kinh tế phát triển theo hướng nhiều thành phần và sản xuất hàng hóa; sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa… có tiến bộ; văn hóa truyền thống của các dân tộc được tôn trọng và phát huy; đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào từng bước được cải thiện, nâng cao; an ninh chính trị và trật tư an toàn xã hội được giữ vững.

Cùng với quá trình đổi mới đất nước, quản lý nhà nước vễ lĩnh vực công tác dân tộc đã đạt được một số kết quả quan trọng: công tác quy hoạch, kế hoạch, phân vùng phát triển kinh tế - xã hội được tăng cường và đổi mới; năng lực quản lý của cơ quan công tác dân tộc được nân lên rõ rệt, tổ chức bộ phận máy cơ quan công tác dân tộc từ trung ương đến địa phương từng bước được kiện toàn, củng cố; công tác đào tạo đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc được quan tâm hơn trước; sự phối hợp giữa Ủy ban Dân tộc với các Bộ, ban, ngành Trung ương và các địa phương ngày càng chặt chẽ.

Tuy nhiên, công tác dân tộc còn một số hạn chế và yếu kém như: công tác dân tộc chưa được các cấp, các ngành nhận thức sâu sắc và đầy đủ; bộ máy cơ quan công tác dân tộc không ổn định về cơ cấu tổ chức; nội dung quản lý nhà nước và phương thức công tác dân tộc chưa được xác định cụ thể, rõ ràng; chính sách dân tộc còn thiếu toàn diện; đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc chưa được đào tạo về nghiệp vụ công tác dân tộc; chưa phân cấp rõ ràng trong quản lý nhà nước giữa các cấp về công tác dân tộc; chưa có chính sách động viên, khuyến khích cán bộ công tác lâu dài ở vùng dân tộc thiểu số khó khăn, cơ quan công tác dân tộc chưa chủ động và phối hợp với các cơ quan Đảng và Nhà nước trong xây dựng, hoạch định chính sách dân tộc; có nhiều chính sách, chương trình, dự án, nhưng cònnhiều chồng chéo; hoạt động nghiên cứu khoa học, hoạt động tuyên truyền phục vụ quản lý nhà nước và hoạch định chính sách dân tộc còn nhiều hạn chế; công tác tổng kết thực tiễn chưa được coi trọng.

Để khắc phục những hạn chế trên và triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX việc xây dựng Đề án: “Nội dung, nhiệm vụ chủ yếu của quản lý nhà nước và phương thức công tác dân tộc giai đoạn 2006 - 2010” là rất cần thiết.

II. MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU

1. Mục tiêu

Đề án “Nội dung, nhiệm vụ chủ yếu của quản lý nhà nước và phương thức công tác dân tộc giai đoạn từ năm 2006 - 2010” nhằm thực hiện các nội dung công tác dân tộc có tính trọng yếu, đáp ứng yêu cầu bức thiết vì sự đoàn kết, bình đẳng, tương trợ, ổn định, tiến bộ và phát triển của các dân tộc thiểu số trong 5 năm (2006 - 2010) trong công tác dân tộc của Đảng và Nhà nước; đồng thời, nhằm khắc phục những hạn chế, yếu kém của công tác dân tộc thời gian qua, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ công tác dân tộc từ nay đến năm 2010 nêu trong Nghị quyết số 24/NQ-TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc.

2. Yêu cầu

- Bán sát mục tiêu của Đề án để xây dựng, cụ thể hóa từng nội dung, nhiệm vụ chủ yếu của quản lý nhà nước và phương thức công tác dân tộc;

- Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị và sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị trong triển khai thực hiện các nội dung của Đề án;

- Tăng cường kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị được phân công thực hiện các nội dung, nhiệm vụ nêu trong Đề án bảo đảm đúng tiến độ và có chất lượng cao.

[...]