Quyết định 1270/QĐ-UBND năm 2014 về Kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2014 - 2018

Số hiệu 1270/QĐ-UBND
Ngày ban hành 20/05/2014
Ngày có hiệu lực 20/05/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Quảng Bình
Người ký Trần Văn Tuân
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1270/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 20 tháng 05 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2014 - 2018

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh Thú y ngày 29 tháng 4 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y;

Căn cứ Quyết định số 438/QĐ-BNN-TY ngày 13 tháng 3 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Kế hoạch Quốc gia phòng chống dịch cúm gia cầm giai đoạn 2014 - 2018;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 470/TTr-SNN-TY ngày 02 tháng 4 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch phòng chống dịch cúm gia cầm tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2014 - 2018.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công Thương, Tài chính, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; Chi cục trưởng Chi cục Thú y; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./. 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Tuân

KẾ HOẠCH

PHÒNG CHỐNG DỊCH CÚM GIA CẦM TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2014 - 2018
(ban hành kèm theo Quyết định số 1270/QĐ-UBND ngày 20 tháng 5 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Từng bước kiểm soát, khống chế không để dịch lây lan trên diện rộng, chủ động xây dựng vùng an toàn dịch cúm gia cầm, tạo nền tảng để chuyển sang giai đoạn thanh toán cúm gia cầm độc lực cao trên địa bàn tỉnh từ sau năm 2018.

2. Mục tiêu cụ thể

Tập trung khống chế số lượng ổ dịch ở vùng nguy cơ cao tại các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Bố Trạch, Quảng Trạch (đang trong giai đoạn khống chế), đến năm 2015 có 80% số xã, phường, thị trấn chuyển sang vùng nguy cơ thấp, năm 2018 cả tỉnh có 100% số xã, phường, thị trấn chuyển sang vùng nguy cơ thấp. Các xã đồng bằng, vùng chăn nuôi gia cầm mật độ lớn sẽ sạch bệnh cúm gia cầm H5N1 vào năm 2018.

II. NHIỆM VỤ VÀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1. Giải pháp về hành chính

- Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch cúm gia cầm tỉnh (Ban Chỉ đạo tỉnh) chỉ đạo việc triển khai đồng bộ các biện pháp ứng phó với cúm trên gia cầm trên địa bàn; thường xuyên báo cáo cập nhật thông tin về cúm A/H5N1, A/H7N9 cho Ban Chỉ đạo Quốc gia Phòng chống dịch cúm gia cầm, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và đề xuất các biện pháp khẩn cấp phòng chống dịch trong trường hợp cần thiết. Các sở, ngành, thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Ban Chỉ đạo tỉnh định kỳ tổ chức họp với ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm các huyện, thành phố, thị xã.

- Trên cơ sở Kế hoạch này, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã xây dựng, phê duyệt và tổ chức thực hiện Kế hoạch phòng, chống dịch cúm gia cầm của địa phương với các hoạt động cụ thể. Huy động toàn hệ thống chính trị của địa phương cùng tham gia phòng chống dịch.

2. Giải pháp về kỹ thuật

- Tiêm phòng vacxin cúm gia cầm là biện pháp tạo miễn dịch chủ động trên gia cầm nhằm bao vây, khống chế, dập tắt dịch kịp thời. Hàng năm chính quyền các cấp cần chủ động triển khai chỉ đạo thực hiện tiêm phòng vacxin H5N1 theo kế hoạch đạt 80% trong tổng đàn đồng thời kiểm soát những đàn gia cầm chưa tiêm, đàn gia cầm nuôi mới để triển khai tiêm bổ sung, ưu tiên những vùng có nguy cơ cao, ổ dịch cũ.

- Tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng môi trường chăn nuôi, ổ dịch cũ, chợ buôn bán gia cầm, khu vực cửa khẩu, đường mòn, lối mở, phương tiện vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm.

[...]