BỘ GIAO THÔNG VẬN
TẢI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1254/QĐ-BGTVT
|
Hà Nội, ngày 28
tháng 09 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN ĐỘI TÀU VẬN TẢI BIỂN CỦA
VIỆT NAM
BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
Căn cứ Nghị định số
12/2017/NĐ-CP ngày 10/02/2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền
hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị quyết số
36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng
khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030,
tầm nhìn đến năm 2045;
Căn cứ Nghị quyết số
26/NQ-CP ngày 05/3/2020 của Chính phủ ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5
năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị
lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền
vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo tiền đề cho
phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, phục vụ sự nghiệp
công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;
Căn cứ Nghị quyết số
63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ ban hành về các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giải ngân vốn đầu tư công và xuất khẩu bền vững
những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022;
Căn cứ Chỉ thị số 31/CT-TTg
ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đổi mới và tăng cường tổ chức thực
hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm
nhìn đến năm 2045;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ
Vận tải và Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt Đề án Phát triển đội tàu vận tải biển của
Việt Nam (sau đây gọi tắt là Đề án) với các nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM
Quán triệt chủ trương, chính
sách lớn của Đảng và Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện thể chế, trọng tâm là hệ
thống pháp luật.
Phát huy tối đa tiềm năng, lợi
thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên của đất nước, đặc biệt là tiềm năng
biển để phát triển vận tải biển một cách đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm với
những bước đi thích hợp, góp phần thực hiện những mục tiêu tại Nghị quyết số
36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ tám Ban chấp hành trung ương Đảng
khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030,
tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 26/NQ-CP về Kế hoạch tổng thể và kế hoạch
5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội
nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển
bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Đẩy mạnh phát triển đội tàu vận
tải biển với cơ cấu hợp lý, phù hợp với xu thế phát triển mới của thế giới; chú
trọng phát triển đội tàu có hiệu quả khai thác cao phù hợp với trình độ, khả
năng của các doanh nghiệp Việt Nam; Nâng cao chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu
thị trường vận tải nội địa, gia tăng thị phần vận tải quốc tế.
Phát triển đội tàu chuyên dụng
container phù hợp, mở rộng mạng lưới để tăng thị phần vận chuyển khu vực Châu
Á, đặt nền móng vững chắc cho việc khai thác tuyến vận tải xa trong thời gian tới.
II. MỤC TIÊU
Đánh giá bức tranh toàn cảnh thực
trạng đội tàu vận tải biển hiện có của Việt Nam; đề xuất được loại tàu phù hợp
với tình hình thực tiễn của Việt Nam và quốc tế cần được phát triển trong thời
gian tới, cùng với các cơ chế chính sách cần thiết để xây dựng và phát triển đội
tàu này, nhằm đảm bảo thị phần vận tải nội địa và nâng cao năng lực vận tải quốc
tế, để từ đó góp phần giảm chi phí logistic và bảo đảm duy trì tính chủ động, ổn
định cho hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam khi có những yếu tố biến
động bất lợi của thị trường.
Tăng cường vai trò quản lý nhà
nước trong lĩnh vực vận tải biển; hoàn thiện các quy định thể chế pháp luật, tạo
khung pháp lý minh bạch, thông thoáng, ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách
thủ tục hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.
Tăng gấp đôi thị phần vận tải
hàng hóa xuất nhập khẩu qua cảng biển Việt Nam bằng đội tàu biển Việt Nam lên
10% vào năm 2026 và đạt 20% vào năm 2030.
III. GIẢI
PHÁP THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2022 - 2026
1. Đổi mới cơ chế và cải cách
thủ tục hành chính
a) Tiếp tục đẩy mạnh công tác cải
cách hành chính trong lĩnh vực vận tải biển, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công
nghệ vào giải quyết thủ tục hành chính;
b) Tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ
sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam về vận tải biển, tạo ra một
hành lang pháp lý ổn định, thuận lợi để hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động hiệu quả.
Trước mắt, tập trung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về mua bán, đăng ký
tàu biển và quản lý giá dịch vụ hàng hải và quản lý hoạt động vận tải container
của các hãng tàu nước ngoài tại Việt Nam;
c) Nghiên cứu xây dựng quy phạm
tàu biển ven bờ cho tàu biển vận tải hàng hóa chạy ven theo bờ biển của Việt
Nam và các nước trong khu vực nhằm tăng cường tính kết nối, giảm tải cho đường
bộ, nâng cao tính an toàn và hiệu quả khai thác bền vững đồng thời hướng tới kết
nối vận tải ven biển trong khu vực;
d) Sửa đổi quy định về việc cấp
phép cho tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam theo hướng Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải quyết định việc cho phép treo cờ quốc tịch Việt Nam đối với tàu biển vận tải
hàng container thuộc trường hợp đặc biệt nhưng không quá 17 tuổi;
đ) Cho phép các phương tiện vận
chuyển hàng container đóng mới có chân vịt mũi, chiều dài dưới 92m, kết nối cảng
biển với cảng thủy nội địa được miễn hoa tiêu hàng hải và tàu lai khi cập cầu;
e) Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về
biển, tham gia các công ước quốc tế, hiệp định vận tải song phương, đa phương;
Hỗ trợ về thủ tục pháp lý cho doanh nghiệp Việt Nam mở rộng đại lý ra nước
ngoài; Hoàn thiện Hiệp định vận tải ven biển với Trung Quốc, Thái Lan và
Campuchia;
g) Định kỳ hàng năm, Cục Hàng hải
Việt Nam tổ chức Diễn đàn vận tải biển Việt Nam và phát hành báo cáo thường
niên về vận tải biển Việt Nam với mục tiêu tạo môi trường đối thoại, cập nhật
thông tin, định hướng thông tin về những vấn đề quan trọng, cấp thiết về tình
hình vận tải biển trong nước và quốc tế;
h) Củng cố, nâng cao vai trò của
Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam, Hiệp hội Chủ hàng Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch
vụ Logistics Việt Nam để các Hiệp hội này có sức mạnh thực chất đại diện cho
các hội viên của mình, nâng cao vị thế, vai trò của mình và kết nối chặt chẽ giữa
các Hiệp hội với nhau, phát huy sức mạnh tập thể và hỗ trợ lẫn nhau;
i) Áp dụng hình thức chào hàng
cạnh tranh theo thông lệ quốc tế cho các doanh nghiệp khi mua tàu biển có sử dụng
vốn của nhà nước để phù hợp với thực tiễn hoạt động mua bán tàu biển.
2. Giải pháp về tài chính
a) Nhằm giảm gánh nặng tài
chính tại thời điểm đầu tư, cho phép không áp dụng thuế VAT khi nhập khẩu tàu
biển vận chuyển hàng hóa cho chủ tàu Việt Nam đến hết năm 2026;
b) Miễn thuế nhập khẩu và giảm
50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ 1.500 TEUs trở
lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG… và các tàu chở LNG;
c) Miễn thuế thu nhập cá nhân đối
với thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển hoạt động tuyến nội địa.
3. Bảo đảm an toàn hàng hải, an
ninh hàng hải, lao động hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường
Tiếp tục triển khai nội dung
các đề án, quy hoạch về an toàn, an ninh hàng hải đã được Bộ Giao thông vận tải
phê duyệt. Tiếp tục thực hiện các giải pháp hiệu quả để duy trì đội tàu biển Việt
Nam trong danh sách trắng của các Thỏa thuận về kiểm tra nhà nước cảng biển
Tokyo MOU, PARIS MOU…
4. Nâng cao chất lượng đội ngũ
thuyền viên
a) Tiếp tục triển khai chương
trình đào tạo thuyền viên theo đúng yêu cầu của Công ước STCW 78 sửa đổi 2010
và các Chương trình mẫu của IMO (IMO Model course);
b) Tăng cường phối hợp và gắn kết
giữa đơn vị sử dụng thuyền viên với các cơ sở đào tạo, huấn luyện để bảo đảm
nhân lực có kiến thức và kỹ năng sát với nhu cầu thực tế công việc và sử dụng
hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo;
c) Công nhận thuyền viên là nguồn
lao động chủ chốt theo kiến nghị của IMO tại Thông tri số 4204/Add.35 ngày
14/12/2020.
5. Các văn bản quy phạm pháp luật
chuyên ngành cần xem xét, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung chi tiết tại Phụ lục I và
Phụ lục II ban hành kèm theo Quyết định này.
IV. GIẢI
PHÁP THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2026 - 2030
1. Xây dựng mô hình quản lý vận
tải biển phù hợp để nâng cao công tác quản lý nhà nước về hàng hải đối với lĩnh
vực vận tải biển và dịch vụ hàng hải. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính
sách, các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với điều ước quốc tế mà Việt Nam mới
tham gia hoặc là thành viên; phù hợp với tình hình phát triển mới của ngành
hàng hải.
2. Tập trung hỗ trợ một số hãng
tàu container Việt Nam đủ mạnh để vươn ra hoạt động quốc tế ở những thị trường
xa như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… và có thể đi đến Châu Âu và Mỹ. Có cơ chế
chính sách hỗ trợ các hãng tàu liên minh, liên kết trong hoạt động khai thác
hàng hóa container để nâng cao quy mô của doanh nghiệp, năng lực tài chính…
tăng năng lực cạnh tranh với các hãng tàu nước ngoài.
3. Thực hiện nghiêm túc và tiên
phong trong việc triển khai thực hiện các Kế hoạch, Chương trình hành động thực
hiện cam kết của Việt Nam tại hội nghị COP 26. Tiếp tục có những giải pháp hỗ
trợ mạnh mẽ các chủ tàu thực hiện chuyển đổi tàu biển hiện có sang tàu biển
dùng nhiên liệu sạch theo lộ trình cam kết của Việt Nam tại Hội nghị COP 26 về
cắt giảm khí thải nhà kính và phát thải ròng về 0.
4. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng
khoa học công nghệ trong nghiên cứu, đóng mới, sửa chữa hoán cải tàu biển để từng
bước làm chủ công nghệ, hiện đại hóa ngành đóng tàu của Việt Nam phù hợp với
các cam kết của COP 26.
5. Tiếp tục miễn thuế nhập khẩu
và miễn giảm 50% phí trọng tải khi chủ tàu mua và khai thác tàu container từ
1.500 TEUs trở lên hoặc tàu chạy bằng năng lượng sạch như LNG, H2, … và các tàu
chở LNG đến hết năm 2030.
V. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Các Cục, Vụ thuộc Bộ Giao
thông vận tải:
a) Vụ Vận tải
- Chủ trì, đôn đốc việc triển
khai thực hiện Đề án;
- Tham mưu, đề xuất Lãnh đạo Bộ
ban hành văn bản đề nghị các Bộ, ngành liên quan xem xét triển khai theo chức
năng, nhiệm vụ.
- Định kỳ tổng hợp, báo cáo
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải kết quả triển khai thực hiện Đề án và những vấn
đề vướng mắc phát sinh nếu có.
b) Các Cục, Vụ thuộc Bộ Giao
thông vận tải
- Căn cứ chức năng nhiệm vụ được
giao tham mưu, đề xuất Lãnh đạo Bộ ban hành theo thẩm quyền hoặc trình Thủ tướng
Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành ban hành cơ chế, chính sách mới; sửa đổi, bổ
sung các quy định liên quan đáp ứng yêu cầu phát triển đội tàu vận tải biển của
Việt Nam nhằm đạt được mục tiêu đã nêu trong Đề án;
- Cấp kinh phí hàng năm cho Cục
Hàng hải Việt Nam tổ chức Diễn đàn Vận tải biển Việt Nam và phát hành báo cáo
thường niên về vận tải biển Việt Nam;
- Đôn đốc, hướng dẫn Cục Hàng hải
Việt Nam và các cơ quan có liên quan triển khai bảo đảm các yêu cầu về nội
dung, tiến độ Đề án.
2. Cục Hàng hải Việt Nam
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức
thực hiện hiệu quả Đề án;
- Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan chức năng của Bộ Giao thông vận tải và các Bộ, ngành, liên quan và các địa
phương triển khai Đề án; Chỉ đạo các đơn vị tham mưu, các Cảng vụ hàng hải, đơn
vị trực thuộc Cục xây dựng kế hoạch triển khai chi tiết các nội dung và tiến độ
của Đề án;
- Chủ động tổ chức thực hiện
các giải pháp phát triển đội tàu vận tải biển của Việt Nam, đổi mới công tác quản
lý nhà nước của Cục theo Đề án, bảo đảm đúng kế hoạch, lộ trình; tổ chức nghiên
cứu xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật tại Phụ lục kèm theo, hoàn thành
đúng kế hoạch được giao, bảo đảm chất lượng;
- Tổng hợp, định kỳ báo cáo Bộ
Giao thông vận tải kết quả thực hiện Đề án; đề xuất xử lý các vấn đề vướng mắc
phát sinh.
- Định kỳ hàng năm, tổ chức Diễn
đàn vận tải biển Việt Nam và phát hành báo cáo thường niên về vận tải biển Việt
Nam với mục tiêu tạo môi trường đối thoại, cập nhập thông tin, định hướng thông
tin về những vấn đề quan trọng, cấp thiết về tình hình vận tải biển trong nước
và quốc tế.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban
hành.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng,
Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng
các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thủ tướng Chính phủ (để b/c);
- Bộ trưởng (để b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ, các Vụ, Văn phòng Ban Cán sự đảng Bộ, Văn phòng
Đảng - Đoàn thể;
- Tổng cục, các Cục thuộc Bộ;
- Viện Chiến lược & Phát triển GTVT;
- Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia;
- Đảng ủy Bộ GTVT;
- Công đoàn GTVT Việt Nam;
- Lưu: VT, V.Tải.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Xuân Sang
|
PHỤ LỤC I
VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CHUYÊN NGÀNH HÀNG HẢI SỬA ĐỔI,
BỔ SUNG ĐẾN NĂM 2026
(Kèm theo Quyết định số 1254/QĐ-BGTVT ngày 28/09/2022)
TT
|
Tên văn bản
|
Cơ quan soạn thảo
|
Cơ quan chủ trì trình
|
Thời gian thực hiện
|
Ghi chú
|
I
|
Nghị định của Chính phủ
|
1
|
Nghị định số 58/2017/NĐ-CP
ngày 10/5/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Hàng hải
Việt Nam 2015 về quản lý hoạt động hàng hải
|
Cục Hàng hải Việt Nam
|
Vụ Pháp chế
|
2022- 2026
|
Cho phép các phương tiện vận
chuyển hàng container đóng mới có chân vịt mũi, chiều dài dưới 92m, kết nối cảng
biển với cảng thủy nội địa được miễn hoa tiêu hàng hải và tàu lai khi cập cầu
|
2
|
- Nghị định số 171/2016/NĐ-CP
ngày 27/12/2016 của Chính phủ về đăng ký, xóa đăng ký và mua, bán, đóng mới
tàu biển
- Nghị định số 86/2020/NĐ-CP
ngày 23/7/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số
171/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 của Chính phủ về đăng ký, xóa đăng ký và mua,
bán, đóng mới tàu biển
|
Cục Hàng hải Việt Nam
|
Vụ Vận tải
|
2022- 2026
|
- Nghiên cứu áp dụng hình thức
chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế cho các doanh nghiệp khi mua tàu
biển có sử dụng vốn của nhà nước để phù hợp với thực tiễn hoạt động mua bán
tàu biển
Việc sửa đổi nội dung này sẽ
được xem xét thực hiện sau khi sửa Luật Đấu thầu hoặc Bộ Luật Hàng hải Việt
Nam, Luật Quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại
doanh nghiệp, cho phép hoạt động mua bán tàu biển có sử dụng nguồn vốn nhà nước
được thực hiện theo hình thức chào hàng cạnh tranh theo thông lệ quốc tế.
- Nghiên cứu sửa đổi quy định
về việc cấp phép cho tàu treo cờ quốc tịch Việt Nam theo hướng Bộ trưởng Bộ
Giao thông vận tải quyết định việc cho phép treo cờ quốc tịch Việt Nam đối với
tàu biển vận tải hàng container thuộc trường hợp đặc biệt nhưng không quá 17
tuổi
|
II
|
Quy chuẩn Việt Nam
|
1
|
QCVN 21:2015/BGTVT và các sửa
đổi bổ sung
|
Cục Đăng kiểm Việt Nam
|
Vụ Khoa học công nghệ
|
|
Nghiên cứu xây dựng quy phạm
tàu biển ven bờ cho tàu biển vận tải hàng hóa chạy ven theo bờ biển của Việt
Nam và các nước trong khu vực nhằm tăng cường tính kết nối, giảm tải cho đường
bộ, nâng cao tính an toàn và hiệu quả khai thác bền vững đồng thời hướng tới
kết nối vận tải ven biển trong khu vực, đặc biệt là Trung Quốc, Thái Lan,
Campuchia...
|
* Ghi chú: Trên cơ sở
Phụ lục này, các cơ quan, đơn vị chủ động nghiên cứu, đăng ký thời gian cụ thể
vào Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án hàng năm của Bộ
Giao thông vận tải.
PHỤ LỤC II
VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT CHUYÊN NGÀNH KHÁC SỬA ĐỔI, BỔ
SUNG ĐẾN NĂM 2026
(Kèm theo Quyết định số 1254/QĐ-BGTVT ngày 28/09/2022)
TT
|
Tên văn bản
|
Cơ quan chủ trì
|
Cơ quan phối hợp
|
Thời gian thực hiện
|
Ghi chú
|
I
|
Nghị định của Chính phủ
|
1
|
Nghị định số 209/2013/NĐ-CP
ngày 18/12/2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số
điều Luật thuế giá trị gia tăng
|
Bộ Tài chính
|
Bộ Giao thông vận tải
|
2022- 2026
|
Cho phép không áp dụng thuế
VAT (10% theo quy định hiện nay) khi nhập khẩu tàu biển vận chuyển hàng hóa
cho chủ tàu Việt Nam đến hết năm 2026 nhằm giảm gánh nặng tài chính tại thời
điểm đầu tư
|
II
|
Thông tư của Bộ trưởng
|
1
|
Thông tư số 219/2013/TT-BTC
ngày 31/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế giá
trị gia tăng
|
Bộ Tài chính
|
Bộ Giao thông vận tải
|
2022- 2026
|
Cho phép không áp dụng thuế
VAT (10% theo quy định hiện nay) khi nhập khẩu tàu biển vận chuyển hàng hóa
cho chủ tàu Việt Nam đến hết năm 2026
|
2
|
Thông tư số
92/2015/TT-BTC ngày 16/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính bổ sung điểm r khoản
1 Điều 3 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ trưởng Bộ Tài
chính hướng dẫn về thuế TNCN quy định các khoản thu nhập được miễn thuế
|
Bộ Tài chính
|
Bộ Giao thông vận tải
|
2022- 2026
|
Miễn thuế thu nhập cá nhân đối
với thuyền viên Việt Nam làm việc trên tàu biển hoạt động tuyến nội địa
|
3
|
Thông tư số 05/2021/TT-BKHĐT
ngày 17/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành danh mục
máy móc thiết bị, phụ tùng thay thế, phương tiện vận tải chuyên dụng, nguyên
liệu, vật tư, bán thành phẩm trong nước đã sản xuất được
|
Bộ Kế hoạch và Đầu tư
|
Bộ Giao thông vận tải
|
2022- 2026
|
Bỏ mục thứ tự số 69, 72, 75,
76, 77, 78 và 82 tại Phụ lục I: “Danh mục phương tiện vận tải chuyên dùng
trong nước đã sản xuất được” đối với các loại tàu biển vận tải nói trong đề
án
|
4
|
Thông tư Ban hành quy chuẩn kỹ
thuật quốc gia về môi trường đối với tàu biển đã qua sử dụng, nhập khẩu để
phá dỡ
|
Bộ Tài nguyên và Môi trường
|
Bộ Giao thông vận tải
|
2022- 2025
|
Luật Bảo vệ môi trường và Nghị
định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều của Luật Bảo vệ môi trường.
Nghị định số 82/2019/NĐ-CP
ngày 12/11/2019 của Chính phủ quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử
dụng. Theo đó, cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ nhưng
chưa có quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với tàu biển đã qua sử
dụng, nhập khẩu để phá dỡ, nên chưa thực hiện được.
|