ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1245/QĐ-UBND
|
Tuyên Quang,
ngày 30 tháng 10 năm 2017
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
TRONG LĨNH VỰC TƯ PHÁP, KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TỈNH
TUYÊN QUANG
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương
ngày 19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày
08/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Nghị định số
48/2013/NĐ-CP ngày 14/5/2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các
nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Thông tư số 07/2014/TT-BTP ngày
24/02/2014 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp hướng dẫn việc đánh giá tác động của thủ tục
hành chính và rà soát, đánh giá thủ tục hành chính;
Thực hiện Kế hoạch số 14/KH-UBND ngày
16/02/2017 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về rà soát, đơn giản hóa thủ tục
hành chính trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang năm 2017;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ
trình số 75/TTr-STP ngày 07/9/2017,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Thông qua Phương án đơn giản hóa thủ tục hành chính trong
lĩnh vực: Tư pháp, Kế hoạch và Đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của tỉnh
Tuyên Quang (Có Phương án đơn giản hóa 08 thủ
tục hành chính chi tiết kèm theo).
Điều 2. Giao Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư
pháp, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan thực hiện Quyết định này.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở
Tư pháp, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- VPCP - Cục KSTTHC; (báo
cáo)
- Chủ tịch UBND tỉnh; (báo cáo)
- PCT UBND tỉnh Nguyễn Hải Anh;
- Chánh Văn phòng UBND tỉnh;
- Như Điều 3; (thực hiện)
- Lưu: VT, NC (P.Hà).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Hải Anh
|
PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH
TRONG LĨNH VỰC TƯ PHÁP, KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ THUỘC THẨM QUYỀN
GIẢI QUYẾT CỦA TỈNH TUYÊN QUANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1245/QĐ-UBND
ngày 30/10/2017 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)
I. LĨNH VỰC TƯ PHÁP
* Thủ
tục hành chính cấp tỉnh (07 thủ tục)
I.1. LĨNH
VỰC HÀNH CHÍNH TƯ PHÁP (01 thủ tục)
1. Thủ tục cấp Phiếu lý lịch
tư pháp (LLTP) cho công dân Việt Nam, người nước ngoài đang cư trú tại Việt Nam
a) Nội dung đơn giản hóa: Về
cách thức thực hiện, cụ thể:
Đề nghị bỏ nội dung “Cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 không được ủy quyền cho
người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp”.
Lý do: Tại khoản 2 Điều 46 Luật Lý lịch tư pháp quy định “Thủ tục cấp
Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cá nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1
và khoản 2 Điều 45 của Luật này; trường hợp cá nhân yêu cầu cấp Phiếu lý lịch
tư pháp số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ tục cấp Phiếu lý lịch
tư pháp”.
Việc quy định “...không được
ủy quyền” là nhằm bảo vệ thông tin liên quan đến đời tư cá nhân của người đề
nghị cấp Phiếu LLTP, tuy nhiên trong thực tế có nhiều trường hợp không thể trực
tiếp đến Sở Tư pháp để làm thủ tục cấp phiếu, bản thân họ muốn ủy quyền cho người
khác làm thủ tục thay nhưng pháp luật không cho phép ủy quyền, quy định đó cũng
làm hạn chế quyền lựa chọn của cá nhân về phương thức thực hiện, gây khó khăn
cho cá nhân khi có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính cấp Phiếu LLTP.
b) Kiến nghị thực thi
Đề nghị bỏ quy định về việc cá
nhân yêu cầu cấp Phiếu LLTP số 2 thì không được ủy quyền cho người khác làm thủ
tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp; Đồng thời sửa đổi khoản 2 Điều 46 Luật Lý lịch
tư pháp năm 2009 thành: “2. Thủ tục cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 2 cho cá
nhân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 45 của Luật
này".
c) Lợi ích phương án đơn giản
hóa:
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi và
mở rộng quyền lựa chọn phương thức thực hiện thủ tục hành chính cho người yêu cầu
cấp phiếu LLTP số 2.
I.2. LĨNH
VỰC HỘ TỊCH (02 thủ tục)
1. Thủ tục đăng ký giám hộ
a) Nội dung đơn giản hóa:
Đề nghị quy định giảm thời gian
thực hiện đăng ký giám hộ cho người yêu cầu từ “trong thời hạn 3 ngày làm việc”
xuống còn “trong ngày làm việc”.
Lý do:
Tại khoản 1 và 2 Điều 20 Luật Hộ
tịch năm 2014 quy định:
“1. Người
yêu cầu đăng ký giám hộ nộp tờ khai đăng ký giám hộ theo mẫu quy định và văn bản
cử người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự cho cơ quan đăng ký hộ tịch.
2. Trong thời hạn 03 ngày
làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy
đủ điều kiện theo quy định pháp luật thì công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ
hộ tịch và cùng người đi đăng ký giám hộ ký vào Sổ hộ tịch, báo cáo Chủ tịch Ủy
ban nhân dân cấp xã cấp trích lục cho người yêu cầu”.
Việc kéo dài thời gian nêu trên
là không cần thiết vì thành phần hồ sơ đơn giản, công chức tư pháp - hộ tịch cấp
xã chỉ kiểm tra hồ sơ hợp lệ là có thể cấp ngay trích lục đăng ký giám hộ.
b) Kiến nghị thực thi:
Đề nghị bỏ quy định về thời
gian giải quyết thủ tục đăng ký giám hộ tại khoản 2 Điều 20 Luật Hộ tịch năm
2014.
c) Lợi ích phương án đơn giản
hóa:
Cắt giảm thời gian thực hiện thủ
tục và giảm chi phí đi lại cho người yêu cầu.
2. Thủ tục đăng ký chấm dứt giám hộ
a) Nội dung đơn giản hóa:
Đề nghị quy định giảm thời gian
thực hiện đăng ký chấm dứt giám hộ cho người yêu cầu từ “trong thời hạn 2
ngày làm việc” xuống còn “trong ngày làm việc”.
Lý do:
Tại khoản 1 và 2 Điều 22 Luật Hộ
tịch năm 2014 quy định:
“1. Người yêu cầu đăng ký chấm
dứt giám hộ nộp tờ khai đăng ký chấm dứt giám hộ theo mẫu quy định và giấy tờ
làm căn cứ chấm dứt giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự cho cơ quan đăng
ký hộ tịch.
2. Trong thời hạn 02 ngày
làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ theo quy định tại khoản 1 Điều này, nếu thấy
việc chấm dứt giám hộ đủ điều kiện theo quy định của Bộ luật dân sự, công chức
tư pháp - hộ tịch ghi việc chấm dứt giám hộ vào Sổ hộ tịch, cùng người đi đăng
ký chấm dứt giám hộ ký vào Sổ hộ tịch và báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
xã cấp trích lục cho người yêu cầu”.
Việc quy định “02 ngày làm
việc” nêu trên là không cần thiết vì thành phần hồ sơ, trình tự giải quyết
đơn giản, vì vậy thủ tục này có thể thực hiện ngay sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
b) Kiến nghị thực thi
Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản
2 Điều 22 Luật Hộ tịch năm 2014.
c) Lợi ích phương án đơn giản
hóa:
Cắt giảm thời gian thực hiện thủ
tục và giảm chi phí đi lại cho người yêu cầu.
I.3. LĨNH
VỰC QUỐC TỊCH (03 thủ tục)
1. Thủ tục nhập quốc tịch Việt
Nam
a) Nội dung đơn giản hóa:
Đề nghị rút ngắn “trình tự
thực hiện” và “thời gian giải quyết” quy định tại khoản 2 và 3 Điều
21 Luật Quốc tịch năm 2008.
Lý do:
Tại khoản 2 và 3 Điều 21 Luật
Quốc tịch năm 2008 quy định:
“2. Trong thời
hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp gửi văn bản đề
nghị cơ quan Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung
là cấp tỉnh) xác minh về nhân thân của người xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Trong thời
hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an cấp tỉnh
có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả đến Sở Tư pháp. Trong thời gian này, Sở
Tư pháp phải tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin nhập quốc tịch
Việt Nam.
Trong thời
hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có
trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trong thời
hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Uỷ
ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ
Tư pháp.
3. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy có đủ điều kiện
nhập quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng văn bản cho người xin nhập
quốc tịch Việt Nam để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường
hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài hoặc là
người không quốc tịch”.
- Về trình tự thực hiện: Việc
quy định Sở Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét, kết luận đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp là không cần thiết, vì
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ xem xét trên cơ sở hồ sơ và ý kiến đề xuất của
Sở Tư pháp mà không thực hiện việc xác minh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
cũng không có thẩm quyền cho phép hay không cho phép nhập quốc tịch Việt Nam.
Vì vậy, đề nghị bỏ trình tự “Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” và “Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề
xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp”, đồng thời quy định chặt chẽ trách nhiệm của Sở Tư
pháp trong việc thẩm tra hồ sơ và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.
- Về thời gian giải quyết:
Trong thời hạn 30 ngày Công an tỉnh thực hiện xác minh thì Sở Tư pháp cũng có
thể đồng thời thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ. Vì vậy, có thể rút ngắn thời gian
hoàn tất hồ sơ của Sở Tư pháp từ “10 ngày làm việc” xuống còn “03
ngày làm việc”. Ngoài ra, việc bỏ trình tự thủ tục Sở Tư pháp trình Ủy ban
nhân dân tỉnh hồ sơ xin nhập quốc tịch Việt Nam góp phần giảm thời gian thực hiện
thủ tục hành chính (10 ngày). Tổng số thời gian rút ngắn được là 17 ngày.
b) Kiến nghị thực thi
Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản
2, khoản 3 Điều 21 Luật Quốc tịch năm 2008. Cụ thể như sau:
“2. ... Trong
thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có
trách nhiệm hoàn tất hồ sơ và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp...
3. Trong thời
hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được đề xuất của Giám đốc Sở Tư pháp, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy có đủ điều
kiện nhập quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng văn bản cho người xin
nhập quốc tịch Việt Nam để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, trừ
trường hợp người xin nhập quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài
hoặc là người không quốc tịch”.
c) Lợi ích phương án đơn giản
hóa:
Việc cắt bỏ trình tự 02 bước thực
hiện nêu trên góp phần giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính (giảm 17 ngày
làm việc), giảm tầng nấc thực hiện thủ tục hành chính từ đó giảm chi phí thực
hiện thủ tục hành chính (giảm văn phòng phẩm, nhân lực thực hiện tại Sở Tư
pháp, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh).
2. Thủ tục xin trở lại quốc
tịch Việt Nam
a) Nội dung đơn giản hóa:
Đề nghị rút ngắn “trình tự
thực hiện” và “thời gian giải quyết” quy định tại khoản 2 và 4 Điều
25 Luật Quốc tịch năm 2008.
Lý do:
Tại khoản 2 và khoản 4 Điều 25
Luật Quốc tịch năm 2008 quy định:
“2. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở
Tư pháp gửi văn bản đề nghị cơ quan Công an cấp tỉnh xác minh về nhân thân của
người xin trở lại quốc tịch Việt Nam.
Trong thời hạn
20 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, cơ quan Công an cấp tỉnh
có trách nhiệm xác minh và gửi kết quả đến Sở Tư pháp. Trong thời gian này, Sở
Tư pháp phải tiến hành thẩm tra giấy tờ trong hồ sơ xin trở lại quốc
tịch Việt Nam.Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác
minh, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh.
Trong thời hạn
5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Uỷ ban
nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ
Tư pháp.
… 4. Trong thời
hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân
cấp tỉnh hoặc của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tư pháp có trách
nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch
Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng
văn bản cho người đó để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường
hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài hoặc
là người không quốc tịch.
Trong thời hạn
10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy xác nhận thôi quốc tịch nước ngoài
của người xin trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp báo cáo Thủ
tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định.
Trường hợp
người xin trở lại quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài, người
xin trở lại quốc tịch Việt Nam là người không quốc tịch thì trong thời hạn
15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp
tỉnh hoặc
của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra
lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch Việt Nam có đủ
điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình
Chủ tịch nước xem xét, quyết định”.
- Về trình tự thực hiện: Việc
quy định Sở Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân
dân tỉnh xem xét, kết luận đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp là không cần thiết, vì
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ xem xét trên cơ sở hồ sơ và ý kiến đề xuất của
Sở Tư pháp mà không thực hiện việc xác minh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
cũng không có thẩm quyền cho phép hay không cho phép trở lại quốc tịch Việt
Nam. Vì vậy, đề nghị bỏ trình tự “Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ
trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” và “Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp”, đồng thời quy định chặt chẽ trách nhiệm của Sở
Tư pháp trong việc thẩm tra hồ sơ và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.
- Về thời gian giải quyết:
Trong thời hạn 20 ngày Công an tỉnh thực hiện xác minh thì Sở Tư pháp cũng có
thể đồng thời hoàn thiện hồ sơ. Vì vậy, có thể rút ngắn thời gian hoàn tất hồ
sơ của Sở Tư pháp từ “05 ngày làm việc” xuống còn “03 ngày làm việc”.
Ngoài ra, việc bỏ trình tự thủ tục Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân tỉnh hồ
sơ xin trở lại quốc tịch Việt Nam góp phần giảm thời gian thực hiện thủ tục
hành chính (05 ngày). Tổng số thời gian rút ngắn được là 07 ngày.
b) Kiến nghị thực thi
Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản
2, khoản 3 Điều 25 Luật Quốc tịch năm 2008. Cụ thể như sau:
“2. ...
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư
pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.
...4. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận
được văn bản đề xuất của Giám đốc Sở Tư pháp hoặc của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tư pháp có trách
nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch
Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì gửi thông báo bằng
văn bản cho người đó để làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài, trừ trường
hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài hoặc
là người không quốc tịch.
...Trường
hợp người xin trở lại quốc tịch Việt Nam xin giữ quốc tịch nước ngoài,
người xin trở lại quốc tịch Việt Nam là người không quốc tịch thì trong
thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Giám đốc Sở Tư
pháp hoặc của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tư pháp có trách
nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin trở lại quốc tịch
Việt Nam có đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng
Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định”.
c) Lợi ích phương án đơn giản
hóa:
Việc cắt bỏ trình tự 02 bước thực
hiện nêu trên góp phần giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính (giảm 07
ngày làm việc), giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính.
3. Thủ tục thôi quốc tịch Việt
Nam (đối với trường hợp cư trú ở trong nước)
a) Nội dung đơn giản hóa: Trình tự thực hiện
Đề nghị sửa đổi, rút ngắn “trình
tự thực hiện” và “thời gian giải quyết” quy định tại khoản 2, khoản
3 và khoản 5 Điều 29 Luật Quốc tịch năm 2008.
Lý do:
Tại khoản 2, khoản 3 và khoản 5
Điều 29 Luật Quốc tịch năm 2008 quy định:
“2. Trường
hợp người xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú ở trong nước thì trong thời hạn 5
ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp có trách nhiệm đăng
thông báo về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam trên một tờ báo viết hoặc báo điện
tử ở địa phương trong ba số liên tiếp và gửi đăng trên Trang thông tin điện tử
của Bộ Tư pháp; …
3. …Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ
ngày nhận được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Trong thời hạn 5 ngày làm việc,
kể từ ngày nhận được đề nghị của Sở Tư pháp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
có trách nhiệm xem xét, kết luận và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp…
5. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ
ngày nhận được văn bản đề xuất của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc của
cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tư pháp có trách nhiệm kiểm tra lại
hồ sơ, nếu xét thấy người xin thôi quốc tịch Việt Nam có đủ điều kiện được thôi
quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét,
quyết định”.
- Về trình tự thực hiện: Việc quy định đăng thông báo về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam trên một tờ báo viết
hoặc báo điện tử ở địa phương trong ba số liên tiếp gây
tốn kém và không cần thiết, đề nghị quy định theo hướng: “Sở Tư pháp đăng thông báo về việc xin
thôi quốc tịch Việt Nam trên Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp, Cổng thông tin
điện tử tỉnh và gửi đăng trên Cổng thông tin điện tử
Bộ Tư pháp” nhằm tạo
kênh thông tin chính thức của Nhà nước về vấn đề "Quốc tịch", tạo
thói quen cho mọi cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận thông tin và dễ dàng
cung cấp thông tin cho cơ quan chức năng trong việc giải quyết thủ tục hành
chính.
Bên cạnh đó, việc quy định Sở
Tư pháp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét, kết luận đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp là không cần thiết, vì Chủ tịch
Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ xem xét trên cơ sở hồ sơ và ý kiến đề xuất của Sở Tư
pháp mà không thực hiện việc xác minh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng
không có thẩm quyền cho phép hay không cho phép thôi quốc tịch Việt Nam. Vì vậy,
đề nghị bỏ trình tự “Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ trình Chủ tịch
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh” và “Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh đề xuất ý kiến
gửi Bộ Tư pháp”, đồng thời quy định chặt chẽ trách nhiệm của Sở Tư pháp trong
việc thẩm tra hồ sơ và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.
- Về thời gian giải quyết:
Trong thời hạn 20 ngày Công an tỉnh thực hiện xác minh thì Sở Tư pháp cũng có
thể đồng thời hoàn thiện hồ sơ. Vì vậy, có thể rút ngắn thời gian hoàn tất hồ
sơ của Sở Tư pháp từ “05 ngày làm việc” xuống còn “03 ngày làm việc”.
Ngoài ra, việc bỏ trình tự thủ tục Sở Tư pháp trình Ủy ban nhân dân tỉnh hồ sơ
xin nhập quốc tịch Việt Nam góp phần giảm thời gian thực hiện thủ tục hành
chính (5 ngày). Tổng số thời gian rút ngắn được là 07 ngày.
b) Kiến nghị thực thi
Đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản
2, khoản 3, khoản 5 Điều 29 Luật Quốc tịch năm 2008. Cụ thể như sau:
“2. Trường hợp người xin thôi quốc tịch Việt Nam cư trú ở trong nước thì
trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tư pháp đăng thông báo về việc xin thôi quốc tịch Việt Nam trên Trang/Cổng
thông tin điện tử Sở Tư pháp, Cổng thông tin điện tử tỉnh và gửi đăng trên Cổng
thông tin điện tử Bộ Tư pháp...
3. ... Trong thời hạn 3 ngày làm việc, kể từ ngày nhận
được kết quả xác minh, Sở Tư pháp có trách nhiệm hoàn tất hồ sơ và đề xuất ý kiến gửi Bộ Tư pháp.
... 5. Trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản đề xuất của Giám đốc Sở Tư pháp hoặc của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Tư pháp có
trách nhiệm kiểm tra lại hồ sơ, nếu xét thấy người xin thôi quốc tịch Việt Nam
có đủ điều kiện được thôi quốc tịch Việt Nam thì báo cáo Thủ tướng Chính phủ
trình Chủ tịch nước xem xét, quyết định…”.
c) Lợi ích phương án đơn giản
hóa:
- Quy định bỏ đăng Báo in hoặc
Báo điện tử, chỉ đăng tải thông tin về việc xin thôi quốc
tịch Việt Nam trên Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp,
Cổng thông tin điện tử tỉnh và gửi đăng trên Cổng thông tin điện tử Bộ Tư pháp nhằm giảm chi phí đăng báo (Báo
in, Báo điện tử) vì các cơ quan này phải thu tiền quảng cáo, từ đó giảm chi
ngân sách nhà nước; đồng thời tạo lập kênh thông tin chính thức của Sở Tư pháp,
Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố, Bộ Tư pháp về vấn đề cho nhập, cho thôi, cho trở
lại quốc tịch Việt Nam và tạo thói quen cho cá nhân, tổ chức trong việc tiếp cận
các vấn đề liên quan đến quốc tịch trên Trang/Cổng thông tin điện tử của cơ
quan chức năng, từ đó dễ dàng cung cấp thông tin cho cơ quan giải quyết thủ tục
hành chính về các vấn đề liên quan đến quốc tịch của người đề nghị giải quyết
thủ tục hành chính.
- Việc cắt bỏ trình tự 02 bước
thực hiện nêu trên đối với thủ tục xin thôi quốc tịch Việt Nam góp phần giảm thời
gian, chi phí thực hiện thủ tục hành chính (văn phòng phẩm, nhân lực thực hiện).
I.4.
LĨNH VỰC CÔNG CHỨNG (01 thủ tục)
1. Thủ tục chuyển đổi Phòng
công chứng
a) Nội dung đơn giản hóa:
Đề nghị bỏ điều kiện chuyển đổi
Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng quy định tại Điều 5 Nghị định số
29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Công chứng.
Lý do: Điều 5 Nghị định số 29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng quy định:
“Điều 5. Các trường hợp chuyển đổi Phòng công
chứng
1. Các địa bàn cấp huyện đã thành lập đủ số tổ
chức hành nghề công chứng theo Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành nghề
công chứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và số lượng Văn phòng công chứng
nhiều hơn số lượng Phòng công chứng.
2. Các địa bàn cấp huyện chưa thành lập đủ số
tổ chức hành nghề công chứng theo Quy hoạch tổng thể phát triển tổ chức hành
nghề công chứng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng có ít nhất 02 Văn
phòng công chứng đã hoạt động ổn định từ 02 năm trở lên, kể từ ngày đăng ký hoạt
động.”
Quy định nêu trên đã bổ sung điều
kiện để chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng, từ đó làm chậm
quá trình xã hội hóa công tác công chứng và chuyển đổi Phòng công chứng vì
trong thực tế các Phòng công chứng đã thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính, nhiều
Phòng công chứng đã tự chủ hoàn toàn về biên chế, kinh phí hoạt động và có nhu
cầu chuyển đổi, nhưng thực hiện theo Điều 5 nêu trên thì không thể chuyển đổi
thành Văn phòng công chứng ( do số Văn phòng công chứng không nhiều hơn số lượng
Phòng công chứng). Việc không chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công
chứng vì lý do nêu trên làm ảnh hưởng đến việc thực hiện tiến độ cải cách hành
chính, Nhà nước phải bố trí biên chế công chức, viên chức làm việc và phải hỗ
trợ ngân sách để Phòng công chứng hoạt động, làm chậm tiến trình xã hội hóa hoạt
động công chứng.
b) Kiến nghị thực thi:
Bãi bỏ Điều 5 Nghị định số
29/2015/NĐ-CP ngày 15/3/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Công chứng.
c) Lợi ích phương án đơn giản
hóa:
Nhà nước không phải bố trí biên
chế công chức, viên chức và bảo đảm kinh phí hoạt động cho Phòng công chứng,
góp phần tinh giản biên chế và tiết kiệm ngân sách. Phòng công chứng sau khi
chuyển đổi thành Văn phòng công chứng hoạt động như doanh nghiệp và thực hiện
đóng thuế, góp phần tăng thu cho ngân sách nhà nước.
II. LĨNH VỰC KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ (01 thủ tục)
* Thủ tục
hành chính cấp tỉnh (01 thủ tục)
1. Thủ tục Công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp (đối
với doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh)
a) Nội
dung đơn giản hóa:
Khoản 2 Điều 55 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ, quy định: "Khi
nhận Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, Giấy xác nhận về việc thay đổi nội
dung đăng ký doanh nghiệp liên quan đến nội dung về ngành, nghề kinh
doanh, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nộp
phí để công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp".
Đề nghị sửa
đổi như sau:
"Khi các nhà cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nộp hồ sơ về đăng ký doanh nghiệp,
Phòng Đăng
ký kinh doanh sẽ có trách nhiệm đăng tải nội dung đăng ký doanh nghiệp của
doanh nghiệp thuộc phạm vi mình quản lý lên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký
doanh nghiệp khi hồ sơ hợp lệ. Các nhà cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp nộp phí đề nghị công bố nội
dung đăng ký doanh nghiệp tại thời điểm nộp lệ phí đăng ký doanh nghiệp".
Lý do sửa đổi: Khi
các cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp thực hiện
các thủ tục về đăng ký doanh nghiệp, thì Phòng Đăng ký kinh doanh có thể đồng
thời công bố nội dung đăng ký doanh nghiệp lên Cổng thông tin quốc gia trong
trường hợp hồ sơ hợp lệ, nhằm giảm thời gian, chi phí và tạo thuận lợi cho
doanh nghiệp trong quá trình thực hiện TTHC.
b) Kiến nghị thực thi:
Đề nghị sửa đổi khoản 2 Điều 55 Nghị định số 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ.
c) Lợi ích phương án đơn giản hóa:
Giảm thời gian đi lại, kê khai nộp hồ sơ thủ tục hành chính
cho doanh nghiệp.