THỦ TƯỚNG CHÍNH
PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1233/QĐ-TTg
|
Hà
Nội, ngày 07 tháng 09
năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC LAHAY SỐ 33 VỀ BẢO VỆ TRẺ
EM VÀ HỢP TÁC TRONG LĨNH VỰC NUÔI CON NUÔI QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 2012 - 2015
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày
25 tháng 12 năm 2001;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư
pháp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án triển khai thực hiện Công ước
Lahay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực
nuôi con nuôi quốc tế giai đoạn 2012-2015 (sau đây gọi là Đề án) với những nội
dung cơ bản sau đây:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu cơ bản:
Mục tiêu cơ bản của Đề án là xác định
rõ nhiệm vụ, giải pháp, trách nhiệm của các Bộ, ngành, cơ
quan địa phương nhằm khắc phục những khó khăn, thách thức trong các năm đầu
tiên thực hiện Công ước Lahay số 33 về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực
nuôi con nuôi quốc tế (sau đây gọi là Công ước Lahay), tạo tiền đề thuận lợi để
thực hiện Công ước Lahay một cách có hiệu quả và trở thành công việc thường
xuyên của các Bộ, ngành, cơ quan địa phương trong các năm tiếp theo, góp phần bảo
đảm lợi ích tốt nhất cho trẻ em.
2. Mục tiêu cụ thể:
a) Nâng cao nhận thức về Công ước Lahay
cho đội ngũ cán bộ, công chức làm việc trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế từ
Trung ương đến địa phương, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác bảo vệ
trẻ em, quản lý và giải quyết cho trẻ em làm con nuôi vì lợi ích tốt nhất của
trẻ em.
b) Tiếp tục hoàn thiện, tổ chức thực
hiện, kiểm tra việc thực hiện pháp luật, chính sách về nuôi con nuôi.
c) Kiện toàn đội ngũ công chức làm
công tác giải quyết việc cho nhận con nuôi nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong
bối cảnh thực thi Công ước Lahay.
d) Xây dựng và đưa vào sử dụng hệ cơ
sở dữ liệu quốc gia về nuôi con nuôi, góp phần hoạch định
pháp luật, chính sách về nuôi con nuôi.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Nâng cao nhận thức về Công ước
Lahay:
a) Tuyên truyền, phổ biến cho công chức
làm việc trong các cơ quan từ Trung ương đến địa phương
liên quan đến lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế những nội dung cơ bản của Công ước
Lahay và tiến hành tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu về kỹ năng thực hiện tốt Công
ước Lahay.
b) Tuyên truyền, phổ biến có chọn lọc
về nội dung Công ước Lahay trên các phương tiện thông tin đại chúng (các báo,
đài phát thanh, truyền hình ở Trung ương và cấp tỉnh), nhằm giúp cho người dân
có sự hiểu biết nhất định về lĩnh vực này, góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm
về bảo vệ trẻ em, có quyết định đúng đắn trong việc cho trẻ em làm con nuôi vì
lợi ích tốt nhất của trẻ em.
c) In ấn, phát hành sách, tài liệu, tờ
rơi về nội dung Công ước Lahay, hướng dẫn thực hiện tốt Công ước Lahay cho cán
bộ, công chức làm việc trong các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến địa phương
liên quan đến lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế.
2. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật,
chính sách về nuôi con nuôi:
a) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp xây dựng và ban hành trong năm 2012 Thông tư liên tịch
giữa Bộ Tài chính với Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn thực hiện các quy định về quản lý, sử dụng lệ phí đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, chi phí giải quyết
nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài theo hướng minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả.
b) Bộ Tư pháp xây dựng và ban hành
trong năm 2013 Thông tư hướng dẫn tìm gia đình thay thế cho trẻ em khuyết tật,
trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo theo quy định của Luật nuôi con nuôi.
c) Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ
Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng và ban
hành trong năm 2013 Thông tư liên tịch giữa Bộ Tư pháp với
Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về cơ chế phối hợp
trong việc theo dõi tình hình phát triển của trẻ em Việt Nam được cho làm con
nuôi ở nước ngoài và bảo vệ trẻ em trong các tình huống cần thiết.
d) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp xây dựng và ban hành trong năm
2013 Thông tư liên tịch giữa Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội với Bộ Tài
chính, Bộ Tư pháp về việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản hỗ trợ nhân đạo
cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tại Việt Nam, bảo đảm
công khai, minh bạch, tiết kiệm, hiệu quả và không gắn với yêu cầu nhận trẻ em
làm con nuôi.
đ) Bộ Tư pháp chủ
trì, phối hợp với các cơ quan liên quan rà soát, tổng kết đánh giá 5 năm thực
hiện Luật nuôi con nuôi, kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung.
e) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tổng kết, đánh giá
trong năm 2013 về tình hình thực hiện Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em,
kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung.
g) Bộ Tư pháp rà soát trong năm 2013
các Hiệp định hợp tác song phương về nuôi con nuôi giữa Việt
Nam với các nước, đề xuất việc tiếp tục thi hành hoặc chấm dứt các hiệp định
trong bối cảnh Việt Nam và các nước ký kết hiệp định đều là thành viên của Công
ước Lahay.
h) Bộ Tư pháp xây dựng và triển khai
thực hiện trong các năm 2013 -2015 chương trình thí điểm về việc tổ chức cho trẻ
em Việt Nam làm con nuôi ở nước ngoài về thăm quê hương đất nước.
i) Bộ Tư pháp nghiên cứu, tổng kết
đánh giá trong các năm 2013 - 2014 mô hình Nhóm công tác hỗn hợp của Việt Nam
theo các Hiệp định hợp tác song phương về nuôi con nuôi với các nước, xây dựng
và ban hành Quy chế hoạt động của Nhóm công tác hỗn hợp của Việt Nam ở cấp
Trung ương để bảo đảm thực thi Công ước Lahay; xây dựng và ban hành trong năm
2013 Quy chế mẫu về phối hợp liên ngành giữa các cơ quan địa phương về nuôi con
nuôi quốc tế.
3. Kiện toàn và nâng cao năng lực của
đội ngũ công chức làm việc trong lĩnh vực con nuôi quốc tế:
a) Quy định đầy đủ chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn của Cơ quan Trung ương về nuôi con nuôi quốc tế của Việt Nam để bảo đảm
thực hiện Công ước Lahay. Tiếp tục kiện toàn đội ngũ công chức theo hướng có
chuyên môn, nghiệp vụ, chuyên nghiệp để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn
trong công tác quản lý và giải quyết vấn đề con nuôi quốc tế tại địa phương ổn
định. Kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xã hội liên quan đến bảo
vệ trẻ em trong lĩnh vực con nuôi quốc tế theo hướng ổn định,
chuyên nghiệp; tăng cường vai trò, trách nhiệm và năng lực chuyên môn của đội
ngũ cán bộ tại cơ sở nuôi dưỡng trẻ em; kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác
văn hóa - xã hội ở cấp xã để tham gia vào quá trình tư vấn tâm lý, xã hội trong
lĩnh vực nuôi con nuôi.
b) Xây dựng chương trình, kế hoạch,
tài liệu và tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên sâu nhằm nâng cao trình
độ chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng cho đội ngũ cán bộ, công chức làm việc
trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế dưới các hình thức sau:
- Năm 2012-2015, đào tạo, bồi dưỡng
chuyên sâu trong nước thông qua các lớp tập huấn nghiệp vụ ngắn hạn về quản lý
và giải quyết vấn đề nuôi con nuôi quốc tế.
- Năm 2013 - 2015, khảo sát, học tập
kinh nghiệm quản lý của các nước trong lĩnh vực nuôi con nuôi, tình hình thực
hiện thủ tục cho, nhận con nuôi, các dịch vụ tham vấn cho, nhận con nuôi và sau
khi nhận con nuôi.
c) Năm 2012 - 2013, xây dựng chương
trình, kế hoạch, tài liệu và tổ chức thực hiện các lớp tập huấn, bồi dưỡng
chuyên sâu ngắn hạn về chuyên môn nghiệp vụ và kỹ năng tư vấn tâm lý - xã hội
cho đội ngũ công chức, người làm công tác tâm lý - xã hội
trong lĩnh vực nuôi con nuôi quốc tế ở cấp tỉnh và nuôi con nuôi trong nước ở cấp
xã.
d) Năm 2012 - 2015, xây dựng chương
trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện việc thu hút, sử dụng chuyên gia và các
nguồn lực xã hội phục vụ yêu cầu đánh giá toàn diện các khía cạnh tâm lý, xã hội,
y tế, giáo dục trong quá trình giải quyết cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài,
bảo đảm lợi ích tốt nhất của trẻ em.
4. Xây dựng cơ sở dữ liệu về nuôi con
nuôi:
a) Bộ Tư pháp xây dựng trong năm 2012
cơ sở dữ liệu về nuôi con nuôi; trong giai đoạn 2013 -2015, đẩy mạnh việc khai
thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về nuôi con nuôi phục vụ công tác kế hoạch, quản lý
và cung cấp dịch vụ công.
Các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban
nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong
phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kết nối với cơ sở dữ liệu về nuôi con
nuôi để hoạch định chính sách.
b) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương xây dựng, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về nuôi con
nuôi trong phạm vi địa phương.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Kinh phí thực hiện:
Kinh phí thực hiện Đề án được bảo đảm
từ nguồn ngân sách nhà nước, được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của
các Bộ, cơ quan Trung ương, địa phương; nguồn thu lệ phí đăng ký nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài và các nguồn tài trợ, viện trợ,
nguồn huy động khác (nếu có).
2. Cơ quan thực hiện:
a) Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội,
các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành
phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai Đề án trên phạm
vi cả nước; tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác nuôi
con nuôi; chủ trì tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được phân công
trong Đề án này theo quy định hiện hành; xây dựng tiêu chí thống kê về nuôi con
nuôi theo các chuẩn mực của Công ước Lahay; hiện đại hóa một bước công tác quản
lý nhà nước về nuôi con nuôi phù hợp
với xu thế chung của quốc tế; hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện
Đề án và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ, báo cáo theo yêu cầu của Công ước
Lahay; tổ chức tổng kết việc thực hiện Đề án vào cuối năm 2015; xây dựng và
trình Thủ tướng Chính phủ trong năm 2012 việc ban hành Chỉ thị về nâng cao nhận
thức pháp luật trong lĩnh vực nuôi con nuôi và bảo đảm thực thi Công ước Lahay.
b) Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, căn cứ khả năng ngân sách nhà nước hằng năm, bố trí ngân sách để thực
hiện Đề án, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc sử dụng kinh phí thực hiện Đề
án theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật khác
liên quan; chủ trì tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được phân công
trong Đề án này theo quy định hiện hành.
c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối
hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh
và Xã hội và các Bộ, ngành liên quan vận động các nguồn hỗ trợ
phát triển chính thức (ODA) cho các chương trình, dự án về
nuôi con nuôi; tổ chức điều tra thống kê về nuôi con nuôi hằng năm, 5 năm và 10
năm phục vụ cho việc xây dựng kế hoạch, pháp luật, chính
sách về nuôi con nuôi và đánh giá thực hiện Đề án.
d) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ và chăm sóc trẻ em;
chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tổ chức triển khai Chương trình
quốc gia bảo vệ trẻ em giai đoạn 2011 - 2015 (Quyết định số 267/QĐ-TTg ngày 22
tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ), Chương trình hành động quốc gia vì trẻ em giai đoạn 2012 - 2020 sau khi được Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt; chủ trì tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đã được phân công
trong Đề án này theo quy định hiện hành.
đ) Bộ Công an lồng ghép việc triển
khai thực hiện Đề án với Chương trình hành động phòng, chống tội phạm mua bán
người giai đoạn 2011 - 2015 (Quyết định số 1427/QĐ-TTg
ngày 18 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ), Chương trình mục tiêu quốc
gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012 - 2015 (Quyết định
số 1217/QĐ-TTg ngày 06 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ).
e) Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Thông tin
và Truyền thông, các Bộ, ngành và cơ quan Trung ương liên quan có trách nhiệm
phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
trong việc thực hiện nhiệm vụ, giải pháp theo quy định tại Điều 1 của Quyết định
này.
g) Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc Trung ương tăng cường thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công
tác nuôi con nuôi tại địa phương; chủ trì tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải
pháp đã được phân công trong Đề án này theo quy định hiện
hành.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực
thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND các
tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng
Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b).
|
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Nguyễn Thiện Nhân
|