UỶ BAN NHÂN
DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1232/QĐ-UBND
|
Vĩnh Long,
ngày 25 tháng 7 năm 2013
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRÊN CÂY TRỒNG Ở ĐỊA
BÀN TỈNH NĂM 2013
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ
ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định 58/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002
của Chính phủ về ban hành Điều lệ Bảo vệ thực vật, Điều lệ Kiểm dịch thực vật
và Điều lệ Quản lý thuốc bảo vệ thực vật;
Căn cứ Quyết định số 173/QĐ-UBND ngày
08/02/2012 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh về việc công bố dịch bệnh chổi rồng
trên cây nhãn ở địa bàn tỉnh Vĩnh Long;
Xét Tờ trình số 83/TTr-SNN&PTNT, ngày
15/7/2013 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt
Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng ở địa bàn tỉnh năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng ở địa
bàn tỉnh năm 2013 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
(Kèm theo Kế hoạch tại Tờ trình số
83/TTr-SNN&PTNT, ngày 15/7/2013 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn).
Điều 2. Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối
hợp với thủ trưởng các sở, ban ngành tỉnh có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện,
thị xã, thành phố triển khai thực hiện các nội dung tại Điều 1 của Quyết định
này.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm
thi hành Quyết định này.
Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Phan Anh Vũ
|
KẾ HOẠCH
PHÒNG, CHỐNG DỊCH BỆNH TRÊN CÂY TRỒNG Ở ĐỊA BÀN TỈNH NĂM
2013
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1232/QĐ-UBND, ngày 25/7/2013 của Chủ tịch
UBND tỉnh Vĩnh Long)
I. TÌNH HÌNH CHUNG:
Tỉnh Vĩnh Long với diện tích canh
tác bưởi Năm Roi là 7.706 ha và sản lượng khoảng 81.703 tấn; khoai lang khoảng
8.463 ha và sản lượng khoảng 248.153 tấn (Niên giám thống kê, 2011), nhiều hộ
nông dân Vĩnh Long đã trở nên khá giàu từ canh tác cây bưởi và khoai lang. Thế
nhưng, trong năm qua do giá cả nông sản bấp bênh nên người dân đầu tư cũng bấp
bênh, cộng với việc thâm canh tăng vụ liên tục một loại cây trồng (khoai lang),
dẫn đến một số dịch hại bùng phát và gây thiệt hại năng suất, chất lượng nông sản
một cách đáng kể. Bên cạnh đó, bệnh chổi rồng trên cây nhãn vẫn chưa được khống
chế triệt để mặc dù chúng ta đã có chiến dịch phòng chống. Điều đó cho thấy dịch
bệnh trên cây trồng đang diễn biến hết sức phức tạp và đòi hỏi chúng ta phải
kiên trì, không được lơ là trong công tác phòng chống dịch bệnh. Hiện tại, trên
lĩnh vực trồng trọt ngành nông nghiệp phải đối mặt 3 đối tượng dịch hại chính
bao gồm:
1. Bệnh chổi rồng trên cây
nhãn: Bệnh chổi rồng bắt đầu gây hại từ năm 2007 và
cao điểm là trong năm 2011. Đến đầu năm 2012 gần như toàn bộ diện tích trồng
nhãn của tỉnh đều bị nhiễm bệnh với nhiều mức độ khác nhau, thiệt hại ước giảm
trên 50% sản lượng, cá biệt có nhiều vườn bị thiệt hại gần như 100%. Bệnh tập
trung nhiều các ở xã: An Bình, Đồng Phú, Bình Hoà Phước, Hoà Ninh (Long Hồ) xã
Lục Sỹ, Phú Thành (Trà Ôn), Quới Thiện, Thanh Bình (Vũng Liêm), Hoà Tịnh, An
Phước, Chánh An (Mang Thít)... và chủ yếu trên nhãn tiêu da bò. Theo số liệu thống
kê của Sở Nông nghiệp và PTNT (sau khi triển khai chiến dịch phòng chống bệnh
chổi rồng), toàn tỉnh hiện có 8.829,1 ha nhiễm bệnh chổi rồng, trong đó:
+ Diện tích nhiễm bệnh dưới
30%: 103,4 ha.
+ Diện tích nhiễm từ 30 - 70%:
2.259,2 ha.
+ Diện tích nhiễm trên 70%:
6.466,6 ha.
2. Sâu đục trái cây có múi
Citripestris sagittiferella (Lepidoptera: Pyralidae):
Đã được ghi nhận trên nhiều vùng Châu Á, sâu đã gây hại chủ yếu trên các loại
cây có múi như Bưởi, Cam, Chanh. Trong thời gian gần đây, sâu đục trái bưởi đã
xuất hiện và gây hại nặng trên nhiều vườn bưởi các tỉnh, thành như Bến Tre, Tiền
Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, TP. Cần Thơ và đặc biệt là tại Vĩnh Long, từ giữa
tháng 10 năm 2011, loài này đã được phát hiện đồng loạt trên nhiều vườn bưởi
Năm Roi ở huyện Bình Minh và ngày càng bùng phát mạnh. Theo số liệu Hợp tác Năm
Roi xã Mỹ Hoà huyện Bình Minh bị sâu đục trái tấn công làm ảnh hưởng đến năng
suất và chất lượng trái bưởi, trong đó có nhiều vườn bị thiệt hại từ 40 - 60%,
ước thiệt hại năng suất khoảng 23.000 tấn, tương đương 23.000 tấn x 10 triệu
đ/tấn = 230.000 triệu đồng.
3. Sâu đục
củ khoai lang: Triệu chứng gây hại ghi nhận ban đầu sâu chỉ đục và ăn lớp vỏ ngoài mà
không đục sâu bên trong, do vỏ bị vết đục ảnh hưởng đến vẽ mỹ quan củ khoai nên
thương lái không mua. Nguyên nhân có thể do trong những năm gần đây lợi nhuận từ
trồng khoai lang cao nên bà con nông dân canh tác liên tiếp nhiều vụ khoai trên
cùng diện tích đất và sử dụng rất nhiều loại thuốc trừ sâu làm mất cân bằng
sinh thái đồng ruộng nên sâu hại đã phát triển mạnh. Đặc biệt thời điểm giữa
năm 2012 do giá khoai lang xuống thấp, nông dân ít đầu tư và neo khoai trên đồng
chờ giá lên, có khi neo đến 6 tháng mới thu hoạch thay vì trung bình là 4,5
tháng sau khi trồng là thu hoạch. Do đó, một số ruộng bị sâu đục củ khoai lang
thiệt hại năng suất, cá biệt có ruộng thiệt hại năng suất khi lên đến 100%. Ước
thiệt hại năng suất vụ khoai lang thu hoạch khoảng giữa đến cuối năm 2012, chưa
có số liệu điều tra chính thức nhưng thời điểm này thiệt hại chủ yếu là giá bán
thấp (chỉ còn 3.000đ/kg), thiệt hại sản lượng do sâu đục củ khoai khoảng 10 ha
x 27 tấn/ha = 270 tấn khoai x 20% = 54 tấn x 3 triệu đ/tấn, tương đương khoảng 162
triệu đồng.
Trước tình hình trên, thực hiện
nhiệm vụ chuyên môn được giao và chỉ đạo của Uỷ ban nhân tỉnh Sở Nông nghiệp và
PTNT lập Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng trên địa bàn tỉnh năm
2013, cụ thể như sau:
II. CÁC CĂN CỨ
LẬP KẾ HOẠCH:
- Căn cứ Công văn số 498/TTg-KTN ngày
13/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ phòng chống bệnh chổi rồng hại
nhãn;
- Căn cứ Pháp lệnh số
36/2001/PL-UBTVQH10 ngày 25/7/2001 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bảo vệ và kiểm
dịch thực vật; Nghị định số 58/2002/NĐ-CP ngày 03/6/2002 của Chính phủ về ban
hành Điều lệ Bảo vệ thực vật, Điều lệ Kiểm dịch thực vật và Điều lệ Quản lý thuốc
bảo vệ thực vật;
- Căn cứ Quyết định số 173/QĐ-UBND
ngày 08 tháng 02 năm 2012 của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long về việc
công bố dịch bệnh chổi rồng trên cây nhãn ở địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
III. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU:
- Mục tiêu chung là chủ động phòng
ngừa, khống chế, dập tắt kịp thời không để dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng bộc
phát, lây lan trên diện rộng gây thiệt hại nặng cho người sản xuất nhằm ổn định
phát triển sản xuất nông nghiệp, đóng góp cho kinh tế trong khu vực nông thôn
phát triển góp phần thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
- Nâng cao hơn nữa ý thức trong hệ
thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và rộng rãi trong nhân dân, nhất là đối với
người trực tiếp sản xuất trồng trọt về những nguy cơ, tác hại của các loại dịch
bệnh nguy hiểm trên cây trồng gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân khu vực
nông thôn, đặc biệt các loại dịch hại nguy hiểm, gồm: Bệnh chổi rồng hại nhãn,
sâu đục trái cây có múi, sâu đục củ khoai lang đã xuất hiện và gây hại trong thời
gian qua. Xác định và làm cơ sở đánh giá nhiệm vụ của các tổ chức, cá nhân, cộng
đồng và nhân dân trong việc chủ động phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm
trên cây trồng.
- Tuyên truyền, vận động người
nông dân hiểu biết về tính nguy hại các loại dịch bệnh, nắm rõ và thực hiện tốt
các biện pháp cơ bản về sản xuất an toàn và chủ động phòng chống các loại dịch
bệnh có hiệu quả.
- Triển khai thực hiện các giải
pháp về kỹ thuật để chủ động phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, hạn chế đến
mức thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra, góp phần phát triển sản xuất, ổn định
đời sống người dân. Qua đó, góp phần hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế
- xã hội của tỉnh.
- Việc tổ chức ra quân thực hiện
công tác phòng, chống các loại dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng phải có sự dồn
sức và quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở và của nhân
dân trong tỉnh.
- Các công việc đề ra phải được thực
hiện một cách nghiêm túc, đạt yêu cầu; có phân công rõ trách nhiệm và thời gian
hoàn thành của từng tập thể, cá nhân theo nhiệm vụ đã phân công nhằm đạt được mục
đích kế hoạch đề ra.
- Căn cứ kế hoạch chung từng bộ phận,
cá nhân xây dựng chương trình công tác cụ thể để triển khai thực hiện đạt kết
quả.
- Quản lý và sử dụng kinh phí đúng
mục đích, tiết kiệm, chống lãng phí, làm thất thoát trong quá trình triển khai
thực hiện nhiệm vụ.
IV. NỘI DUNG THỰC HIỆN:
1. Công tác thông tin, tuyên truyền:
- Tuyên truyền về tác hại của dịch bệnh trên các
loại cây trồng như: Bệnh chổi rồng trên nhãn, sâu đục trái trên cây có múi, sâu
gây hại củ khoai lang bằng nhiều hình thức như: Phát tài liệu bướm, tuyên truyền
trên phương tiện thông tin đại chúng: Báo Vĩnh Long,
Đài PTTH Vĩnh Long, Phân xã Vĩnh Long, Đài truyền thanh các huyện, thị
xã, thành phố về tình hình dịch hại trên các
loại cây trồng hiện nay.
- CBKT tham gia viết
bài đăng trên báo, tạp chí...phản ánh về tình hình dịch bệnh diễn ra trong tỉnh
để khuyến cáo bà con nông dân có biện pháp phòng trị kịp thời đạt hiệu quả
- Biên soạn và in ấn
tài liệu:
+ Kỹ thuật phòng trừ nhện lông nhung truyền
bệnh chổi rồng hại nhãn và biện pháp quản lý.
+ Quy trình kỹ thuật quản lý tổng hợp sâu
đục trái cây có múi.
+ Biện pháp quản lý sâu đục củ khoai
lang.
2. Tập huấn kỹ thuật:
- Kỹ thuật phòng trừ nhện lông nhung truyền
bệnh chổi rồng hại nhãn và biện pháp quản lý bệnh chổi rồng trên cây nhãn theo
tài liệu của Cục BVTV và Chi cục BVTV Vĩnh Long.
- Quy trình kỹ thuật quản lý tổng hợp sâu
đục trái cây có múi, do Chi cục BVTV Vĩnh Long biên soạn.
- Biện pháp quản lý sâu đục củ khoai
lang, tài liệu do Chi cục BVTV Vĩnh Long biên soạn.
3. Xây dựng mô hình trình diễn “Quản lý sâu đục
trái cây có múi”:
- Quy mô: 1 ha/mô.
- Địa điểm: Xã Ngãi Tứ, huyện Tam Bình.
4. Mở Bệnh viện cây trồng (BVCT) lưu
động:
- Đối tượng phục vụ: Nông dân.
- Nội dung: Thông tin tuyên truyền về dịch hại
chủ yếu xảy ra ở địa phương và các biện pháp quản lý tổng hợp phòng ngừa loài dịch
hại đó; giám định, chẩn đoán mẫu sâu bệnh trên cây trồng do nông dân mang đến
và ra toa hướng dẫn cách phòng trị hữu hiệu.
- Địa điểm: Tại một số chợ xã, nơi đông người
trong tỉnh (nơi có điểm nóng về dịch hại trên cây trồng).
- Số lượng: 24 chuyến.
5. Thời gian thực hiện: Từ tháng 7/2013 đến
12/2013.
V. KINH PHÍ: (Kèm
theo dự trù chi tiết).
1. Tổng kinh phí: 343.360.000 đồng
(Ba trăm bốn mươi ba triệu, ba trăm sáu mươi
ngàn đồng).
Trong đó:
- Công tác tuyên truyền, tổ chức triển khai = 90.000.000
đ
- Tập huấn cho nông dân:
1.480.000 đ/cuộc x 100 cuộc = 148.000.000 đ
- Mô hình khắc phục sâu đục trái trên cây có
múi:
1mô hình x 17.000.000 đ = 17.000.000 đ
- Bệnh xá cây trồng lưu động:
3.140.000đ/chuyến x 24 chuyến = 75.360.000đ
- Mua trang thiết bị phục vụ BXCT và tập huấn
nông dân = 13.000.000 đ
2. Đơn vị quản lý và sử dụng kinh phí: Chi
cục Bảo vệ thực vật Vĩnh Long
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:
1. Củng cố lại hoạt động của các Ban Chỉ đạo
và Tổ giúp việc cho BCĐ từ tỉnh đến huyện: Để phối hợp triển khai thực hiện
tốt Kế hoạch phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng trên địa bàn tỉnh
năm 2013.
2. Công tác tổ chức triển khai, báo cáo và tổng
kết:
Tổ chức họp triển khai kế hoạch phòng chống dịch
bệnh trên cây trồng cho Ban chỉ đạo tỉnh, huyện.
Tiến hành tập huấn cho cán bộ các ban ngành đoàn
thể ở 8 huyện, thị, thành phố về công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng.
Tổ chức 01 cuộc tổng kết công tác phòng chống dịch
bệnh trên cây trồng.
Tổ chức cho nông dân đi tham quan mô hình của tỉnh
bạn để cùng học tập kinh nghiệm lẫn nhau trong công tác phòng chống dịch bệnh
trên cây trồng.
Báo cáo tiến độ thực hiện về Ban chỉ đạo tỉnh
vào chiều thứ tư hàng tuần
3. Phân công nhiệm vụ:
- Sở Nông nghiệp và PTNT (Thường trực BCĐ tỉnh):
Huy động lực lượng ngành từ tỉnh đến cơ sở tham gia thực hiện; làm đầu mối phối
hợp các sở, ngành tỉnh liên quan và các địa phương trong tổ chức triển khai thực
hiện; phân công nhiệm vụ cụ thể cho Chi cục BVTV, Trung tâm Khuyến nông, Thanh
tra Sở Nông nghiệp & PTNT chuẩn bị tốt về nhân lực, vật lực, phối hợp chặt
chẽ với các địa phương để triển khai thực hiện đạt kết quả cao. Thường xuyên kiểm
tra đôn đốc để việc tổ chức thực hiện theo đúng nội dung kế hoạch và đạt theo
tiến độ đề ra; theo dõi tình hình thực hiện, sơ tổng kết đánh giá để rút kinh
nghiệm trong công tác chỉ đạo.
- Sở Tài chính chuẩn bị nguồn kinh phí, cấp phát
kịp thời cho việc thực hiện các hoạt động; trường hợp kinh phí vượt quá khả
năng của tỉnh, địa phương cần có phương án trình Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét
giải quyết.
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh: Đài truyền
thanh huyện, thành phố dành thời lượng ưu tiên cho công tác tuyên truyền trong
công tác phòng, chống dịch bệnh.
- Các đơn vị đoàn thể (Hội Nông dân, Hội Liên hiệp
Phụ nữ, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh) có trách nhiệm
vận động đoàn, hội viên và quần chúng nhân dân tham gia các hoạt động trong
công tác phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm trên cây trồng.
- Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ kế
hoạch của tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể và có trách nhiệm tổ chức triển khai thực
hiện tại địa bàn mình quản lý, tập trung chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn
thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, chỉ đạo phối hợp thực hiện hoàn tất các thủ tục
quyết toán kinh phí theo đúng quy định và chịu trách nhiệm về số liệu, tính
trung thực của chứng từ thanh quyết toán. Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc
nhở các xã, phường, thị trấn trong thời gian thực hiện kế hoạch. Tổ chức sơ, tổng
kết đánh giá và báo cáo kịp thời theo yêu cầu.
- Trong thời gian thực hiện kế hoạch phòng, chống
dịch bệnh cần theo dõi phát hiện những nhân tố tích cực để khen thưởng kịp thời
và kiểm điểm xử lý các trường hợp tiêu cực sai phạm. Để làm tốt công tác này tỉnh
sẽ thành lập Đoàn kiểm tra, phúc tra để có đánh giá kết quả thực hiện một cách
khách quan, sát với thực tế làm cơ sở đúc kết kinh nghiệm cho những năm tiếp
theo.
- BCĐ các cấp thực hiện nghiêm chế độ báo cáo,
sơ tổng kết sau khi kết thúc. Thực hiện chế độ họp báo theo quy định.
Trên đây là nội dung Kế hoạch phòng, chống dịch
bệnh nguy hiểm trên cây trồng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long năm 2013, Sở Nông
nghiệp & PTNT trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt kế hoạch để sở sớm triển
khai thực hiện hoàn thành nhiệm vụ được giao./.