Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Công văn 3449/BNN-BVTV năm 2013 báo cáo tổng kết chiến dịch phòng chống dịch bệnh chổi rồng hại nhãn tại Đồng bằng sông Cửu Long do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Số hiệu 3449/BNN-BVTV
Ngày ban hành 26/09/2013
Ngày có hiệu lực 26/09/2013
Loại văn bản Công văn
Cơ quan ban hành Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Người ký Lê Quốc Doanh
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường,Thể thao - Y tế,Văn hóa - Xã hội

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 3449/BNN-BVTV
V/v: Báo cáo tổng kết chiến dịch phòng chống dịch bệnh chổi rồng hại nhãn tại ĐBSCL

Hà Nội, ngày 26 tháng 09 năm 2013

 

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Trước tình hình bệnh chổi rồng hại nhãn phát sinh thành dịch và gây thiệt hại nghiêm trọng tại Đồng bằng sông Cửu Long, ngày 13 tháng 4 năm 2012 Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 498/TTg-KTN về việc hỗ trợ phòng chống dịch chổi rồng hại nhãn. Bộ Tài chính ban hành văn bản số 7372/BTC-NSNN ngày 01 tháng 6 năm 2012 về chính sách hỗ trợ phòng chống, dập dịch chổi rồng hại nhãn. Chủ tịch UBND các tỉnh đã chỉ đạo triển khai thực hiện các biện pháp phòng chống dịch chổi rồng hại nhãn theo hướng dẫn kỹ thuật của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và thực hiện chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho nông dân trồng nhãn theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Đầu năm 2013, dịch bệnh chổi rồng hại nhãn đã cơ bản được khống chế. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thống nhất với các địa phương kết thúc chiến dịch phòng chống dịch chổi rồng hại nhãn có sự hỗ trợ 01 lần theo văn bản số 498/TTg-KTN của Thủ tướng Chính phủ kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2013.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kính trình Thủ tướng Chính phủ Báo cáo kết quả chống dịch bệnh chổi rồng hại nhãn tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long thời gian qua (báo cáo kèm theo).

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ trưởng (để b/c);
- Bộ Tài chính;
- UBND các tỉnh;
- Sở NN&PTNT các tỉnh;
- Lưu: VT, BVTV.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Lê Quốc Doanh

 

BÁO CÁO

KẾT QUẢ PHÒNG CHỐNG DỊCH BỆNH CHỔI RỒNG HẠI NHÃN Ở ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG
(Kèm theo công văn số: 3449/BNN-BVTV ngày 26 tháng 9 năm 2013 của Bộ Nông nghiệp & PTNT)

A. DIỄN BIẾN VÀ KẾT QUẢ CHỐNG DỊCH CHỔI RỒNG HẠI NHÃN TẠI CÁC TỈNH ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

I. DIỄN BIẾN DỊCH BỆNH CHỔI RỒNG HẠI NHÃN

Bệnh chổi rồng hại nhãn do một loại vi sinh vật gây ra. Hiện nay, trên thế giới vẫn còn những ý kiến khác nhau về tác nhân gây bệnh. Theo báo cáo của Viện nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, ký sinh gây bệnh là Phytoplasma, trong đó nhện lông nhung (Eriophyes dimocarpi) được xác định là môi giới chính truyền bệnh chổi rồng hại nhãn. Bệnh gây hại chủ yếu trên đọt non, nụ hoa. Khi đọt non phát triển dài khoảng 2-3 cm, lá bị biến dạng, co lại và mọc thành từng chùm như bó chổi. Chùm hoa bị bệnh co cụm, không đậu quả hoặc đậu rất ít quả. Các chùm hoa, quả bị bệnh nặng bị khô dần và chết.

Bắt đầu từ năm 2009 bệnh chổi rồng hại nhãn đã liên tục phát triển với diện tích nhiễm bệnh và tác hại ngày càng gia tăng và đến năm 2012 đã phát sinh thành dịch trên diện rộng và gây thiệt hại nặng cho nhiều vườn trồng hại nhãn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông nam bộ. Có 14 tỉnh, thành phố có diện tích nhiễm bệnh lớn và nguy cơ thiệt hại nghiêm trọng về năng suất, sản lượng; trong đó 7 tỉnh có nhiều diện tích nhãn nhiễm bệnh nặng đã công bố dịch vào cuối năm 2011 - đầu năm 2012 là Đồng Tháp, Sóc Trăng, Tiền Giang, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang.

Đến đầu tháng 01 năm 2012 tổng diện tích nhãn bị nhiễm bệnh chổi rồng tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 24.452 ha, trong đó, diện tích nhiễm nặng là 12.907 ha.

Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng trên diện rộng, vượt quá khả năng khống chế của địa phương và nông dân, theo đề nghị của Ủy ban nhân dân các tỉnh có dịch, cơ quan chuyên ngành bảo vệ thực vật, và căn cứ tình hình thực tế, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã có văn bản số 483/BNN-BVTV ngày 01/03/2012 trình Thủ tướng Chính phủ đề nghị hỗ trợ kinh phí chống dịch cho các địa phương nói trên. Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định số 498/TTg-KTN ngày 13/04/2012 về việc hỗ trợ phòng chống bệnh chổi rồng hại nhãn.

II. CÔNG TÁC CHỈ ĐẠO CHỐNG DỊCH VÀ THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH 498/TTg-KTN CỦA CHÍNH PHỦ

1. Công tác chỉ đạo ở trung ương

- Trước tình hình dịch bệnh lây lan nhanh chóng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả Miền Nam và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh tổ chức Hội thảo về bệnh chổi rồng hại nhãn và biện pháp quản lý vào ngày 17/08/2011 tại tỉnh Tiền Giang. Từ kết quả của hội thảo này, Cục Bảo vệ thực vật đã ban hành quy trình tạm thời và hướng dẫn phòng chống dịch bệnh chổi rồng hại nhãn để các địa phương tổ chức thực hiện thống nhất và đồng loạt.

- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành công điện số 18/CĐ-BNN-VP, ngày 29/08/2011 về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng trừ bệnh chổi rồng hại nhãn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long và miền Đông nam bộ tập trung chỉ đạo, thực hiện tốt công tác phòng trừ bệnh chổi rồng hại nhãn; hướng dẫn nông dân áp dụng các biện pháp kỹ thuật có hiệu quả để khống chế bệnh hại.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ ban hành công văn số 498/TTg-KTN ngày 13/04/2012 về việc hỗ trợ phòng chống bệnh chổi rồng hại nhãn.

- Bộ Tài chính ban hành công văn số 7372/BTC-NSNN ngày 01/6/2012 về Chính sách hỗ trợ phòng chống, dập dịch chổi rồng hại nhãn.

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị triển khai thực hiện công văn 498/TTg-KTN cho 7 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã công bố dịch tại Tiền Giang vào ngày 27/04/2012.

- Cục Bảo vệ thực vật thành lập Ban chỉ đạo chống dịch cấp Trung ương để chỉ đạo chiến dịch; tổ chức khảo nghiệm và trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn bổ sung 27 loại thuốc trừ nhện lông nhung vào danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép sử dụng ở Việt Nam.

- Cục Bảo vệ thực vật phối hợp với Viện Nghiên cứu cây ăn quả miền Nam, Trung tâm khuyến nông Quốc gia biên soạn và phát hành Sổ tay hướng dẫn Phòng trừ nhện lông nhung truyền bệnh chổi rồng hại nhãn. Phối hợp Đài truyền hình Vĩnh Long xây dựng, phát hành đĩa VCD hướng dẫn phòng trừ bệnh chổi rồng hại nhãn rộng rãi cho các địa phương; tổ chức các đoàn đi kiểm tra, đôn đốc tiến độ công tác phòng chống dịch chổi rồng hại nhãn.

2. Công tác chỉ đạo ở địa phương

Đến tháng 9/2011, diễn biến dịch bệnh ngày càng phức tạp, mức độ gây hại ngày càng lớn nên Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Tiền Giang, Đồng Tháp, Sóc Trăng, Trà Vinh, Vĩnh Long, Cần Thơ và Hậu Giang quyết định công bố dịch bệnh chổi rồng hại nhãn trên phạm vi toàn tỉnh với tổng diện tích nhiễm bệnh là 27.151,5 ha (trong đó diện tích nhiễm nặng là 20.313,6 ha, nhiễm nhẹ - trung bình là 6.837,9 ha) trên tổng diện tích trồng hại nhãn là 32.657,9 ha (phụ lục 1).

Các cơ quan chuyên môn của các tỉnh công bố dịch đã chủ động xây dựng kế hoạch phòng chống dịch, tập trung vào một số nội dung chủ yếu như: Thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh chổi rồng hại nhãn; tổ chức điều tra theo dõi diễn biến của bệnh chổi rồng hại nhãn; in tài liệu hướng dẫn cách nhận biết và phòng trừ bệnh; thực hiện chuyên mục khuyến nông trên đài phát thanh và truyền hình của tỉnh về trách nhiệm và nghĩa vụ của chủ vườn nhãn trong điều kiện công bố dịch; tổ chức các lớp huấn luyện cho cán bộ kỹ thuật về biện pháp quản lý bệnh và các lớp tập huấn quy trình phòng trừ bệnh cho nông dân. Một số tỉnh đã có chính sách hỗ trợ bằng tiền cho nông dân phòng chống bệnh và xây dựng một số mô hình Quản lý tổng hợp bệnh chổi rồng hại nhãn.

III. KẾT QUẢ TRIỂN KHAI CÔNG TÁC CHỐNG DỊCH CHỔI RỒNG HẠI NHÃN VÀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CỦA CHÍNH PHỦ TẠI CÁC ĐỊA PHƯƠNG

[...]