THÀNH
PHỐ HỒ CHÍ MINH
ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN THỦ ĐỨC
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1225/2007/QĐ-UBND
|
Thủ Đức, ngày 17 tháng 04 năm 2007
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG MẠNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NỘI BỘ CỦA
ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN THỦ ĐỨC
ỦY BAN NHÂN DÂN QUẬN THỦ ĐỨC
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân
dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 479/2004/QĐ-UB ngày 04/6/2004 của Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức về ban hành quy chế tổ
chức và hoạt động của Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức nhiệm kỳ 2004 - 2009;
Xét đề nghị của Chánh Văn phòng Hội
đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân quận,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo quyết định này Quy chế quản
lý, sử dụng mạng công nghệ thông tin nội bộ của Ủy ban nhân dân quận Thủ Đức:
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân
dân quận, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND 12 phường
chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Nơi nhận:
- VP.HĐND-UBND thành phố;
- Sở Tư pháp thành phố;
- TT.HĐND - UBND quận;
- Như điều 3;
- Lưu: VT, CNTT.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN QUẬN
CHỦ TỊCH
Trần Công Lý
|
QUY CHẾ
VỀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG MẠNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN NỘI BỘ CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN
QUẬN THỦ ĐỨC
(Ban hành kèm theo quyết định số 1225/2007/QĐ-UBND ngày 17/04/2007 của Ủy ban nhân dân Quận Thủ Đức)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH
CHUNG
Điều 1. Mạng công nghệ thông tin nội bộ của Ủy ban
nhân dân quận Thủ Đức (gọi tắt là mạng nội bộ) là một hệ thống gồm các thiết bị
mạng, các phần mềm, đường cáp, máy vi tính và các máy móc thiết bị tin học khác
được liên kết đấu nối với nhau nhằm phục vụ cho công tác quản lý nhà nước và điều
hành tác nghiệp của các đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân Quận bao gồm các cơ
quan chuyên môn nghiệp vụ, đơn vị sự nghiệp, cơ quan phối hợp và Ủy ban nhân
dân 12 phường:
- Mạng nội bộ được kết nối với mạng
diện rộng (WAN) Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Văn phòng Chính phủ;
- Một số máy vi tính trong mạng nội bộ
được kết nối với internet để liên thông với các Sở, ngành
chuyên môn, cập nhật thông tin cho website Thủ Đức, cập nhật
các phần mềm bảo mật, chống virus trên
mạng internet. Giao Văn phòng HĐND và UBND quận quy định danh sách máy vi tính
được truy cập internet.
Điều 2. Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân
quận Thủ Đức chịu trách nhiệm quản lý chung toàn bộ hệ thống mạng, quản lý các
máy chủ; hướng dẫn các đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân Quận khai thác, sử dụng,
bảo vệ trang thiết bị và dữ liệu thông tin trên mạng;
- Các đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân Quận tham gia mạng nội bộ (gọi tắt là
đơn vị thành viên mạng) chịu trách nhiệm quản lý các thiết
bị tin học, các phần mềm tin học, các cơ sở dữ liệu thông tin do Ủy ban nhân dân quận giao cho đơn vị sử dụng trong mạng nội bộ.
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM
VỤ CỦA TỔ CÔNG NGHỆ THÔNG TIN VÀ QUẢN LÝ MẠNG NỘI BỘ
Điều 3. Tổ Công nghệ thông tin Văn phòng
HĐND và UBND quận (gọi tắt là Tổ Công nghệ thông tin) bao gồm một số cán bộ
công chức của Văn phòng HĐND và UBND quận do Chánh văn phòng HĐND và UBND quận
phân công để làm nhiệm vụ quản trị hệ thống mạng nội bộ và mạng diện rộng.
Điều 4. Tổ Công nghệ thông tin có nhiệm vụ giúp cho Ủy
ban nhân dân Quận tổ chức thực hiện:
1. Đảm bảo cho hệ thống mạng hoạt động
thông suốt, phục vụ mọi yêu cầu truyền nhận thông tin trong phạm vi kết nối,
theo thời gian làm việc của cơ quan.
2. Quản lý các thiết bị tin học, thiết
bị truyền thông trong quá trình vận hành.
3. Lập kế hoạch bảo trì, nâng cấp,
thay thế, bổ sung, thực hiện thay đổi vị trí lắp đặt các
thiết bị tin học trong hệ thống mạng do Ủy ban nhân dân Quận quản lý.
4. Quản lý quyền truy cập của các đơn
vị thành viên, bảo mật, phòng chống virus, quản lý các cơ sở dữ liệu, quản lý
các phần mềm hệ thống và các phần mềm dùng chung trên mạng.
5. Thiết lập, thay đổi tham số mạng,
cấu hình thông số kỹ thuật của thiết bị thuộc hệ thống mạng nội bộ.
6. Thường xuyên kiểm tra vận hành
trong hệ thống mạng nhằm phát hiện trục trặc kỹ thuật, sự cố phần cứng, phần mềm
để có biện pháp khắc phục kịp thời.
Điều 5. Trách nhiệm của các đơn vị thành viên mạng:
1. Đơn vị thành viên mạng chịu trách
nhiệm quản lý sử dụng các trang thiết bị tin học (máy vi tính, switch/hub, máy in, máy quét, thiết bị lưu trữ...), các tham số mạng,
thông số kỹ thuật hệ thống mạng nội bộ, các phần mềm dùng chung và phần mềm quản lý ứng dụng chuyên ngành do Ủy ban nhân dân quận cài đặt
tại đơn vị mình phụ trách.
2. Căn cứ quyền truy cập vào mạng nội
bộ, thủ trưởng các đơn vị thành viên mạng chịu trách nhiệm phân công nhân sự và
cụ thể hóa việc quản lý, truy cập, sử dụng và khai thác
các tài liệu trên mạng.
3. Người được phân công nhiệm vụ quản
lý, truy cập, sử dụng và khai thác các tài liệu thuộc mạng nội bộ phải tuân thủ
các quy định về truy cập, khai thác, sử dụng mạng. Trong quá trình sử dụng, nếu
có xảy ra sự cố kỹ thuật hoặc hư hỏng các thiết bị tin học,
các phần mềm thuộc hệ thống mạng nội bộ thì phải ghi lại nguyên nhân và kịp thời
thông báo cho Tổ Công nghệ thông tin biết để phối hợp với đơn vị thành viên mạng
giải quyết sự cố theo chức năng, nhiệm vụ được phân cấp.
- Không tự tiện di chuyển đường cáp,
các thiết bị mạng, hoặc tự ý can thiệp vào phần cứng và các trang thiết bị tin
học khác do Ủy ban nhân dân quận giao. Không tự ý xóa bỏ,
can thiệp vào bất kỳ phần mềm nào đã được Ủy ban nhân dân quận cài đặt trên mạng,
không tự tiện cài đặt thêm các phần mềm quản lý, chương trình ứng dụng khác vào
các máy trạm thuộc hệ thống mạng nội bộ. Trường hợp có yêu cầu cài đặt thêm các
phần mềm vào máy trạm để phục vụ công tác quản lý Nhà nước,
các đơn vị thành viên cần có sự trao đổi thống nhất với Tổ Công nghệ thông tin;
- Không được tiết lộ mật khẩu truy cập
vào mạng cho người không có trách nhiệm. Không được thay đổi tham số mạng, cấu
hình đã thiết lập ban đầu.
Điều 6. Trách nhiệm của Văn phòng HĐND và UBND quận:
- Tiếp nhận, quản lý, theo dõi, kiểm
tra thiết bị của hệ thống mạng và các phần mềm dùng chung, phần mềm quản lý ứng
dụng chuyên ngành thuộc Đề án 112 do Thành phố, Sở ngành chuyên môn giao cho Quận;
- Tham mưu Ủy ban nhân dân quận xây dựng,
trang bị các phần mềm quản lý, ứng dụng chuyên ngành của quận;
- Lập dự trù kinh phí hàng năm theo
quy định để duy trì website Thủ Đức, thực
hiện duy tu, bảo trì, nâng cấp, thay thế, bổ sung, thay đổi
vị trí lắp đặt các thiết bị tin học trên mạng nội bộ nhằm đảm bảo cho hệ thống
mạng hoạt động thông suốt, hiệu quả.
Điều 7. Chế độ bảo mật tài liệu và cơ sở dữ liệu trên mạng
nội bộ
1. Tất cả các máy trạm khai thác
thông tin trên mạng đều phải tạo lập chế độ lưu giữ thông tin theo phân cấp quy
định (ngoài việc lưu trữ trên máy, tất cả các dữ liệu đều phải sao lưu dự phòng
bằng các thiết bị lắp ngoài tùy theo dung lượng thông tin lưu trữ như: đĩa cứng,
đĩa mềm, đĩa CD-R...). Khi các máy khai thác thông tin trên mạng hư hỏng hay cần
sửa chữa, thay thế, nhất thiết phải tháo gỡ thiết bị lưu
trữ thông tin lắp đặt trong hoặc xóa hết các thông tin dữ liệu và các phần mềm ứng dụng liên quan đến công tác điều hành quản lý của đơn vị được
lưu trên máy này.
2. Khi các mạng LAN, WAN thành viên
có nhu cầu kết nối, mở rộng thêm máy trạm mới, cần thông
báo cho Tổ Công nghệ thông tin biết để đưa vào danh mục quản lý trước khi thực hiện.
3. Các máy tính đã đăng ký tham gia
hoạt động trên mạng nội bộ không được đấu nối với mạng
internet, trừ những máy trong danh sách được truy cập internet hoặc không được
đấu nối với mạng máy tính khác.
Chương III
GỞI THÔNG TIN VÀ
KHAI THÁC THÔNG TIN TRÊN MẠNG
Điều 8. Thông tin truyền - nhận trên mạng gồm các hình
thức, thể loại thông tin như sau:
1. Các văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị định 101/CP ngày 23/09/1997
của Chính phủ.
2. Các văn bản quy phạm pháp luật do
UBND Thành phố ban hành.
3. Các văn bản quy phạm pháp luật do
UBND quận ban hành.
4. Công văn đi - đến giữa Văn phòng
HĐND và UBND Quận, các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp,
đơn vị phối hợp và 12 UBND phường trực thuộc quận với UBND Thành phố, Văn phòng
HĐND và UBND Thành phố, các Sở; Ngành cấp Thành phố, Ủy
ban nhân dân các quận, huyện trong thành phố và ngược lại.
5. Các báo cáo định kỳ (tháng, quý, 6
tháng, năm) báo cáo đột xuất, báo cáo chuyên đề, lịch làm việc hàng tuần,
chương trình và kết quả công tác.
6. Các văn bản hành chính để giải quyết
các công việc cụ thể như phê duyệt dự án, công văn xin ý kiến chỉ đạo của Thường
trực Ủy ban nhân dân Quận, các quyết định cá biệt khác.
7. Thông tin chuyên đề về quy hoạch,
kế hoạch.
8. Các văn bản sao y gởi các đơn vị
thuộc Quận.
9. Thư điện tử trao đổi công tác.
10. Truyền thông trực tuyến.
11. Cơ sở dữ liệu phục vụ cho các phần
mềm dùng chung, phần mềm quản lý hành chính, phần mềm quản lý đô thị.
12. Những thông tin khác được phép phổ
biến.
Điều 9. Thông tin không được phép truyền trên mạng
Các văn bản có đóng dấu mật, tối mật,
tuyệt mật không được phép truyền trên mạng.
Điều 10. Tính pháp lý của các thông tin trên mạng
Các văn bản được truyền trên mạng nội
bộ có giá trị tương đương văn bản gốc, các cơ quan hữu quan có trách nhiệm
nghiêm chỉnh thi hành khi nhận được các văn bản điện tử. Đồng
thời với việc truyền thông tin văn bản trên mạng nội bộ, các
đơn vị phải gởi văn bản gốc (bằng giấy) theo đường công
văn quy định đến các cơ quan hữu quan.
Điều 11.
Quyền khai thác mạng
1. Các đơn vị thành viên mạng được
quyền khai thác và gởi các thông tin lên mạng nội bộ nhằm phục vụ cho công tác
quản lý Nhà nước.
2. Chỉ được phép truy cập khai thác
chia sẻ tài nguyên mạng nhằm mục đích
hoạt động công vụ theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan,
đơn vị.
3. Chỉ có người được giao nhiệm vụ quản
trị mạng mới được phép làm việc trực tiếp trên máy chủ - máy phục vụ truyền
thông (Server) đặt tại cơ quan Văn phòng HĐND và UBND Quận, được phép quản lý
việc truy cập, khai thác của các đơn vị thành viên mạng.
4. Văn phòng HĐND và UBND Quận là đầu
mối tiếp nhận văn bản đi, đến và thực hiện việc luân chuyển
văn bản nội bộ qua mạng, thực hiện chức năng phát hành văn bản chính thức của
UBND quận với các đơn vị thành viên mạng.
5. Thời gian khai thác mạng thực hiện
theo ngày giờ làm việc do cơ quan quy
định. Ngoài giờ làm việc phải có sự đồng ý của cơ quan cấp có thẩm quyền quản lý mạng.
Điều 12.
Chuẩn công nghệ thông tin và thông tin
1. Chuẩn công nghệ thông tin trên mạng
nội bộ phải phù hợp với với chuẩn thông tin mạng diện rộng
của Văn phòng HĐND và UBND thành phố và Văn phòng chính phủ.
2. Giao thức kết
nối mạng vi tính nội bộ là TCP/IP với đường truyền mạng LAN (mỗi máy tính sẽ được
cung cấp 1 địa chỉ IP để kết nối mạng).
3. Thông tin cập nhật vào mạng phải sử
dụng các phông chữ của bộ mã ký tự chữ Việt theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN
6909:2001 (phông chữ tiếng Việt Unicode) và văn bản được soạn thảo theo đúng thể
thức và kỹ thuật trình bày văn bản được quy định tại Thông tư
55/2005/TTLT-BNV-VPCP.
4. Văn bản gởi trên mạng phải ghi đủ
số ký hiệu, ngày, tháng, năm ban hành và ghi kèm đã ký sau tên người ký văn bản.
Chương IV
TRÁCH NHIỆM VÀ XỬ
LÝ VI PHẠM
Điều 13. Thủ trưởng đơn vị thành viên mạng là người chịu
trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin theo yêu cầu, chịu trách nhiệm về tính
chính xác của thông tin khi cập nhật, bảo mật thông số kỹ thuật nhập mạng đã được
cấp, đồng thời tổ chức phòng chống virus trên máy của đơn vị.
Điều 14. Đơn vị, cá nhân nào vi
phạm quy chế này gây thiệt hại thiết bị hệ thống mạng, phần mềm ứng dụng, cơ sở
dữ liệu trên mạng nội bộ của Quận, vi phạm chế độ bảo mật, phát tán virus sẽ bị
xử lý hình thức kỷ luật; trường hợp hành vi có dấu hiệu tội phạm thì bị truy cứu
trách nhiệm hình sự.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI
HÀNH
Điều 15. Văn phòng HĐND và UBND quận và các đơn vị thành
viên mạng trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm
kiểm tra việc thực hiện quy chế này nhằm đảm bảo sự hoạt động thống nhất an
toàn thông tin trên mạng.
Điều 16.
Hiệu lực thi hành
1. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể
từ ngày ký quyết định ban hành.
2. Quy chế này
áp dụng cho tất cả các đơn vị, cá nhân quản lý, kết nối, cung cấp và sử dụng mạng
nội bộ của quận.