Quyết định 1215/QĐ-VPCP năm 2016 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Văn phòng Chính phủ

Số hiệu 1215/QĐ-VPCP
Ngày ban hành 15/12/2016
Ngày có hiệu lực 15/12/2016
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Văn phòng Chính phủ
Người ký Mai Tiến Dũng
Lĩnh vực Bộ máy hành chính

VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1215/QĐ-VPCP

Hà Nội, ngày 15 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CÁC VỤ, CỤC, ĐƠN VỊ THUỘC VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 150/2016/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Chính phủ;

Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quyết định này quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các Vụ, Cục, Trung tâm Tin học, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thuộc Văn phòng Chính phủ (sau đây gọi chung là đơn vị).

2. Cổng Thông tin điện tử Chính phủ thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và quy định tại Quyết định này.

Điều 2. Nguyên tắc phân công chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị

1. Bảo đảm thực hiện đúng và đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Văn phòng Chính phủ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (bao gồm các Phó Thủ tướng Chính phủ) giao và theo quy định của pháp luật.

2. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ giữa các đơn vị, bảo đảm không chồng chéo, trùng lắp, bỏ sót nhiệm vụ. Bảo đảm sự thống nhất, thông suốt, liên tục, chuyên nghiệp, hiện đại trong tổ chức và hoạt động của Văn phòng Chính phủ. Kế thừa sự phân công chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các đơn vị đã thực hiện có hiệu quả và hợp lý.

3. Đề cao trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu đơn vị trong phối hợp, xử lý công việc. Một lĩnh vực công tác chỉ giao cho một đơn vị làm đầu mối chủ trì, xử lý. Trường hợp văn bản cần xử lý liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhiều đơn vị thì giao một đơn vị liên quan đến công việc chuyên môn nhiều nhất làm đu mối tổng hợp, trình; các đơn vị khác có trách nhiệm phối hợp, tham gia ý kiến về lĩnh vực chuyên môn của mình; đơn vị chủ trì có trách nhiệm tổng hợp trung thực, đầy đủ ý kiến của các đơn vị.

Trong trường hợp có ý kiến khác nhau về phân giao văn bản đến giữa các đơn vị, Trưởng các đơn vị có trách nhiệm trực tiếp trao đổi với nhau để thống nhất đơn vị chủ trì xử lý. Nếu không thống nhất được thì đơn vị đang được phân giao văn bản báo cáo Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ xem xét, quyết định.

Đơn vị được phân giao văn bản, nếu không thuộc trách nhiệm chủ trì xử lý của đơn vị mình thì phải chuyển lại Vụ Hành chính để phân giao lại văn bản cho đơn vị khác phù hợp.

4. Giải quyết công việc theo đúng Quy chế làm việc của Chính phủ, Quy chế làm việc của Văn phòng Chính phủ và các quy chế, quy định có liên quan.

Điều 3. Nhiệm vụ, quyền hạn chung của các đơn vị

Ngoài thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Chương II Quyết định này, các đơn vị theo ngành, lĩnh vực, địa bàn được phân công theo dõi giúp Bộ trưởng, Chủ nhiệm tham mưu tổng hợp, điều phối giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn chung sau đây:

1. Phối hợp với Vụ Tổng hợp xây dựng và quản lý chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi tắt là bộ, ngành), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh), các cơ quan, tổ chức liên quan thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ; tổng hợp, đánh giá tình hình, kết quả thực hiện chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Quy chế làm việc của Chính phủ, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

2. Rà soát, theo dõi, đôn đốc việc xây dựng, thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần tập trung chỉ đạo, điều hành trong từng thời gian nhất định.

3. Thẩm tra về trình tự, thủ tục, thẩm quyền xử lý và tham mưu tổng hợp về nội dung (sau đây gọi chung là thẩm tra); có ý kiến độc lập đối với các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, báo cáo theo chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các công việc khác do các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ (bao gồm cả các dự thảo nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; các dự thảo quyết định, lệnh của Chủ tịch nước được giao Chính phủ xây dựng; dự thảo nghị quyết liên tịch giữa Chính phủ với Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam và cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội).

Phối hợp với các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cơ quan, tổ chức liên quan xác định cụ thể quan điểm, mục tiêu, định hướng xây dựng các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

4. Hoàn chỉnh nội dung, thủ tục, hồ sơ và dự thảo văn bản để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với những công việc thường xuyên khác do các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức trình.

5. Kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức xây dựng cơ chế, chính sách, các đề án, dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật để trình cấp có thẩm quyền quyết định; hoặc chủ động nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo điều hành trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

6. Giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, tổ chức liên quan; kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp cần thiết nhằm đôn đốc thực hiện, khắc phục tồn tại, hạn chế, bảo đảm kỷ cương, kỷ luật hành chính và hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước.

[...]