Quyết định 1205/QĐ-UBND năm 2023 về Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023-2030

Số hiệu 1205/QĐ-UBND
Ngày ban hành 06/11/2023
Ngày có hiệu lực 06/11/2023
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Bắc Giang
Người ký Lê Ô Pích
Lĩnh vực Tài nguyên - Môi trường

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1205/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 06 tháng 11 năm 2023

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG, GIAI ĐOẠN 2023 - 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 17 tháng 11 năm 2020;

Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 18 tháng 01 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí;

Căn cứ Quyết định số 1973/QĐ-TTg ngày 23 tháng 11 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch quốc gia về quản lý chất lượng môi trường không khí giai đoạn 2021-2025;

Căn cứ Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 13 tháng 4 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chiến lược bảo vệ môi trường quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 219/QĐ-TTg ngày 17 tháng 02 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bắc Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Công văn số 3051/BTNMT-TCMT ngày 07 tháng 6 năm 2021 của Bộ Tài nguyên và môi trường về hướng dẫn kỹ thuật xây dựng Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí cấp tỉnh;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 677/TTr-TNMT ngày 30 tháng 10 năm 2023.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch quản lý chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, giai đoạn 2023 - 2030 (Kế hoạch chi tiết kèm theo).

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- TT. Tỉnh ủy, TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Báo Bắc Giang, Đài PT-TH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Văn phòng UBND tỉnh:
+ LĐVP, TH, KTTH, NC-KSTTHC, KTN;
+ Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KTN Việt Anh.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lê Ô Pích

 

KẾ HOẠCH

QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG KHÔNG KHÍ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC GIANG, GIAI ĐOẠN 2023- 2030
(Kèm theo Quyết định số 1205/QĐ-UBND ngày 06/11/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang)

1. Đánh giá hiện trạng chất lượng môi trường không khí tỉnh Bắc Giang

Chất lượng môi trường không khí trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có sự khác biệt giữa các vùng miền và biến động theo mùa nhưng nhìn chung đang còn ở mức ổn định. Một vài thời điểm tại một số vị trí, chất lượng không khí có dấu hiệu suy giảm, gia tăng ô nhiễm trong các năm gần đây, tập trung tại một số khu vực như sau:

- Khu vực đô thị: Chất lượng không khí khu vực đô thị của tỉnh có sự khác nhau giữa khu vực phía Đông và phía Tây. Do đặc thù của điều kiện tự nhiên và địa hình nên mạng lưới đô thị của tỉnh tập trung phần lớn ở khu vực phía Tây, vùng này gồm TP. Bắc Giang, huyện Hiệp Hòa, Việt Yên, Yên Dũng, Lạng Giang, Tân Yên, Yên Thế. Vùng phía Đông bao gồm Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam có địa hình phức tạp, nhiều vùng bị chia cắt bởi sông và núi cao nên hệ thống giao thông kém phát triển, số lượng đô thị ít. Theo đó chất lượng không khí các khu vực đô thị ở phía Đông đang ở mức khá tốt, tuy nhiên tại phía Tây bao gồm đô thị loại II (TP Bắc Giang), loại IV (thị trấn Thắng) và loại V (TT Bích Động, TT Nếnh) có nguy cơ ô nhiễm bụi và tiếng ồn. Hàm lượng bụi TSP và bụi PM10 tuy vẫn nằm trong giới hạn cho phép của QCVN nhưng cục bộ một số vị trí quan trắc có dấu hiệu gia tăng từ đầu năm 2023; tiếng ồn tại nhiều khu vực đã vượt QCVN từ 1,01 - 1,14 lần.

- Khu vực các khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Chất lượng không khí tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hàm lượng bụi TSP, bụi PM10 và tiếng ồn tương đối cao. Một số khu vực có thời điểm, hàm lượng TSP trung bình 1 giờ vượt QCVN; hàm lượng bụi PM10 dao động từ 103,33 - 135 µg/m3; tiếng ồn cũng ghi nhận ở mức xấp xỉ hoặc vượt QCVN từ 1,01 - 1,14 lần.

- Khu vực làng nghề: Chất lượng không khí tại khu vực làng nghề hiện nay chưa bị ô nhiễm bởi các chất độc hại; tuy nhiên tại một số khu vực quan trắc ghi nhận hàm lượng bụi và một số chất độc hại có dấu hiệu tăng trở lại; tiếng ồn đo đạc được cũng ở mức khá cao, một số vị trí tiếng ồn vượt QCVN từ 1,002 - 1,146 lần.

- Chất lượng không khí giao thông: Mật độ giao thông ngày càng đông đúc làm gia tăng bụi TSP, PM10 tại các nút giao thông, cùng với đó là dấu hiệu ô nhiễm tiếng ồn cục bộ. Một số vị trí gần đường quốc lộ và đường liên tỉnh hàm lượng bụi TSP trung bình đo trong 1 giờ ở mức khá cao dao động từ 249-273 µg/m3; hàm lượng bụi PM10 năm 2023 có dấu hiệu tăng; tiếng ồn vượt QCVN từ 1,01-1,05 lần.

- Khu vực nông thôn: Chất lượng không khí khu vực nông thôn cơ bản đang ở mức tốt tuy nhiên tại một số khu vực nông thôn chịu tác động từ hoạt động chăn nuôi tập trung; chôn lấp rác thải; sản xuất vật liệu xây dựng và khai thác khoáng sản thường có chất lượng không khí kém hơn các khu vực khác.

[...]