Quyết định 120/TCHQ-GSQL năm 1995 về Quy chế giám sát và quản lý xăng dầu tạm nhập để tái xuất do Tổng cục trưởng Tổng Cục Hải Quan ban hành

Số hiệu 120/TCHQ-GSQL
Ngày ban hành 03/04/1995
Ngày có hiệu lực 03/04/1995
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tổng cục Hải quan
Người ký Phan Văn Dĩnh
Lĩnh vực Thương mại,Xuất nhập khẩu

BỘ TÀI CHÍNH
TỔNG CỤC HẢI QUAN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 120/TCHQ-GSQL

Hà Nội, ngày 03 tháng 4 năm 1995

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ GIÁM SÁT VÀ QUẢN LÝ XĂNG DẦU TẠM NHẬP ĐỂ TÁI XUẤT

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC HẢI QUAN

Căn cứ pháp lệnh Hải quan ngày 20-2-1990.
Căn cứ Nghị định 16/CP ngày 20-2-1994 của Chính phủ về chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Hải quan. - Căn cứ vào quy chế kinh doanh theo hình thức tạm nhập để tái xuất ban hành kèm theo Quyết định số 1064/BTM-XNK ngày 18-8-1994 của Bộ thương mại.
Căn cứ vào tính chất đặc thù của mặt hàng xăng dầu.
Để đảm bảo việc quản lý nhà nước về Hải quan được chặt chẽ, đúng pháp luật, đúng chính sách, đồng thời tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tạm nhập để tái xuất.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này bản quy chế giám sát và quản lý xăng dầu tạm nhập để tái xuất.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký.

Điều 3. Các quy định trước đây trái với quy trình này đều bãi bỏ.

Điều 4. Các ông Cục trưởng Cục Giám sát - quản lý về Hải quan, Thủ trưởng các đơn vị thuộc cơ quan Tổng cục, Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố và Giám đốc các doanh nghiệp liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Phan Văn Dĩnh

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

GIÁM SÁT VÀ QUẢN LÝ HẢI QUAN ĐỐI VỚI XĂNG DẦU TẠM NHẬP - TÁI XUẤT
(Ban hành kèm theo quyết định số 120/TCHQ-QĐ ngày 03-4-1995 của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tất cả xăng dầu tạm nhập - tái xuất đều phải làm đầy đủ thủ tục Hải quan và chịu sự kiểm tra giám sát hải quan từ khi tạm nhập cho đến khi thực tái xuất ra khỏi lãnh thổ Việt Nam.

Điều 2. Cơ sở pháp lý của hình thức tạm nhập để tái xuất xăng dầu là hai hợp đồng riêng biệt. Hợp đồng mua hàng (do doanh nghiệp Việt nam ký với doanh nghiệp nước xuất khẩu) và hợp đồng bán hàng (do doanh nghiệp Việt Nam ký với doanh nghiệp nước nhập khẩu). Hình thức hợp đồng do bên bán và bên mua thoả thuận phù hợp với thông lệ quốc tế và pháp luật Việt nam.

Điều 3. Doanh nghiệp được kinh doanh theo hình thức tạm nhập để tái xuất xăng dầu là doanh nghiệp Việt nam đã dược Bộ Thương mại cấp giấy phép kinh doanh xuất, nhập khẩu xăng dầu và được Bộ thương mại cho phép kinh doanh theo hình thức tạm nhập để tái xuất.

Điều 4. Thời gian xăng dầu kinh doanh theo hình thức tạm nhập để tái xuất được lưu chuyền tại Việt Nam, Hải quan thực hiện theo thời hạn được quy định trong giấy phép của Bộ Thương mại. Thời hạn này được tính từ ngày ghi kết quả kiểm hoá lúc tạm nhập đến ngày thực tái xuất tại hải quan cửa khẩu cuối cùng.

Điều 5. Việc nộp thuế đối với xăng dầu tạm nhập và hoàn thuế đối với xăng dầu tái xuất thực hiện theo luật thuế nhập khẩu, thuế xuất khẩu hiện hành.

Điều 6. Xăng dầu tạm nhập - tái xuất phải đi đúng tuyến, đúng đường, đúng cửa khẩu đã được cho phép.

Chương 2:

NHỮNG QUY ĐỊNH VỀ BỘ HỒ SƠ

Điều 7. Bộ hồ sơ phải nộp khi làm thủ tục tạm nhập gồm:

- Tờ khai hải quan (mẫu HQ8C-92): 3 bản.

- Giấy phép tạm nhập để tái xuất (bản chính): 2 bản.

- Hợp đồng mua hàng, hợp đồng bán hàng (bản photocopy có xác nhận của doanh nghiệp): mỗi thứ 01 bản.

[...]