BỘ
KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 12/QĐ-BKHĐT
|
Hà Nội, ngày 07 tháng 01 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP CHUYỂN ĐỔI SỐ GIAI
ĐOẠN 2021-2025
BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
Căn cứ Nghị định số 86/2017/NĐ-CP
ngày 25 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
Căn cứ Quyết định số 1881/QĐ-BKHĐT
ngày 22 tháng 12 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về chức năng, nhiệm
vụ và cơ cấu tổ chức của Cục Phát triển doanh nghiệp;
Căn cứ Quyết định số 749/QĐ-TTg
ngày 03 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình chuyển
đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục
Phát triển doanh nghiệp,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển
đổi số giai đoạn 2021-2025 ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Giao Cục Phát triển doanh nghiệp chủ trì, phối hợp
với các đơn vị trong và ngoài Bộ tổ chức thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh
nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025 theo các quy định hiện hành.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Cục
trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên
quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Thứ trưởng Trần Duy Đông;
- Lưu: VT, PTDN (4).
|
BỘ
TRƯỞNG
Nguyễn Chí Dũng
|
CHƯƠNG TRÌNH
HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP CHUYỂN ĐỔI SỐ GIAI ĐOẠN 2021-2025
(Kèm theo Quyết định số 12/QĐ-BKHĐT ngày 07 tháng 01 năm 2021 của Bộ trưởng
Bộ Kế hoạch và Đầu tư)
I. Mục tiêu và đối
tượng của Chương trình
1. Mục tiêu chung
Hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh
nghiệp thông qua tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao hiệu quả hoạt động
sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị
mới cho doanh nghiệp.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025:
a) 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận
thức về chuyển đổi số.
b) Tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được
nhận các hỗ trợ từ Chương trình như sử dụng công cụ tự đánh giá mức độ sẵn sàng
chuyển đổi số, hỗ trợ đào tạo, tư vấn, kết nối các giải pháp.
c) Tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ
trợ là các thành công điển hình trong chuyển đổi số, hướng tới các doanh nghiệp
sản xuất, chế biến.
d) Thiết lập Mạng lưới chuyên gia gồm
tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn thúc đẩy chuyển đổi số.
3. Đối tượng của Chương trình
a) Các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ
kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi sổ để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh,
nâng cao năng lực cạnh tranh.
b) Các cơ quan quản lý nhà nước, các
tổ chức hiệp hội, viện nghiên cứu, trường đại học, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ,
phát triển các công nghệ số, nền tảng số thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong
doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh.
II. Các hoạt động
của Chương trình:
1. Xây dựng các công cụ số, nền tảng
số, cơ sở dữ liệu chuyển đổi số cho doanh nghiệp
a) Xây dựng cổng thông tin tại địa chỉ
http://digital.business.gov.vn để truyền tải thông tin về Chương trình, cung cấp
kiến thức, tin tức về chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
b) Xây dựng sổ tay chuyển đổi số cho
doanh nghiệp.
c) Thu thập và kết nối thông tin về
các doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi số với doanh nghiệp cung cấp giải pháp
chuyển đổi số.
d) Xây dựng công cụ đánh giá sự mức độ
sẵn sàng chuyển đổi số cho doanh nghiệp và các công cụ hỗ trợ doanh nghiệp chuyển
đổi số.
2. Hình thành và tổ chức điều phối
mạng lưới chuyên gia tư vấn về chuyển đổi số cho doanh nghiệp
a) Tuyển chọn, đào tạo nâng cao năng
lực cho các chuyên gia tư vấn chuyển đổi số theo tiêu chuẩn, xu hướng thế giới.
b) Xây dựng quy chế và điều phối hoạt
động của mạng lưới chuyên gia tư vấn chuyển đổi số.
c) Xây dựng nền tảng kết nối doanh
nghiệp và mạng lưới chuyên gia chuyển đổi số.
3. Xây dựng và triển khai các
chương trình đào tạo chuyển đổi số cho doanh nghiệp
a) Tổ chức đào tạo, nâng cao nhận thức
cho doanh nghiệp về chuyển đổi số.
b) Đào tạo chuyên sâu theo quy mô,
giai đoạn, lĩnh vực chuyển đổi số cho doanh nghiệp.
c) Đào tạo về chiến lược chuyển đổi số
cho các chủ doanh nghiệp.
4. Triển khai hỗ trợ 100 doanh
nghiệp là thành công điển hình về chuyển đổi số
a) Tìm kiếm, đánh giá, lựa chọn các
doanh nghiệp tiềm năng, ưu tiên lĩnh vực sản xuất và chế biến, để hỗ trợ chuyển
đổi số.
b) Hỗ trợ tư vấn đánh giá mức độ sẵn
sàng chuyển đổi số, mục tiêu và các điều kiện để thực hiện chuyển đổi số của
doanh nghiệp được lựa chọn
c) Xây dựng gói hỗ trợ chuyển đổi số
chuyên biệt cho từng doanh nghiệp sau khi được đánh giá và lựa chọn.
d) Triển khai gói hỗ trợ chuyển đổi số
của doanh nghiệp, tập trung vào các hoạt động tư vấn, đào tạo, kết nối giải
pháp chuyển đổi số, hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp chuyển đổi số.
đ) Đánh giá kết quả thực hiện chuyển
đổi số của doanh nghiệp theo kế hoạch được xây dựng.
e) Thực hiện truyền thông về mô hình
chuyển đổi số thành công của doanh nghiệp để làm bài học kinh nghiệm, lan tỏa
trong cộng đồng doanh nghiệp.
5. Thúc đẩy phát triển các nền tảng
số, phù hợp với quy mô, ngành nghề và giai đoạn phát triển của doanh nghiệp
a) Triển khai phát triển các công cụ,
nền tảng số hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số theo mô hình xã hội hóa.
b) Tìm kiếm, ươm tạo các doanh nghiệp
đổi mới sáng tạo phát triển các công cụ, giải pháp công nghệ chuyển đổi số, nền
tảng số tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, hỗ trợ tiếp cận vốn hỗ trợ từ
Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa.
6. Triển khai các hoạt động truyền
thông cho Chương trình để tạo sự lan tỏa và kết nối
a) Xây dựng tài liệu, tổ chức phổ biến
thông tin, truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội về
chuyển đổi số nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng doanh nghiệp.
b) Tổ chức, hợp tác với các chuyên
gia trong nước và quốc tế về chuyển đổi số nhằm chia sẻ kinh nghiệm, kiến thức
cho các doanh nghiệp Việt Nam.
III. Tổ chức thực
hiện
1. Kinh phí thực hiện Chương trình
Kinh phí thực hiện Chương trình từ
nguồn ngân sách nhà nước, từ nguồn kinh phí đóng góp, tài trợ của các tổ chức,
cá nhân, các nguồn tài chính hợp pháp khác theo quy định hiện hành.
2. Phân công nhiệm vụ
a) Cục Phát triển doanh nghiệp
- Cục Phát triển doanh nghiệp chủ
trì, phối hợp với Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Quỹ Phát triển doanh
nghiệp nhỏ và vừa và các đơn vị trong và ngoài Bộ triển khai thực hiện Chương
trình.
- Thành lập Văn phòng chuyển đổi số
trực thuộc Cục, bố trí cán bộ kiêm nhiệm triển khai thực hiện Chương trình theo
các quy định hiện hành.
- Giám sát, đánh giá kết quả thực hiện
các hoạt động, mục tiêu của Chương trình, định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo
Lãnh đạo Bộ tình hình thực hiện.
- Trong quá trình triển khai Chương
trình, tùy theo tình hình thực tế, nghiên cứu, đề xuất, báo cáo Lãnh đạo Bộ điều
chỉnh các nội dung của Chương trình.
b) Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc
gia
- Phối hợp với Cục Phát triển doanh
nghiệp triển khai các hoạt động của Chương trình.
- Giới thiệu, kết nối chuyên gia về
chuyển đổi số trong Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam tham gia Chương trình.
- Ươm tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp đổi
mới sáng tạo phát triển các nền tảng số cho doanh nghiệp.
c) Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và
vừa
Phối hợp với Cục Phát triển doanh
nghiệp triển khai các hoạt động của Chương trình, hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận
các nguồn vốn hỗ trợ của Quỹ để chuyển đổi số, xây dựng và phát triển các nền tảng
số.
d) Các đơn vị khác
- Văn phòng Bộ: Phối hợp với Cục Phát
triển doanh nghiệp bố trí địa điểm cho Văn phòng Chuyển đổi số tại địa chỉ Lô
D25, ngõ 8B, Tôn Thất Thuyết, Cầu Giấy, Hà Nội.
- Vụ Thi đua khen thưởng và Truyền
thông: Phối hợp với Cục Phát triển doanh nghiệp để truyền thông cho Chương
trình trên các phương tiện thông tin đại chúng./.