Công văn 952/BGDĐT-GDĐH năm 2022 về cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, tăng cường triển khai các chương trình đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin; công nghệ số, marketing... do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành
Số hiệu | 952/BGDĐT-GDĐH |
Ngày ban hành | 17/03/2022 |
Ngày có hiệu lực | 17/03/2022 |
Loại văn bản | Công văn |
Cơ quan ban hành | Bộ Giáo dục và Đào tạo |
Người ký | Nguyễn Kim Sơn |
Lĩnh vực | Doanh nghiệp,Công nghệ thông tin |
BỘ
GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO |
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 952/BGDĐT-GDĐH |
Hà Nội, ngày 17 tháng 03 năm 2022 |
Kính gửi: Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hải Phòng
Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận được kiến nghị của cử tri Thành phố Hải Phòng gửi tới sau kỳ họp thứ Hai và kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV do Văn phòng Chính phủ chuyển đến tại Công văn số 580/VPCP-QHĐP ngày 22/01/2022.
Nội dung kiến nghị:
Cử tri đề nghị Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, các tỉnh/thành phố có cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (đào tạo nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ, tư vấn định hướng ứng dụng công nghệ số, số hóa qui trình quản trị doanh nghiệp...); tăng cường triển khai các chương trình đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin; công nghệ số, marketing... nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) cảm ơn sự quan tâm của cử tri Thành phố Hải Phòng, về vấn đề này Bộ GDĐT đã phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông xin được trả lời kiến nghị của cử tri quan tâm cụ thể như sau:
1. Về phía Bộ Thông tin và Truyền thông
Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số (đào tạo nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ, tư vấn định hướng ứng dụng công nghệ số, số hóa qui trình quản trị doanh nghiệp...); tăng cường triển khai các chương trình đào tạo ứng dụng công nghệ thông tin; công nghệ số, marketing... nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa, Bộ Thông tin và Truyền thông đã và đang triển khai các nội dung sau:
1. Xây dựng và trình Quốc hội Dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi, thay thế Luật Giao dịch điện tử năm 2005): Việc xây dựng Luật sẽ giúp cho các doanh nghiệp có hành lang pháp lý trong việc thực hiện các giao dịch trên môi trường Internet.
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) nhằm xây dựng một Luật thống nhất, làm căn cứ pháp lý để thực hiện chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia; khẳng định giá trị pháp lý cho thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, tài khoản giao dịch theo 4 cấp độ để phổ cập sử dụng giao dịch điện tử trong tất cả các hoạt động giao dịch, đưa ra các quy định, chính sách thực hiện giao dịch điện tử rẻ hơn, nhanh hơn, dễ dàng hơn, an toàn hơn giao dịch truyền thống, đồng thời, có các quy định công nhận giao dịch điện tử có giá trị pháp lý giống như giao dịch truyền thống trong môi trường thực. Các chính sách và các quy định cụ thể tại Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tạo điều kiện tốt hơn cho ứng dụng giao dịch điện tử trong toàn bộ hoạt động kinh tế-xã hội. Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho công cuộc chuyển đổi số của đất nước, phát triển chính phủ điện tử, thương mại điện tử.
Hiện nay, Bộ Thông tin và Truyền thông đã hoàn thành hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) và đã được Chính phủ thông qua tại Nghị quyết số 152/NQ-CP ngày 03/12/2021. Bộ Tư pháp đã bổ sung Đề nghị xây dựng Luật vào kế hoạch điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 của Chính phủ trình Quốc hội để Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) được báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10/2022 và thông qua vào năm 2023.
2. Xây dựng và tổ chức triển khai chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số: Đây là định hướng quan trọng cho doanh nghiệp trong việc xây dựng chiến lược phát triển, đảm bảo phù hợp với xu thế phát triển chung của quốc gia.
3. Tổ chức triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số (theo Quyết định số 377/QĐ-BTTTT ngày 26/3/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông): Chương trình được triển khai nhằm đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua việc sử dụng các nền tảng số xuất sắc do chương trình lựa chọn; các hoạt động của chương trình nhằm giúp các doanh nghiệp nhỏ và vừa tối ưu hoá hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế số quốc gia và trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn. Sau hơn 11 tháng triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số đã có hơn 16.000 doanh nghiệp trên cả nước sử dụng và trải nghiệm các nền tảng số Make in Vietnam xuất sắc do Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số lựa chọn, thông qua đó đã giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực tiếp cận công nghệ, từng bước số hóa quy trình quản trị doanh nghiệp.
4. Tổ chức triển khai Đề án Nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng và phát triển nguồn nhân lực chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 146/QĐ-TTg ngày 28/01/2022): Đề án đã đặt mục tiêu 100% cán bộ lãnh đạo, cán bộ công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan nhà nước, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hàng năm được đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức về chuyển đổi số, kỹ năng số, công nghệ số. Nhiệm vụ này được giao cho các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông thực hiện. Trong thời gian tới, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ có kế hoạch triển khai Đề án và hướng dẫn các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp để triển khai.
5. Nghiên cứu xây dựng và tổ chức triển khai Mạng lưới tư vấn kinh tế số và chuyển đổi số doanh nghiệp theo Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, mạng lưới tư vấn viên là tập hợp các tổ chức tư vấn và cá nhân tư vấn, có chuyên môn thuộc các lĩnh vực khác nhau đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa, được các bộ, cơ quan ngang bộ có thẩm quyền công nhận trên cơ sở các tiêu chí được ban hành và được công bố công khai để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
6. Tổ chức triển khai Đề án Xác định Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và hỗ trợ thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số (theo Quyết định số 1970/QĐ-BTTTT ngày 13/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông): Để phát triển kinh tế số, trọng tâm là chuyển đổi số doanh nghiệp. Chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp là một công cụ đo lường giúp quản lý, phát triển, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số từ đó góp phần phát triển kinh tế số.
II. Về phía Bộ Khoa học và Công nghệ
Hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo được Chính phủ giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối. Chính phủ đã ban hành Nghị định số 39/2019/NĐ-CP ngày 10/5/2019 về tổ chức và hoạt động của Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa với các chức năng cho vay, tài trợ vốn là một trong những giải pháp cần thiết để hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp nhỏ và vừa thực hiện các nội dung đổi mới sáng tạo.
Về chuyển đổi số, Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 06/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông là đầu mối triển khai hoạt động này ở Việt Nam. Để hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, tại Nghị định số 80/2021/NĐ-CP ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa có quy định doanh nghiệp mỏ và vừa được hỗ trợ 50% giá trị hợp đồng tư vấn giải pháp chuyển đổi số, đồng thời được hỗ trợ chi phí để thuê, mua các giải pháp chuyển đổi số để tự động hoá, nâng cao hiệu quả quy trình kinh doanh, quy trình sản xuất, chuyển đổi mô hình kinh doanh với mức 20 triệu đồng/doanh nghiệp siêu nhỏ, 50 triệu đồng/doanh nghiệp nhỏ và 100 triệu đồng/doanh nghiệp vừa.
Để hỗ trợ các nhà khoa học công tác tại các doanh nghiệp tham gia hoạt động đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, Bộ Khoa học và Công nghệ đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2395/QĐ-TTg ngày 25/12/2015 phê duyệt đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.
III. Về phía Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bên cạnh việc triển khai đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, marketing,... thông qua Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, thực hiện cơ chế tự chủ đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng đã có những chính sách khuyến khích hướng dẫn các cơ sở giáo dục đại học triển khai chính sách đào tạo đặc thù, tăng quy mô đào tạo cũng như gắn kết đào tạo với doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin, đồng thời nhiều cơ sở đào tạo đã tập trung đầu tư phát triển cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên để mở ngành đào tạo mới trong lĩnh vực công nghệ thông tin như Trí tuệ nhân tạo. Internet vạn vật và khoa học dữ liệu,... để đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và chuyển đổi số diễn ra rộng khắp ở hầu hết các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang triển khai xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2021.
Trong thời gian tới, cùng với việc triển khai thực hiện đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao trong đó tập trung phát triển nguồn nhân lực trẻ có năng lực ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, ngoại ngữ và năng lực đổi mới sáng tạo để thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Bộ Giáo dục và Đào tạo trân trọng báo cáo./.
|
BỘ
TRƯỞNG |