Quyết định 12/2005/QĐ-BGTVT về Điều lệ đường ngang do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành

Số hiệu 12/2005/QĐ-BGTVT
Ngày ban hành 19/01/2005
Ngày có hiệu lực 12/02/2005
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Giao thông vận tải
Người ký Đào Đình Bình
Lĩnh vực Giao thông - Vận tải

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 12/2005/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 19 tháng 1 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

SỐ 12/2005/QĐ-BGTVT NGÀY 19/01/2005 CỦA BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ ĐƯỜNG NGANG

Căn cứ Nghị định số 34/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Căn cứ Nghị định số 39/CP ngày 5 tháng 7 năm 1996 của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Pháp chế,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1:  Ban hành kèm theo Quyết định này “Điều lệ đường ngang”.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 737/2001/QĐ-BGTVT ngày 19 tháng 3 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành Điều lệ đường ngang.

Điều 3: Chánh Văn phòng, Chánh Thanh tra, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam,  Cục trưởng Cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục Giám định và quản lý chất lượng công trình giao thông, Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Giám đốc các Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính và tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Đào Đình Bình

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ

ĐƯỜNG NGANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2005/QĐ-BGTVTngày 19 tháng 1 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

1. Đường ngang nói trong Điều lệ này là nơi đường sắt và đường bộ giao nhau trên cùng một mặt bằng, được cơ quan có thẩm quyền quyết định xây dựng và cho phép khai thác để bảo đảm an toàn giao thông.

2. Đường sắt chính nói trong Điều lệ này là:

a) Đối với đường sắt khổ 1000 mm là đường sắt chủ yếu (Xem phụ bản X).

b) Đối với đường sắt khổ 1435 mm là đường sắt cấp I, II (Xem phụ bản XI).

3. Quy định trong Điều lệ này không áp dụng đối với:

a) Mặt cầu chung (đường sắt và đường bộ cùng trên một mặt cầu);

b) Nơi đường sắt giao cắt với đường bộ trong nội bộ ga, cảng, bãi hàng, nhà máy, xí nghiệp.

Điều 2. Phạm vi đường ngang bao gồm:

1. Đoạn đường bộ đi qua đường sắt nằm giữa hai chắn hoặc nằm giữa hai ray chính ngoài cùng và hai bên đường sắt cách má ray ngoài cùng trở ra 6 m nơi không có chắn.

2. Đoạn đường sắt nằm giữa hai vai đường bộ tại điểm giao (Phụ lục số 1).

Điều 3. Theo thời gian sử dụng, đường ngang gồm các loại sau:

1. Đường ngang sử dụng lâu dài;

2. Đường ngang sử dụng có thời hạn;

[...]