Quyết định 1191/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” tỉnh Lâm Đồng

Số hiệu 1191/QĐ-UBND
Ngày ban hành 27/05/2014
Ngày có hiệu lực 27/05/2014
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Lâm Đồng
Người ký Đoàn Văn Việt
Lĩnh vực Giáo dục,Văn hóa - Xã hội

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1191/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 27 tháng 05 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ĐẨY MẠNH PHONG TRÀO HỌC TẬP SUỐT ĐỜI TRONG GIA ĐÌNH, DÒNG HỌ, CỘNG ĐỒNG ĐẾN NĂM 2020” TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 281/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020”;

Xét đề nghị của Chủ tịch Hội khuyến học tỉnh Lâm Đồng tại Tờ trình số 16/TTr-KHLĐ ngày 28 tháng 4 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Đề án “Đẩy mạnh phong trào học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng đến năm 2020” tỉnh Lâm Đồng (sau đây gọi tắt là Kế hoạch), với nội dung như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Đẩy mạnh các hoạt động học tập thường xuyên, học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ, cộng đồng thông qua việc xây dựng và triển khai các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012-2020 theo Quyết định 1868/QĐ-UBND ngày 23/09/2013 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Xây dựng và thí điểm các mô hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” để triển khai nhân rộng từ năm 2016 trong phạm vi toàn tỉnh.

b) Phấn đấu đến năm 2020:

- 100% cán bộ, hội viên khuyến học trong tỉnh được tập huấn nâng cao nhận thức về xã hội học tập và các mô hình học tập suốt đời trong gia đình, dòng họ và cộng đồng.

- 100% gia đình không còn người mù chữ, đạt phổ cập giáo dục một cách bền vững.

- 50% thành viên trong gia đình, dòng họ, cá nhân trong cộng đồng, 80% cán bộ, công chức, người lao động tham gia học ngoại ngữ, tin học.

- 70% gia đình được công nhận gia đình học tập, 50% dòng họ được công nhận dòng họ học tập, 60% cộng đồng được công nhận cộng đồng học tập, 90% cơ quan, trường học và 50% các tổ chức, doanh nghiệp được công nhận đơn vị học tập.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về quyền lợi, nghĩa vụ đối với việc học tập thường xuyên, học tập suốt đời của mọi người trong gia đình, dòng họ, cộng đồng:

a) Tổ chức tuyên truyền thông qua hệ thống mạng lưới cơ sở và hội viên Hội Khuyến học các cấp;

b) Tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của địa phương về mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh phong trào học tập trong gia đình, dòng họ, cộng đồng;

c) Tổ chức tuyên truyền thông qua sự phối hợp với các tổ chức xã hội khác;

d) Tổ chức các hoạt động như: nói chuyện chuyên đề tại phường xã, thôn, tổ dân phố; tổ chức thi viết về những gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị tiêu biểu trong phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời; giới thiệu gương điển hình “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập”, “Đơn vị học tập” trong nội san “Khuyến học, giáo dục” của tỉnh.

2. Vận động các gia đình, dòng họ, cộng đồng, đơn vị tích cực tham gia phong trào học tập thường xuyên, học tập suốt đời.

a) Gia đình: Tiếp tục xây dựng các gia đình hiếu học với những tiêu chí cao hơn về những nội dung chăm lo cho con em đi học đúng độ tuổi, không lưu ban bỏ học, có việc làm, không vi phạm đạo đức, pháp luật, người lớn trong gia đình đều tham gia học tập và tự học, đạt hiệu quả, gia đình đạt gia đình văn hóa, tích cực tham gia công tác khuyến học tại địa phương. Tiến tới xây dựng gia đình thành đạt, gia đình cử nhân, gia đình thạc sĩ, gia đình tiến sĩ.

b) Dòng họ: Xây dựng dòng họ có ban khuyến học hoạt động hiệu quả, vận động trên 80% người trong dòng họ tham gia các tổ chức khuyến học, trên 50% gia đình đạt gia đình hiếu học, quỹ khuyến học dòng họ có số dư ngày càng lớn để giúp đỡ con cháu vượt khó học tập tốt, biểu dương khen thưởng người có thành tích trong học tập, thi đỗ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

c) Cộng đồng: Phấn đấu 100% thôn, tổ dân phố có chi hội khuyến học hoạt động hiệu quả, 50% số gia đình ở khu dân cư đạt gia đình hiếu học, không còn người mù chữ, trên 60% người lớn tham gia học tập các chuyên đề, nghe thời sự, chính trị, chủ trương, chính sách do các cơ quan, đoàn thể tổ chức, xây dựng được quỹ khuyến học.

[...]