Quyết định 1190/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá đến năm 2015 và định hướng 2020 do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành

Số hiệu 1190/QĐ-UBND
Ngày ban hành 23/04/2007
Ngày có hiệu lực 23/04/2007
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Tỉnh Thanh Hóa
Người ký Nguyễn Văn Lợi
Lĩnh vực Văn hóa - Xã hội

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HOÁ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1190/QĐ-UBND

Thanh Hoá, ngày 23 tháng 4 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP TỈNH THANH HOÁ ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TỊCH UBND TỈNH THANH HOÁ

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 24/2002/QĐ-TTg ngày 01/02/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Qui hoạch phát triển kinh tế xã hội tỉnh Thanh Hoá thời kỳ 2000 - 2010;
Căn cứ Quyết định số 150/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt qui hoạch chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông, lâm nghiệp, thuỷ sản cả nước đến năm 2010 và tầm nhìn 2020;
Căn cứ Nghị quyết số 27/2006/NQ-CP ngày 31/10/2006 của Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh qui hoạch sử dụng đất tỉnh Thanh Hoá đến năm 2010;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 38/NN&PTNT-KH ngày 09/01/2007 về việc đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá đến năm 2015 và định hướng 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thanh Hoá đến năm 2015 và định hướng 2020 với các nội dung chính như sau:

I. QUAN ĐIỂM PHÁT TRIỂN.

1. Phát triển sản xuất nông nghiệp của Thanh Hoá nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, từng bước chuyển từ nền sản xuất nông nghiệp truyền thống, nhỏ lẻ sang sản xuất tập trung, qui mô lớn, tạo sản phẩm hàng hoá; xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, hướng tới xuất khẩu.

2. Phát triển sản xuất nông nghiệp nhanh, bền vững trên cơ sở khai thác, sử dụng tốt tiềm năng lợi thế về đất đai, nguồn nước, lao động; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất nhằm đạt năng suất cao, chất lượng sản phẩm tốt, phù hợp với nhu cầu của thị trường, tăng khả năng cạnh tranh của nông sản hàng hoá trong điều kiện hội nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO).

3. Gắn phát triển sản xuất nông nghiệp với củng cố quan hệ sản xuất, cải thiện đời sống, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

II. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN.

1. ổn định an ninh lương thực, phát triển các sản phẩm nông nghiệp phù hợp với điều kiện sinh thái của từng vùng và nhu cầu của thị trường; từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, qui mô lớn, có giá trị, hiệu quả và sức cạnh tranh cao; gắn sản xuất với chế biến, thị trường tiêu thụ.

2. Tăng giá trị thu nhập trên 1 ha đất canh tác, tạo việc làm, cải thiện đời sống cho nông dân; gắn chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp với chuyển đổi cơ cấu lao động, điều chỉnh dân cư, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và công nghệ ngày càng cao.

3. Giảm dần diện tích cây lương thực, cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây, nuôi con có giá trị, hiệu quả kinh tế cao, gắn với áp dụng tiến bộ kỹ thuật, đầu tư thâm canh, tăng năng suất, sản lượng cây trồng, đảm bảo an ninh lương thực và nguyên liệu cho các nhà máy chế biến.

4. Khuyến khích các thành phần kinh tế trong nước, các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản hàng hoá; ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn, bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái.

III. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN.

1. Mục tiêu đến năm 2015:

- Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp trung bình đạt 5,7 - 6,4%/năm trong giai đoạn 2006 - 2010 và đạt trên 4,3%/năm trong giai đoạn 2011 - 2015.

- Tỷ trọng GDP ngành nông, lâm, thuỷ sản trong tổng GDP toàn tỉnh chiếm 23% năm 2010 và 17 – 18 % vào năm 2015.

- Cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp (giá TT 2005): năm 2010 ngành chăn nuôi chiếm tỷ trọng là 40%, ngành trồng trọt chiếm tỷ trọng 57,2%, ngành dịch vụ sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng 2,8% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp. Đến năm 2015 cơ cấu trên tương ứng là 49% - 48% - 3%.

- Giá trị sản phẩm trên một ha đất canh tác năm 2010 đạt trên 30 triệu đồng, năm 2015 đạt trên 35 triệu đồng.

- ổn định sản lượng lương thực ở mức 1,55 triệu tấn trở lên.

- Xuất khẩu sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản chế biến đến năm 2010 đạt 50 – 60 triệu USD, năm 2015 đạt 70 - 100 triệu USD.

2. Mục tiêu định hướng đến năm 2020:

- Tiếp tục đảm bảo tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp nhanh và bền vững, tạo sự chuyển biến căn bản về chất lượng, đạt tốc độ tăng trưởng trung bình trên 4%/năm.

- Trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp: Phấn đấu tiếp tục tăng tỷ trọng ngành chăn nuôi, dịch vụ nông nghiệp, giảm tỷ trọng ngành trồng trọt.

- Tăng giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác; ổn định an ninh lương thực trên địa bàn; đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm nông sản chế biến.          

IV. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU ĐẾN NĂM 2015 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN 2020.

[...]