Thứ 7, Ngày 26/10/2024

Quyết định 1179/TC-KBNN năm 1994 về quy chế tạm thời đấu thầu trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp Nhà nước do Bộ trưởng Bộ Tài Chính ban hành

Số hiệu 1179/TC-KBNN
Ngày ban hành 05/12/1994
Ngày có hiệu lực 05/12/1994
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Tài chính
Người ký Hồ Tế
Lĩnh vực Chứng khoán,Tài chính nhà nước

BỘ TÀI CHÍNH

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số: 1179/TC-KBNN

Hà Nội , ngày 05 tháng 12 năm 1994

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TẠM THỜI ĐẤU THẦU TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ, TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH

Căn cứ Nghị định số 178/CP ngày 28-10-1994 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 72-CP ngày 26-7-1994 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế Phát hành trái phiếu Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 120-CP ngày 17-9-1994 của Chính phủ ban hành Quy chế tạm thời về việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp Nhà nước;
Sau khi trao đổi với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tạm thời đấu thầu các loại trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp Nhà nước.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính thi hành Quy chế này. Cục trưởng Cục Kho bạc Nhà nước, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Giám đốc Sở Tài chính vật giá có trách nhiệm hướng dẫn và thực hiện Quy chế này.

 

 

BỘ TÀI CHÍNH  




Hồ Tế   

 

QUY CHẾ

TẠM THỜI ĐẦU THẦU TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ, TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆPNHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1179-TC/KBNN ngày 5-12-1994 của Bộ trưởng Bộ Tài chính).

Điều 1. Các thuật ngữ trong Quy chế này được hiểu như sau:

1- Đấu thầu trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp Nhà nước (sau đây gọi chung là trái phiếu) là một hình thức phát hành trái phiếu có mức lãi suất được hình thành thông qua kết quả đấu thầu.

2- Lãi suất chỉ đạo là mức lãi suất đặt thầu tối đa của trái phiếu, do cơ quan tổ chức đấu thầu công bố trong thông báo đấu thầu.

3- Lãi suất cố định là mức lãi suất trái phiếu được dùng để tính tiền lãi trả cho người sở hữu trái phiếu khi đến hạn thanh toán lãi và do cơ quan tổ chức đấu thầu công bố trong thông báo đấu thầu.

4- Lãi suất đặt thầu là mức lãi suất trái phiếu do đơn vị tham gia đấu thầu (gọi tắt là đơn vị đặt thầu) đưa ra, được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) năm và được ấn định phần thập phân tối đa là hai con số sau đơn vị phần trăm. Các mức lãi suất đưa ra quá hai con số thập phân sau đơn vị % hoặc vượt quá mức lãi suất chỉ đạo sẽ không được chấp nhận.

5- Khối lượng đặt thầu là tổng giá trị trái phiếu mà đơn vị đặt thầu cam kết mua theo mức lãi suất đặt thầu.

6- Khối lượng trúng thầu là giá trị trái phiếu đơn vị đặt thầu được quyền mua theo kết quả đấu thầu.

7- Giá phát hành trái phiếu là số tiền mà đơn vị trúng thấu phải thanh toán cho ban tổ chức đấu thầu căn cứ theo kết quả đấu thầu.

8- Tiền ký quỹ là số tiền mỗi đơn vị đặt thầu phải ứng trước cho cơ quan tổ chức đấu thầu để được tham gia đấu thầu, mức tối thiểu bằng 5% trên khối lượng dự định đặt thầu và không được tính lãi trong thời gian ký quỹ. Số tiền ký quỹ này sẽ được sử dụng (một phần hoặc toàn bộ) để mua trái phiếu (nếu trúng thầu), hoặc chuyển trả cho người đấu thầu (nếu không trúng thầu), hoặc được sử dụng để nộp tiền phạt chậm thanh toán cho cơ quan tổ chức đấu thầu.

Điều 2. Cơ quan tổ chức đấu thầu bao gồm:

Bộ Tài chính đối với các loại trái phiếu Kho bạc, trái phiếu công trình.

Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước trung ương đối với tín phiếu Kho bạc phát hành qua Ngân hàng Nhà nước.

Các doanh nghiệp Nhà nước do Bộ Tài chính quyết định đối với trái phiếu doanh nghiệp Nhà nước.

Điều 3. Nguyên tắc đấu thầu trái phiếu:

1- Bí mật về mọi thông tin đặt thầu của các đơn vị đặt thầu.

[...]