Quyết định 1170/QĐ-UBND năm 2021 về Kế hoạch Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2021-2025
Số hiệu | 1170/QĐ-UBND |
Ngày ban hành | 04/06/2021 |
Ngày có hiệu lực | 04/06/2021 |
Loại văn bản | Quyết định |
Cơ quan ban hành | Tỉnh Nam Định |
Người ký | Hà Lan Anh |
Lĩnh vực | Thương mại |
ỦY BAN NHÂN DÂN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1170/QĐ-UBND |
Nam Định, ngày 04 tháng 6 năm 2021 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC GẮN VỚI CUỘC VẬN ĐỘNG “NGƯỜI VIỆT NAM ƯU TIÊN DÙNG HÀNG VIỆT NAM” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH GIAI ĐOẠN 2021- 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NAM ĐỊNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 386/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025;
Theo đề nghị của Sở Công Thương tỉnh Nam Định tại Công văn số 407/SCT-QLTM ngày 07 tháng 5 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành Kế hoạch Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2021- 2025 (sau đây gọi tắt là Kế hoạch) với những nội dung chủ yếu sau đây:
I. MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN
Kế hoạch Phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh Nam Định giai đoạn 2021 - 2025 với trọng tâm là tổ chức các hoạt động phát triển thị trường với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” nhằm đạt được một số mục tiêu cụ thể như sau:
1. Giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử...) và trên 80% các kênh phân phối truyền thống (chợ, cửa hàng tạp hóa, ...);
2. Giữ doanh thu bán lẻ của khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ lệ 85% tổng mức bán lẻ hàng hóa trong nước;
3. Trên 70% doanh nghiệp trong tỉnh biết đến Phong trào “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và trên 50% doanh nghiệp tham gia Phong trào này;
4. Xây dựng được kênh truyền thông có chuyên mục “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam” thường xuyên tuyên truyền, quảng bá Cuộc vận động;
5. Tổ chức được dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh;
6. Xây dựng và nhân rộng được mô hình Điểm bán hàng Việt Nam với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, “Tinh hoa hàng Việt Nam”;
7. Xây dựng được chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất hàng Việt Nam trên địa bàn tỉnh tại thị trường trong nước.
II. NỘI DUNG KẾ HOẠCH
1. Nâng cao nhận thức và hành vi của cộng đồng đối với hàng Việt
a) Các cấp, các ngành xác định Cuộc vận động là hoạt động lâu dài, liên tục để đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ và giải pháp cơ bản thực hiện Cuộc vận động tại tài liệu tuyên truyền Cuộc vận động của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động.
b) Nhà nước xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước và đóng góp từ cộng đồng doanh nghiệp để tăng cường chương trình hỗ trợ quảng bá thương hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam trên truyền hình, đặc biệt là đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng các chương trình hành động khuyến khích sử dụng hàng Việt Nam đối với tiêu dùng cá nhân như tuyên truyền phổ biến đến doanh nghiệp với người tiêu dùng tham gia “Ngày hàng Việt”, “Tuần hàng Việt”, “Tháng hàng Việt”, “Tháng công nhân”,...
c) Tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, người tiêu dùng tin tưởng và ưu tiên sử dụng hàng hóa Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam nên tiếp tục phát huy tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; tinh thần yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, chủ động ưu tiên mua sắm, sử dụng hàng Việt trong đời sống sinh hoạt hàng ngày, thể hiện nét đẹp trong văn hóa ưu tiên dùng hàng Việt Nam, vận động người thân trong gia đình, bạn bè ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam.
2. Phát triển hệ thống phân phối hàng Việt cố định và bền vững
a) Các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp rà soát, điều chỉnh, xây dựng lồng ghép, tích hợp hạ tầng thương mại vào quy hoạch tỉnh theo Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 751/2019/UBTVQH14 ngày 16 tháng 8 năm 2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích một số điều của Luật Quy hoạch, Nghị quyết số 110/NQ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ về danh mục quy hoạch tích hợp vào quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 59 Luật Quy hoạch. Trên cơ sở quy hoạch hạ tầng thương mại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tạo điều kiện để các doanh nghiệp trong nước đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho triển khai thực hiện Cuộc vận động.
b) Các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh các giải pháp nhằm hỗ trợ cho các hoạt động bán hàng Việt Nam tại các khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn theo hướng bền vững, cụ thể:
- Có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn, mặt bằng để phát triển điểm bán hàng Việt Nam cố định tại khu vực tập trung đông dân cư, khu công nghiệp, vùng nông thôn.
- Nghiên cứu, hỗ trợ doanh nghiệp thiết lập các điểm bán hàng Việt Nam tại địa phương, lồng ghép, gắn kết một cách phù hợp việc thực hiện các mục tiêu của Cuộc vận động với Chương trình bình ổn thị trường tại các địa phương.
- Xây dựng mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ thành chuỗi cung ứng bền vững, nhằm gắn kết các doanh nghiệp sản xuất với doanh nghiệp phân phối, tạo thuận lợi trong khâu cung ứng và tiêu thụ hàng hóa. Từ đó, nhân rộng mô hình, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia.