Quyết định 1170/1999/QĐ-BYT Quy định quản lý hàng y tế dự trữ Quốc gia Bộ trưởng do Bộ Y tế ban hành

Số hiệu 1170/1999/QĐ-BYT
Ngày ban hành 16/04/1999
Ngày có hiệu lực 16/04/1999
Loại văn bản Quyết định
Cơ quan ban hành Bộ Y tế
Người ký Phạm Mạnh Hùng
Lĩnh vực Thể thao - Y tế

BỘ Y TẾ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1170/1999/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 16 tháng 4 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ SỐ 1170/1999/QĐ-BYT NGÀY 16 THÁNG 4 NĂM 1999 VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUY ĐỊNH QUẢN LÝ HÀNG Y TẾ DỰ TRỮ QUỐC GIA"

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 10/CP ngày 24/2/1996 của Chính phủ về Quy chế quản lý hàng dự trữ Quốc gia;
Căn cứ Thông tư số 170/CSDT ngày 4/4/1997 của Cục Dự trữ Quốc gia hướng dẫn việc hướng dẫn việc thực hiện Quy chế quản lý dự trữ Quốc gia;
Căn cứ Thông tư số 29/1998/TT-BTC ngày 11/3/1998 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn chế độ quản lý tài chính thực hiện Quy chế quản lý dự trữ Quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 10/CP ngày 24/2/1996 của Chính phủ;
Theo đề nghị của các Ông: Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán, Vụ trưởng Vụ trang thiết bị và công trình y tế và Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản ''Quy định quản lý hàng y tế dự trữ Quốc gia".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 3. Các Ông: Chánh văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Vụ trưởng Vụ Tài chính kế toán, Vụ trưởng Vụ Trang thiết bị & công trình y tế, Cục trưởng Cục Quản lý dược Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổng công ty Thiết bị y tế Việt Nam, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dược Việt Nam và Thủ trưởng các đơn vị được Bộ giao nhiệm vụ lưu giữ, bảo quản hàng dự trữ Quốc gia, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Phạm Mạnh Hùng

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ HÀNG Y TẾ DỰ TRỮ QUỐC GIA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1170/1999/QĐ-BYT ngày 16/4/1999 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Thực hiện Nghị định số 10/CP ngày 24/2/1996 của Chính phủ về Quy chế quản lý hàng dự trữ Quốc gia, Thông tư số 170/CSDT ngày 4/4/1997 của Cục Dự trữ Quốc gia hướng dẫn việc thực hiện Quy chế quản lý dự trữ Quốc gia và Thông tư số 29/1998/TT-BTC ngày 11/3/1998 của Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ quản lý tài chính thực hiện Quy chế quản lý dự trữ Quốc gia ban hành kèm theo Nghị định số 10/CP ngày 24/2/1996 của Chính phủ. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định một số điểm cụ thể về quản lý hàng y tế dự trữ Quốc gia như sau:

1. Nhập hàng:

- Hàng hoá, vật tư đưa vào dự trữ Quốc gia (gọi tắt là hàng dự trữ) là những mặt hàng thiết yếu để sử dụng vào mục đích: phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, phục vụ an ninh quốc phòng và thực hiện các nhiệm vụ khác của Chính phủ, Danh mục, chủng loại, số lượng mặt hàng dự trữ Quốc gia về y tế mua vào nhập kho phải tuân thủ danh mục mặt hàng do Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị đã được Chính phủ phê duyệt sau khi đã tổ chức mua hàng theo đúng các quy định hiện hành.

- Hàng y tế dự trữ Quốc gia được nhập trong các trường hợp: tăng quỹ dự trữ theo kế hoạch, luân phiên đổi mới hàng theo kế hoạch, điều động nội bộ trong các đơn vị quản lý, nhập theo Quyết định của Chính phủ hoặc của Bộ trưởng Bộ Y tế khi được Chính phủ uỷ quyền và các nguồn nhập khác.

2. Xuất hàng:

- Hàng y tế dự trữ Quốc gia được xuất trong các trường hợp: xuất bán theo kế hoạch, xuất theo Quyết định của Chính phủ, xuất theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế khi được Chính phủ uỷ quyền, điều động nội bộ trong các đơn vị quản lý, luân phiên đổi mới hàng theo kế hoạch và các nguồn xuất khác.

Nhập hàng, xuất hàng y tế dự trữ Quốc gia phải đúng chủng loại, khối lượng, quy cách, phẩm chất theo quy định của cơ quan quản lý có thẩm quyền. Tất cả các trường hợp nhập hàng, xuất hàng dự trữ đều phải có đầy đủ chứng từ, thủ tục hợp pháp theo chế độ quy định, tổ chức mở sổ sách kế toán, thẻ kho theo dõi riêng về nhập xuất hàng dự trữ theo chế độ quy định.

Giá mua, giá bán hàng dự trữ là số tiền thanh toán với khách hàng về mua, bán hàng, bao gồm cả thuế (nếu có). Giá mua, bán hàng được xác định theo cơ chế quản lý giá đối với từng mặt hàng do cơ quan của Nhà nước có thẩm quyền quyết định. Giá nhập là giá mua được giao tại kho của các đơn vị dự trữ không bao gồm thuế phải nộp Nhà nước.

Thực hiện mua, bán các lô hàng theo phương thức đấu thầu. Cơ quan dự trữ (Bộ Y tế) tổ chức việc đấu thầu mua tăng hàng dự trữ theo kế hoạch năm được Chính phủ duyệt và đấu thầu bán luân lưu đổi hàng.

3. Bảo quản hàng y tế dự trữ Quốc gia:

- Hàng y tế dự trữ Quốc gia phải được quản lý chặt chẽ và chỉ đạo tập trung thống nhất của Chính phủ, đảm bảo tuyệt đối bí mật, luôn luôn sẵn sàng đáp ứng cao nhất mọi yêu cầu trong mọi tình huống.

- Hàng y tế dự trữ Quốc gia phải được lưu giữ, bảo quản theo đúng các yêu cầu về bảo quản hàng hoá đúng quy trình, quy phạm, chế độ quản lý kho tàng.

Kho chứa hàng y tế dự trữ Quốc gia phải đảm bảo yêu cầu phù hợp với tính chất lý, hoá của từng loại hàng; bảo quản, giữ gìn an toàn số lượng, chất lượng hàng để trong kho. Trong kho phải có đủ phương tiện, trang thiết bị cần thiết phục vụ cho công tác bảo quản hàng; đảm bảo các điều kiện nhiệt độ, ánh sáng và độ ẩm không khí, chống mối mọt, thiên tai, hoả hoạn, trộm cắp và mọi sự xâm hại khác... Kho chứa hàng dự trữ Quốc gia phải có biện pháp bảo vệ chặt chẽ, an toàn, giữ gìn bí mật.

- Hàng y tế dự trữ phải để đúng kho, đúng địa điểm quy định, bảo quản theo đúng quy trình, quy phạm và phải có đầy đủ hồ sơ ghi rõ số lượng, chất lượng, giá trị và các diễn biến trong quá trình nhập, xuất kho và bảo quản. Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ lưu giữ và bảo quản hàng y tế dự trữ Quốc gia phải tổ chức thực hiện tốt các quy trình, quy phạm bảo quản các mặt hàng y tế dự trữ Quốc gia được Bộ Y tế giao.

Quy trình, quy phạm bảo quản cho từng mặt hàng do 02 Tổng Công ty (Tổng Công ty Dược Việt Nam và Tổng Công ty Thiết bị y tế Việt Nam) xây dựng và được Bộ Y tế thông qua sau khi đã có ý kiến của các cơ quan liên quan.

4. Luân phiên đổi mới hàng y tế dự trữ Quốc gia.

[...]